Học và tu

14/04/2014 7:20
Nguyên văn "Ông đã xuất gia thì tánh có tối sáng, mà học không có nhiều ít, cốt ở chuyên ròng tu tập”.

Nghĩa là học nhiều, học ít chưa phải là điều đáng nói. Quý là ở chỗ chuyên ròng tu tập, học nhiều mà không chịu tu hoặc là tu lưng chừng, tu lấy lệ thì làm sao có được hiệu quả gì lớn. Như ỷ mình thông minh, sáng lẹ, nghe một câu hay một lời liền hiểu rồi cứ tự mãn với cái hiểu đó lo đi nói thôi, không chịu thực hành thì những tập khí phiền não đâu có dứt, đâu có hết được. Có khi nói lý rất hay, mà gặp ai đó họ bẻ lại ý mình, tức liền nổi sân, thì tập khí đâu có dứt được.

Trong khi đó, người tuy là chậm tối nhưng nghe nói rồi cố để hết tâm nhận lấy, chuyên dòng tu tap, thực hành không có gián đoạn thì kết quả vượt bậc lúc nào không hay. Ở đây là nhấn mạnh chỗ thực tu, chuyên tâm thực hành, có sức sống chân thật, không phải là chỉ nói suông, học nhiều. Cho nên “tánh có tối sáng mà học không có nhiều ít, cốt ở chỗ chuyên ròng tu tập”.

Ở thế gian có câu:

                    “Thế thượng vô nan sự
                    Đô lai tâm bất chuyên
                    Tạc sơn xuyên đại hải
                    Phi vụ đổ thanh thiên”.

Tức là việc đời không có gì khó, đều bởi do tâm mình chẳng chuyên thôi. Người ta có thể đục núi xuyên ra tới biển cả, hoặc có thể vén mây mù thấy cả trời xanh.

Đó là nói lên sự quyết tâm chuyên ròng một việc thì có thể làm được những việc khó làm. Nên ngày xưa người ta có thể đục núi xuyên ra tới biển cả. Vấn đề này thì bây giờ đã dễ dàng hơn nhiều vì đã có phương tiện hiện đại trợ giúp. Còn ngày xưa thì đâu có máy móc gì? Rồi người ta có thể vén mây để thấy trời xanh, thấy những ngôi sao xa. Những việc khó như thế, khi có sự quyết tâm chuyên ròng thì cũng làm được những thành tựu. Còn như việc dễ mà mình không chuyên tâm, nhiều khi cũng không thành công. Ở trong Đạo cũng vậy. Như Ngài Huệ Lăng Trường Khánh, Ngài tham thiền hai mươi năm không xong mà cũng cứ tham liên tục, ngồi rách tới bảy cái bồ đoàn mới tỏ ngộ. Ở thời Phật còn tại thế, có Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc. Trong kinh kể lại, Ngài học hoài một câu kệ mà không thuộc. Anh của Ngài là Tôn Giả Đại Bàn Đặc mới đuổi Ngài đi về. Ngài buồn định đi về thì gặp được Phật, Phật hỏi và Ngài mới kể chuyện trên.

Phật bảo: “Ta đã nhận ông vào Tăng đoàn, nên ông cứ ở lại” và Phật dạy mỗi khi lau quét dơ bẩn nơi tăng phòng hãy đọc “quét sạch dơ bẩn, quét sạch dơ bẩn”, nhắc tới nhắc lui như vậy và do sức chuyên chú lâu ngày, sau một thời gian tâm chuyên nhất. Ngài cảm nhận, ngoài việc quét đây còn lau quét nơi tâm của mình nữa. Ngài liên tục thực hành như vậy, và cảm ngộ sâu ở trong đó, cuối cùng Ngài chứng quả A La Hán. Như vậy là do nghe Phật dạy một câu đó, rồi chuyên tâm thực hành và thành tựu quả A La Hán.

Trong khi đó, Tỳ Kheo Thiện Tinh là vị thông minh, học thuộc mười hai bộ kinh mà bị đoạ vào địa ngục. Quý vị thấy có đau đớn không? Đó là để cảnh tỉnh cho mình chớ có học suông mà thiếu thực hành. Cho nên đây Ngài Đạo An nói là quan trọng ở chỗ chuyên ròng tu tập.

“Người bậc trên thì toạ thiền, bậc giữa thì tụng kinh, bậc dưới thì hay lo làm chùa tháp. Đâu thể trọn ngày không thành tựu được việc gì? Lập thân không có tiếng tăm chi, đáng gọi là uổng mất cả đời. Nay cố khuyên dạy ông hãy nên tự chín chắn”.

Đây Ngài nói, trong ba bậc đó: bậc trên thì toạ thiền, bậc giữa thì tụng kinh, bậc dưới thì lo làm chùa tháp, cũng đều là tạo công đức, không thể qua suông.

Chỗ này cũng phải hiểu kỹ, nói toạ thiền là bậc trên, nhưng thế nào mới là bậc trên? Không khéo thì tự ỷ lại, tự khen mình rồi chê người nữa là nguy hiểm. Nếu chỉ “ngồi” trên hình tướng thôi, rồi sinh tâm cao thấp, hơn thua: tôi ngồi nhiều, anh ngồi ít, tôi ngồi hay, anh ngồi dở… thì gọi là bậc trên được không? Nên đây phải hiểu: Ngồi Thiền đây là phải ngồi cho định tâm, ngồi cho thấy tánh, sáng được nguồn gốc chân thật. Vậy mới xứng đáng là bậc trên, chứ không phải chỉ ngồi trên hình thức thôi.

Thiền sư Hoằng Trí-Chánh Giác nói: “Thân ngồi an định, tâm lặng lẽ bất động, đó là dụng công chân chính”.

Tức là thân ngồi an định, tâm cũng phải lặng lẽ bất động, thân và tâm đồng thời dừng nghĩ.

“Miệng lặng thinh để cho meo mốc, lưỡi để yên cho cỏ nảy mầm”.

Tức là miệng ngậm lại để cho lên meo lên mốc, lưỡi để cho cỏ mọc mầm, mọc cỏ lên luôn.

“Tu tập như thế cho miên mật, thanh lọc tâm cho tâm trong suốt như hồ thu, chiếu sáng như trăng rằm”.

Tức là thanh lọc nội tâm của mình thật là trong, là sáng.

“Mặc toạ như vậy, dù cảnh tượng nào có xuất hiện, tâm cũng luôn luôn chiếu sáng tinh tường mọi vật đúng ngay bản vị của nó”.

Nghĩa là ngồi yên như vậy thì tâm rất là trong sáng, cho nên dù có cảnh tượng nào đó xuất hiện thì tâm vẫn luôn luôn là sáng. Không phải là theo cảnh, bị cảnh nó che mờ. Dù cảnh đẹp hay cảnh xấu, tâm vẫn luôn chiếu sáng rõ ràng gọi là mọi vật đúng ngay bản vị của nó, cái nào yên bản vị cái đó, không có xen vào thành ra nó mê mờ.

“Tâm trụ ngay nhất niệm vạn niên, không theo sắc tướng dù là trong hay ngoài”.

Đó! Ngồi như vậy mới là bậc trên, trụ ngay nơi một niệm mà muôn năm, không phải là vừa đó mà một niệm nó thay đổi.

Gọi là: “Nhất ba tài động vạn ba tuỳ”.

Nghĩa là vừa có niệm khởi lên thì ngàn muôn niệm nó kéo theo, theo cái vọng động thì lúc đó không thể là bậc trên được.

Đây ngài chỉ cho thấy, ngồi thiền là phải toàn tâm ở trong đó.

Như vậy mới thành tựu được kết quả như Ngài Đạo An nói: Ngồi thiền là bậc trên, kế bậc giữa thì tụng kinh, bậc dưới mới lo làm chùa tháp, là cũng đều tạo công đức, không phải là vào đây để ngày tháng qua suông, không có được gì hết.


Trích "Chín Chương Di Giới" - TG: Thích Đạo An - Thích Thông Phương giảng

Các tin tức khác

Back to top