An tâm tu học

13/04/2014 4:19
Hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về công phu hành trì hàng ngày. Tuy ta học hiểu và nói được lời Phật dạy nhưng thực sự không dễ dàng gì áp dụng đúng như điều mình đã nói. Thời gian mới vào thiền viện, tôi đã dồn hết tinh thần, tấm lòng và ý chí để thực hành lời dạy của Hòa thượng Ân sư, mà cũng không hoàn toàn như ý nguyện. Nếu có được thì chất lượng chẳng là bao.

Hòa thượng dạy: “Hãy tự dừng lại và nhận ra tâm bất sanh bất diệt của mình”. Câu nói đó biểu hiện đầy đủ công phu cũng như sinh hoạt tu học hàng ngày, nhưng chừng bao lâu chúng ta mới thực hiện được ?

Càng đi sâu vào việc tu, bản thân tôi cũng như những huynh đệ khác đều gặp nhiều khó khăn, bởi đây không phải là việc làm tầm thường. Những gì đã qua, chúng ta thấy y như mình làm được, vào được và trụ được trong đó nhưng thực sự không phải. Muốn nhận ra và sống được với tâm bất sanh bất diệt của mình là cả một sự cố gắng xuyên suốt, dài lâu.

Ngồi nhìn mấy cây cọc được cắm dưới dòng nước chảy xuôi và nhiều đám lục bình trôi trên mặt nước, tôi nảy ra vài suy tưởng. Bất chợt một ề lục bình tự nhiên tách bè trôi dần đến chỗ cây cọc, sau đó chúng bám quanh cây cọc. Tôi thấy hay quá, chắc rằng cả đám lục bình ngoài kia sẽ tấp vào đây hết. Nhưng ngồi đợi hoài không thấy chúng tập trung lại. Những ề lục bình nhỏ tách ra khỏi đám lớn trôi đến gần cây cọc rồi kéo luôn ề lục bình quanh đó đi. Đã không chịu dừng lại mà còn kéo người ta đi nữa, thiệt là uổng quá.

Nghiệm lại chỗ tu hành của chúng ta cũng vậy. Có khi năm ba ngày mình thấy yên ổn, vui trong lòng đến mức buổi sáng không cần phải ăn uống. Lúc đi dạo, làm việc hay nói chuyện đều cảm thấy vui. Thời gian ấy kéo dài bao lâu không biết, nhưng vừa đụng chuyện nó tan mất hồi nào không hay. Đang vui mà ai đến nói điều chi bất ổn thì trong lòng chao ngay, niềm vui theo đó mất luôn.

Hòa thượng thường nhắc chúng tôi: “Mấy chú chưa vững niềm tin nên công phu hằng ngày chưa gắn bó”. Ngài thường dùng từ “miên mật” để nhắc nhở việc hành trì công phu đắc lực. Miên mật nghĩa là tâm tâm niệm niệm liên tục không có chỗ nào xen hở. Trên thực tế chúng ta công phu không miên mật. Vừa gầy dựng chút an ổn, tưởng chừng sẽ vận dụng và phát huy được nó, không ngờ các duyên mới đến lôi hết sự an ổn ấy đi. Đây là chỗ chúng ta phải lưu ý dè dặt.

Trước nhất dừng niệm ngược xuôi, lăng xăng, chấp thủ. Làm sao dừng được? Thật không phải chuyện dễ. Như quí vị đang đi trên một chuyến xe, thả mắt nhìn hai bên đường thấy nhà cửa, ruộng vườn, dòng nước, con người… Những hình ảnh đó qua rồi chúng ta không bận tâm, trái lại thấy hai người đang đánh nhau mình dính liền, không bỏ được. Xe chạy qua rồi còn nghĩ mãi, không biết hai ông đó duyên cớ gì đánh nhau hoặc không biết có ai bị sao không? Tâm vọng động nhiều quá nên không lúc nào yên, cứ chạy theo cảnh duyên bên ngoài như những đám lục bình trôi nổi bồng bềnh xuôi theo dòng nước.

Nếu không làm chủ được mình, khi vọng tưởng điên đảo lăng xăng dấy khởi ngược xuôi, mình sẽ làm cho những người chung quanh bất an. Sự việc đó kéo lôi nhau thành một ề phiền não lang thang trôi giạt như ề lục bình bồng bềnh giữa dòng sông. Cứ thế mà trôi giạt mãi không biết chừng nào mới dừng. Đây là chỗ cần phải tháo gỡ. Vì không tự yên được cho nên không lúc nào sống được với cái tâm thể an ổn rỗng rang sáng suốt của chính mình. Chúng ta phải tháo gỡ bằng mọi cách, mọi phương pháp. Quí vị đã xuất gia phải có cách tháo gỡ của người xuất gia, đây là chỗ công phu. Còn những vị cư sĩ Phật tử đang bị ràng buộc bởi gia đình cũng phải có sự tháo gỡ riêng.

Trong pháp hội này có cả những vị lớn tuổi trước đây đã từng học pháp với quí Hòa thượng hàng Sư Ông của tôi và Hòa thượng Trúc Lâm, đến bây giờ quí vị lại tiếp tục tham gia học pháp cùng chúng tôi. Rõ ràng về công phu tu hành, về sở trường kinh nghiệm sống trải luôn đầy đủ sẵn sàng, chỉ có điều khi hạ thủ công phu thì không khớp với lời Phật dạy nên bị vọng tưởng dẫn đi hoặc chạy theo vọng tưởng. Tất cả do vì chúng ta không đủ sáng suốt, tỉnh táo, không ý thức được vọng tưởng không thiệt, không phát huy được trí tuệ làm chủ và sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt.

Nói tóm lại, muốn trở về được với tâm chân thật thì phải lóng lặng, phải làm chủ được các dấy động, buông bỏ tất cả lăng xăng trôi nổi chung quanh. Trong công phu nếu không cương quyết, cứ để ngày tháng trôi suông thì đâu thấy kết quả gì.

Nhìn lại mới thấy từ năm 75 cho tới bây giờ, gần 40 năm, thời gian trôi qua quá nhanh, chúng ta đã làm được gì? Hàng ngày vào khoảng 6 giờ chiều tại Tổ đình Thường Chiếu, trống Bát Nhã trổi lên và tiếng hô canh vô thường báo cho chúng ta biết một ngày đã qua, phải siêng năng tu học, chớ để luống uổng một đời tu. Tiếng gióng đại cổ chấn động khiến tâm thể chúng ta vào được chỗ thâm thúy sâu lắng, giống như trong kinh Bát Nhã nói hành thâm Bát Nhã, được như vậy thì lợi lạc lắm. Nếu không siêng năng tự cứu mình như cứu lửa cháy đầu, cứ để thời gian qua nhanh không cố gắng tu tập, dễ duôi qua ngày làm người tu cơm cháo qua ngày thì làm sao tháo gỡ con đường tăm tối dẫn mình đi vào ba cõi sáu đường.

Cho nên ai chưa siêng năng thì phải ráng siêng năng, nếu còn mê ngủ thì phải ráng tỉnh dậy, nếu lười nhác thì phải phấn chấn nhìn tới, nếu còn thích nằm dài thì phải ngồi dậy đứng lên, rửa mặt tỉnh táo, dâng hương cúng dường, lễ lạy, công phu sớm hối... Nhờ vào những phương tiện như vậy để thức tỉnh, cảnh giác mình đừng bị trôi giạt theo dòng xoáy của luân hồi sinh tử. Vô thường nhanh chóng như lửa cháy đầu. Chúng ta cố gắng tựu trung cũng chỉ để trị vọng tưởng khiến tâm thể sáng tỏ và sống được an nhiên giải thoát, rỗng rang sáng suốt.

Chúc đại chúng cố gắng tu hành thành tựu như nguyện.

- HT Thích Nhật Quang -

Các tin tức khác

Back to top