Sửa sai

15/06/2025 8:49

SỬA SAI GIÚP TA DỪNG SỰ TỤT DỐC XUỐNG ĐỊA NGỤC


Biết sai là đã giỏi, vì rất nhiều người sai mà không chịu biết mình sai. Biết sai rồi tìm cách sửa còn giỏi hơn nữa. Nhưng thật ra, sửa sai không hề dễ chút nào. Bởi vì:


"Thật khó điều phục người tự cao, khó giáo hóa người gian xảo, khó cứu vớt người tà kiến." — Tương Ưng Bộ – Kinh Bà-la-môn.


Lại nữa, trong Kinh Trung Bộ – Kinh Ví Dụ Con Rắn có nêu:


“Không đoạn tận các lậu hoặc thì dù có sống theo giới luật nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể giải thoát. Cũng như người dùng lá để che lỗ thủng dưới thuyền thì nước vẫn tràn vào.”

Nghĩa là có những cái sai mới phát sinh, dễ sửa. Có những cái sai đã lâu, rất khó sửa. Nếu ta không sửa cái sai từ gốc thì không thể hết sai, chỉ là loay hoay đối phó khỏa lấp tạm thời. 


"Như người khai mỏ biết lựa vàng từ đất đá, người trí biết gạn lọc từ thân, khẩu, ý những cấu uế vi tế." — Tương Ưng Bộ Kinh – Ví dụ người luyện vàng


Qua đó mới thấy, làm sao biết ta sai từ cái gốc nào thì cũng đòi hỏi trí tuệ sắc bén lắm.


Ví dụ, ta phát hiện mình có cái sai là không nỗ lực đến cùng, cứ hăm hở bước đầu rồi về sau thờ ơ dần. Ta hết sức cố gắng để kiên trì đến cùng, nhưng vẫn không cải thiện bao nhiêu. Nếu ta biết cái gốc sai nằm ở chỗ ta hay bàn lui, hay nói ra nói vào làm người khác nản chí, thì ta sẽ sửa từ chỗ này. Từ đây, thấy ai làm gì đúng, ta cứ khuyến khích và phụ giúp cho người hoàn thành vượt hơn cả dự tính. Nhiều lần như vậy ta sẽ phát triển được nghị lực của mình. Như lời Phật đã dạy:


 "Ai khuyến khích điều thiện, khéo sách tấn, có trí tuệ, sống ngay thẳng, thì là bạn lành, là nơi nương tựa đáng tin." — Tăng Chi Bộ – Bốn loại bạn chân chính


Ví dụ, ta đã xúc phạm ai đó, giờ biết là sai, ta vội vàng biện minh chối bỏ chỉ là lỡ lời..., cũng không hết tội. Lúc này phải chân thành sám hối cái tật dễ tin, cái tật thích nói xấu, vì mấy cái tật này còn làm ta tạo nghiệp dài dài. Như trong Trung Bộ Kinh – Kinh Pháp Môn Căn Bản đã nói:


"Này các Tỳ-kheo, có ba loại nghiệp đưa đến địa ngục: khẩu nghiệp ác, ý nghiệp ác, thân nghiệp ác. Người trí biết vậy, nên sám hối và điều phục mình."


Cuối cùng, "Như người lội trong bùn lầy, nếu biết lối khô ráo mà bước lên, thì sẽ sạch sẽ. Cũng vậy, người biết lỗi mình, biết hổ thẹn, sẽ khéo vượt qua ác đạo." — Kinh Trung Bộ – Giáo giới La Hầu La


Qua đó mới thấy, sửa sai cần rất nhiều can đảm và trí tuệ. Sửa sai giúp ta dừng sự tuột dốc về địa ngục. Sửa sai, đôi khi đưa ta bay lên tầng cao mới, bởi sức mạnh của sự hối hận là rất đáng kể.


     "Chối bay chối biến làm gì 

Phải tìm ra gốc để đi đúng đường 

      Sai lầm là việc bình thường 

Sửa sai là việc phi thường đáng yêu 

      Cuộc đời đâu có chi nhiều 

Để mà phụ bạc những điều thiêng liêng..."



 ST

Các tin tức khác

Back to top