Ngày nọ, bà Thái Hồng Thị vẫn bảo Ngài lấy sách vở ra học. Vì nhẫn không nổi, Ngài liền thưa hỏi mẹ: "Thưa mẹ! Con có việc muốn hỏi. Khi hỏi, xin mẹ chớ trách mắng."
Bà Thái Hồng Thị tuy biết thằng con của mình sẽ dùng những lý lẽ quái lạ để bào chữa cho việc làm biếng học hành, nhưng lại không muốn dùng những phương pháp bức bách như xưa. Bà cũng nghĩ rằng đây là cơ hội để răn nhắc giáo dục nó thêm, nên bảo: "Con cứ nói. Mẹ không phiền trách đâu."
Nghe thế, Ngài an tâm mạnh dạn hỏi: "Thưa mẹ! Cả ngày từ sáng đến tối, mẹ bắt con học hành, vậy có lợi ích gì?"
Bà Thái Hồng Thị bảo: "Người xưa bảo rằng trong sách vở tự có nhà bằng vàng ngọc. Hôm nay nếu con lo lắng học hành giỏi dang thì mai sau sẽ đỗ đạt trạng nguyên, ra làm quan lớn."
Xã hội của nước Tàu rất trọng học vấn, như câu: "Mọi việc đều là thấp kém, chỉ có học vấn là cao." Con cái dân thường chỉ nhờ học vấn mà tiến thân trên đường quan lộ, tức có danh phận trong xã hội.
Với tư tưởng đó, bà Thái Hồng Thị nói tiếp: "Từ chức quan nhỏ, trong tương lai nếu có khả năng, sẽ dần dần tiến lên chức Tể Tướng. Khi đó, làm đại quan chỉ dưới nhà vua, nhưng lại hơn muôn người."
Bà mẹ tưởng rằng nói đến chức vị Tể Tướng sẽ hấp dẫn con mình, nào ngờ Ngài lại hỏi thêm: "Thưa mẹ! Ðược chức Tể Tướng rồi, lại còn có chức nào cao hơn nữa không?"
Bà Thái Hồng Thị gập ngừng đáp chẳng được: "Làm Tể Tướng rồi..." Ðối với quyền thế oai phong của chức Tể Tướng, bà Thái Hồng Thị khó mà giải thích cặn kẽ cho thằng con mười tuổi hiểu được. Vả lại, cả đời bà thường ở trong huyện thành nhỏ, ít khi đi xa thì làm sao biết rõ việc của quan trường. Ðối với việc này, bà chỉ nghe qua nhờ những lời giảng giải của ông chồng. Vì vậy bà đáp: "Làm Tể Tướng rồi, nếu muốn thì có thể từ quan về hưu."
Nghe thế, Ngài hỏi thêm: "Cả một đời khổ cực học hành. Vậy mà đến chức Tể Tướng, rồi lại về hưu. Như thế làm quan có ích lợi gì?"
Bà Thái Hồng Thị hỏi: "Sao con không muốn tiến thân làm quan?"
Thật ra, bà Thái Hồng Thị chẳng phải nói thế để vạch rõ con đường tiến thân làm quan cho Ngài, mà chỉ vì muốn khuyến khích con mình học hành. Vì vậy bà hỏi lại: "Vậy thì tương lai con muốn làm gì?”
Không suy nghĩ, Ngài đáp: "Thưa mẹ! Tương lai, con nhất định làm việc mãi, chẳng muốn từ chức về hưu."
Bà Thái Hồng Thị bảo: "Chỉ có làm tăng sĩ du phương mới không từ chức về hưu." Ngài thường được vị hòa thượng trụ trì nhắc đến những lời này tại ngôi chùa viện năm xưa. Thế nên, Ngài lại hỏi: "Thưa mẹ! Làm tăng sĩ có hay lắm không?"
Bà đáp: "Tăng sĩ là đệ tử xuất gia của Phật Ðà, thường luôn du phương hành cước khắp thiên hạ, tự do tự tại, không đắm chấp vào ăn mặc chỗ ở, đi đến nơi nào, đều được người người cúng dường y phục thức ăn. Tương lai sẽ thành Phật, gia đình được tiếng thơm."
Nghe vậy, Ngài vui mừng đáp: "Như vậy, con sẽ làm tăng sĩ."
Nhận biết tâm tư con mình muốn xuất gia làm tăng sĩ, bà liền bảo: “Thằng ngu! Xuất gia đâu phải là chuyện dễ làm. Phải xem coi con có duyên phần và đủ phước đức không nữa!"
Ngài hỏi: “Xuất gia làm tăng sĩ, sao lại cần có phước đức?"
Bà đáp: “Ðương nhiên là phải cần có phước đức. Ðường quan lộ tuy thường gặp hiểm nạn, nhưng xuất gia để tu thành Phật lại càng khó gấp trăm ngàn lần. Trên thế gian, rất nhiều người làm Trạng Nguyên, nhưng lại rất ít người làm Phật Tổ. Mẹ thấy con chỉ nói lời xàm bậy. Hãy bỏ ý định đó đi."
Ngài thưa: “Thưa mẹ! Con tự biết mình có phần phước đức. Tuy nhiên, chỉ sợ rằng mẹ không đành lòng cho con đi xuất gia thôi."
Nghe vậy, bà đột nhiên toát mồ hôi, như linh cảm có điều chi sẽ xảy ra. Bà nghĩ: “Trời ơi! Thằng con của tôi lại muốn đi tu thật sao?" Tuy nhiên, vì suốt đời bà luôn chân thành khẩn thiết lễ bái cúng dường chư Phật cùng Bồ Tát Quán Thế Âm, nên không dám nói lời lừa lọc con mình: “Này con! Ngày nào đó, vì duyên phận đã định, nếu con có phần phước làm quan hay làm hòa thượng, sao mẹ lại không cho phép! Tuy nhiên, hãy giữ kín chuyện này giữa mẹ và con thôi nhá!" Tưởng đối đáp cho qua loa, ai ngờ rằng chính bà Thái Hồng Thị đã giúp Ngài vạch rõ con đường xuất gia làm tăng sĩ. Sau này, Ngài được vào chùa xuất gia mau chóng, phần lớn là do ảnh hưởng của mẹ mình.
Trích Hám Sơn Đại Sư Tự Truyện - Tỳ Kheo Thích Hằng Đạt Việt dịch
Các tin tức khác
- Lão Bà La Môn và các con (23/05/2014 9:35)
- Trí tuệ bậc giác ngộ (22/05/2014 2:15)
- Phật độ nàng Ma Đăng Già (21/05/2014 11:32)
- "Thiền" như nguồn sống dưới góc nhìn khoa học (21/05/2014 11:18)
- Cách sống của Van Gogh (21/05/2014 6:33)
- Không bỏ qua thời gian vô ích (20/05/2014 10:24)
- Trở về thực tại (20/05/2014 10:19)
- Thành thật với nhau (19/05/2014 10:04)
- Hạnh phúc và đau khổ (19/05/2014 9:02)
- Sống để làm gì (18/05/2014 2:24)