Những thứ kể cho là được này thuộc về thể vật chất. Hễ gọi là vật chất thì phải chịu sự hao mòn mất mát, ví dụ mất nhà cửa, xe cộ, vợ, con, mất chồng, mất ông bà cha mẹ, vì nhiều nguyên nhân, nạn tai, thiên tai, cướp giựt, hãm hại, nợ nần, thua lỗ, làm ăn thất bại...
Trong cái “có, được” đã mang bản chất của sự hư hoại, biểu hiện liên tục bất ngờ. Giống như chúng ta đem nước cho vào tủ lạnh làm thành nước đá, chúng ta đợi nước đông lại, chúng ta lấy nước đá ra khỏi tủ lạnh để dùng, quá trình tan hoại xảy ra từ lúc đó. Giờ đây chúng ta tự hỏi cái được đã như vậy thì cái mất diễn tiến ra sao?
Chúng ta mất công đi làm kiếm tiền nuôi vợ con, nuôi chồng, nuôi cha mẹ, mua nhà mua cửa, mất ăn, mất ngủ, mất sức khoẻ, mất tuổi trẻ và còn nữa... hồi hộp lo âu sợ mất chồng, mất vợ, mất con, mất nhà, mất xe, mất sở làm, mất chức...
Tất cả những thứ sợ, thứ mất này làm cho sức khoẻ, khả năng, thể lực chúng ta mỗi ngày vơi đi một chút, ngược lại tâm trí chúng ta mỗi ngày thêm nặng nề mà lòng muốn không bao giờ được thoả nguyện, trong khi phương tiện chuyên chở (cái thân) ngày càng hao mòn, cũ kỹ yếu ớt đi bởi mưa thu, nắng hạ, xuân tàn...
Trong khi đó, nếu chúng ta thực hành như lời nhắc nhở của tổ tiên, lời dạy của đức Phật, của các bậc thiện tri thức, chúng ta tránh không để cho tinh thần thể xác bị quá tải, bị tổn thương.
Cứ bớt một cái “có” là tránh được một nỗi lo, bớt được một cái “mất”. Tránh cái nào, bớt cái nào không cần thiết, so sánh việc nào làm nặng nề não hại thân tâm, việc nào giúp thân tâm nhẹ nhàng an lạc.
Chúng ta cần bồi bổ nuôi dưỡng cho mình cái trí huệ bát nhã như đức Phật thường nhắc nhở, để có thể nhìn rõ, phân tích sự vật từ bản chất của nó hầu tìm kiếm sự hài hoà giữa cái chung, cái riêng.
Chúng ta coi trọng những phát minh vật chất tạo ra tiện nghi hiện đại giúp con người có điều kiện thụ hưởng, quản lý mình và quản lý xã hội tốt hơn.
Chúng ta bình tĩnh sáng suốt tìm cho ra những ẩn số đằng sau các phương tiện hiện đại được cung cấp tràn lan bất kể cần hay không cần, nên hay không nên cho con người, giúp con người tự tại, thừa hưởng những sáng tạo, những phát minh mới mà không gây tổn hại cho mình, cũng như cho cái môi trường thiên nhiên hồn hậu vẫn đang nuôi dưỡng mình.
Học từ thiên nhiên cái “nết” của sự chan hoà, công bằng, và biết đủ. Dù sống ở bất cứ nơi đâu, lăng xăng lộn xộn đảo điên đến mức nào, chúng ta vẫn có thể tạo cho mình sự an lạc nếu biết xử sự chuyện đời một cách công bằng, trong sáng và trung thực từ trái tim khối óc mỗi người.
Theo TS.NSND Bạch Tuyết - SGTT
Các tin tức khác
- Nhân duyên và tỉnh giác (18/12/2012 3:16)
- Tu là bỏ cái giả nhận ra cái thật (16/12/2012 2:21)
- Quán chiếu hạnh phúc (14/12/2012 2:14)
- Sinh ký tử quy (13/12/2012 6:25)
- Sống giác tỉnh (12/12/2012 10:57)
- Buông bỏ căng thẳng, trân quý người thương (11/12/2012 6:05)
- Chia hai đồng bạc (10/12/2012 5:58)
- Lấy tình thương làm lẽ sống! ( 9/12/2012 3:47)
- Hiểu đúng về việc đi chùa lễ Phật ( 9/12/2012 2:32)
- Nuôi lớn đau thương ( 7/12/2012 9:48)