Nuôi lớn đau thương

7/12/2012 9:48
Dù không hề muốn đau thương nhưng vô tình hoặc cố ý, chúng ta vẫn nuôi dưỡng nó mỗi ngày để rồi chúng ta cứ mãi khổ đau và mãi trách ông trời, trách người, đổ hết mọi nguyên nhân lên một ai đó…

Ta nuôi lớn đau thương trong ta bằng năng lượng tham-sân-si. Ta thấy người ta có cái này (trong khả năng của họ) và ta liền ham muốn, thôi thúc phải có bằng mọi cách dù ta không có khả năng để có. Nếu không đạt được thì ta liền khổ, Đức Phật dạy đó là cái khổ “cầu bất đắc ý” (cầu mà không được). Nếu cố muốn thêm chút nữa ta có thể bắt đầu nghĩ tới việc chiếm đoạt nó một cách bất hợp pháp và rồi mình sẽ lâm vào cái khổ khác như phạm tội, bị bắt, mất hết sự tôn trọng nơi người…


Cứ thế, suy nghiệm và quán chiếu sâu về biểu hiện của mong cầu ấy chúng ta sẽ thấy mình đối mặt với rất nhiều cái khổ từ nó. Sự ganh ghét, đố kỵ cũng bắt đầu từ việc muốn mà không thành trong khi người khác lại được cái mình muốn một cách đơn giản, dễ dàng. Tất nhiên, nguyên nhân là vì mình không hề biết nhơn quả của mọi biểu hiện trên cuộc đời này nên mình mới khởi tâm đố kỵ, ganh ghét đó.


Ta nuôi lớn đau thương từ việc cứ suốt ngày để ý tới người ta thương, xem người ta có… bớt thương ta vì những đối tượng xung quanh không? Và ta bắt đầu trở thành “thám tử”, suốt ngày chĩa “camera” vào người mình thương để rồi phân tích, đánh giá, bình luận, kết luận, phán xét… gây ra những nghi ngờ, đổ vỡ không đáng có. Vậy là, từ việc thương người và người cũng thương mình, chỉ vì lo lắng, sợ hãi, tham lam của mình đã biến mình thành “chiếc bóng” bất đắc dĩ của người mình thương (đến nỗi người ta cảm thấy mình giống như chiếc lồng còn họ là con chim trong chiếc lồng ấy). Mất tự do. Ngột ngạt… Tình thương nơi họ dành cho mình, hạnh phúc mà họ cảm nhận từ tình thương của mình dành cho họ bị bóp chết bởi chính mình, bởi những lo lắng, sợ hãi, thiếu niềm tin của mình.


Mình đã nuôi lớn đau thương từ những điều nhỏ nhặt như thế. Hoặc cũng có thể mình đã tưới tẩm hạt giống sân si nơi mình bởi những hạnh phúc quanh mình. Thấy người ta giàu có mình nổi sân để rồi mình mãi nghèo khó với chính gia tài kếch sù của mình. Không biết đủ chính là tham, tham thì tự mình biến mình trở nên nghèo khó. Tôi biết có những người nghèo khó như thế dẫu khối lượng tài sản của họ nhiều hơn tôi rất nhiều lần. Ý niệm luôn muốn có thêm nữa của mình đã giết chết cơ hội thảnh thơi của mình, nghĩa là giết chết cơ hội để mình chế tác hạnh phúc từ việc ngắm nhìn cuộc sống trôi qua trong ý thức (chánh niệm). Có những người rất giàu có nhưng họ không có một ngày được ngơi nghỉ đúng nghĩa bởi trong đầu họ toàn là những con số, tiền, và nỗi sợ hãi mất mát… Người giàu cũng khóc là ở chỗ này. Chính vì vậy, hạnh phúc không phải bao giờ cũng tỉ lệ thuận với sự giàu có, nổi tiếng, sắc đẹp.


Không hiểu rõ quá trình sanh-trụ-dị-diệt vốn là lẽ đương nhiên trên cuộc đời này nên biết bao nhiêu người trẻ đẹp đã đau khổ, lo lắng vì thời gian trôi qua (đồng nghĩa với việc già đi, yếu đi, xấu đi). Và họ càng đáng thương hơn nếu họ nghĩ sắc đẹp, tuổi trẻ ấy là vĩnh hằng vì với ý nghĩ đó, họ có thể hành xử như một người điên, có thể chê bai bất kỳ người nào già nua, chậm chạp, xấu xí… mà họ biết, họ gặp! Chỉ tính riêng cái biểu hiện suốt ngày chê người khác đã thấy người ấy khổ thế nào rồi, huống hồ với cái nhơn ấy, chắc chắn họ sẽ bị chê bai vào hiện đời hoặc tương lai không xa nào đó thì thật là… khổ lòng vòng.


Cũng với ý niệm vĩnh hằng của sức khỏe, sắc đẹp ấy họ sẽ xài nó một cách hoang phí, vô độ đến nỗi phải lâm vào bế tắc trong cuộc sống vì sự cạn kiệt nhanh chóng của “nguồn tài nguyên” ấy. Nguồn tài nguyên sức khỏe, sắc đẹp vốn cũng do mình tạo, mình để dành từ lâu, nó có hạn lượng nên hễ mình xài mà không tu bồi bằng việc tiếp tục gieo những điều thiện như bố thí, giúp người, sẵn sàng ra tay cứu người, cứu vật…, ngược lại còn cấp tốc xài thì làm sao nó không xuống cấp? Mình khổ đau do mình nhận diện điều đó muộn mằn, nhất là khi nó đã biểu hiện thì hết phương rồi.


Có người, với vốn liếng sức khỏe, sắc đẹp chừng ấy lại muốn có thêm, tham một cách vô độ và muốn càng nhanh càng tốt nên đã dùng thuốc bổ quá nhiều, đi hết thẩm mỹ viện này tới thẩm mỹ viện khác… nên cũng nhanh chóng mất đi cái tự nhiên, thậm chí suy sụp bởi chính cái ước muốn không điểm dừng, vô lối ấy. Vậy là khổ, khổ bởi không biết đủ!


Tham-sân-si trong mình theo Đức Phật nói, đó chính là vô minh. Mình không có trí tuệ nên mình mới không thấy được nguyên nhân các khổ vốn xuất phát từ ý-khẩu-thân bất thiện của mình. Ý nghĩ những điều gây đau khổ cho người, miệng nói những lời thiếu từ bi, thân làm những việc xấu ác… thì làm sao mình không đau khổ cho được? Chỉ tiếc là mình đã gieo nhơn khổ đau như vậy mà mình cứ mãi mong muốn hạnh phúc nên mình càng khổ đau vì mong muốn ấy thiếu cơ sở, chắc chắn không thành.


Vậy nên, để bớt khổ đến dứt khổ, hết khổ đau thì mình phải ngừng nuôi dưỡng năng lượng khổ đau, nghĩa là mình sẽ bớt tham, bớt sân, bớt si và bắt đầu học làm việc lành, nói điều lành, nghĩ điều lành… Cứ thế, sự chuyển hóa năng lượng khổ đau thành năng lượng an vui sẽ được thực hiện trong ý thức (chánh niệm) và sự định tĩnh của mình. Ý thức ấy phải được thực tập, trên cơ sở lời Phật dạy, trong sự thấy biết về bốn sự thật (thấy khổ, biết nguyên nhân của khổ, trị liệu và đạt bằng an)…


Nguồn: LVSN

Các tin tức khác

Back to top