Tâm dẫn đầu

6/12/2012 2:54
Phật từng dạy: “Tất cả chúng sanh đều được sanh ra bởi nghiệp. Nghiệp là của mình, phải thọ quả của nghiệp. Nghiệp là tạo tác, là chủ thể muôn loài. Nghiệp là dòng giống, tông chủng. Nghiệp tìm đến nhau, dẫn dắt nhau đi”.

Sở dĩ mình sanh ra đây thuộc dòng giống, họ này, họ kia, họ sang, họ hèn là cũng do nghiệp. Nghiệp tốt thì đi vào dòng giống sang, nghiệp xấu thì vào dòng giống thấp hèn, nghèo khổ. “Nghiệp tìm đến nhau, dẫn dắt nhau đi đều do nghiệp”, tức không được tự do gì hết. Sanh ở đây, sống ở đây khổ vui đều theo nghiệp cho nên có khi muốn sống mà sống không được, có lúc muốn chết mà chết cũng không xong! Muốn giải thoát thì cũng giải thoát không được. Quý vị tu có ai không muốn giải thoát không? Xuất gia cầu giải thoát, nhưng giải thoát không được đó là vì có nghiệp, nghiệp làm chủ. Thí dụ như người ghiền rượu, ghiền thuốc, ghiền tức là thành nghiệp rồi, mà muốn bỏ thì không phải dễ? Thấy rượu, thấy thuốc thì nó cũng kéo đi, không có tự do. Kiểm lại ở trong đây, ai cũng đều có nghiệp hết. Nhưng nghiệp từ đâu? Thì cũng từ tâm mà có thôi, chính tâm là chủ tạo nghiệp, rời ngoài tâm thì tìm nghiệp cũng không có. Do vậy, trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm ô nhiễm, thì sự khổ sẽ theo nghiệp đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”.

Nghĩa là trong các pháp thì tâm dẫn đầu, làm chủ, tạo tác, cho nên mình nói năng, hoặc hành động với tâm ô nhiễm (tức cái nhân) thì quả khổ sẽ theo nghiệp mà kéo đến như bánh xe lăn theo chân con thú.

“Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng, hoặc hành động với tâm thanh tịnh, thì sự vui vẻ sẽ theo nghiệp kéo đến, như bóng theo hình”.


Tức là hoặc khổ, hoặc vui cũng đều do tâm dẫn đầu, tâm chủ động cho mọi hành vi tạo tác thiện ác của mình, tạo thành nghiệp tốt xấu, và đưa đến quả khổ vui. Thí dụ như ăn trộm, bỗng dưng mà quý vị đi ăn trộm được không? Phải có tâm khởi muốn lấy món đồ đó. Hoặc là quý vị đến ngồi đây thì cũng có tâm đi học pháp dẫn quý vị từ nhà đến đây, chứ nếu không có tâm đi học pháp thì nó dẫn quý vị đi chỗ khác rồi, ngày lễ vui đi chơi. Cho nên, tâm chủ động đưa đến quả thiên đường hay địa ngục. Nói cho xa nhưng gốc từ tâm thôi. Có câu chuyện thiền Nhật Bản, một hiệp sĩ đến hỏi thiền sư Bạch Ẩn:

- Thật có thiên đường và địa ngục hay không?

Ngài Bạch Ẩn không trả lời ngay mà hỏi lại:

- Anh là ai vậy?

Vị đó đáp:

- Tôi là một hiệp sĩ.

Ngài Bạch Ẩn bảo:

- Anh mà là hiệp sĩ cái gì! Mặt anh trông giống tên ăn mày không khác!

Một hiệp sĩ mà bị nói như vậy, lòng tự ái liền dâng lên, anh đỏ mặt, tay để vào chuôi kiếm. Nếu người khác thấy vậy thì cũng hơi run, Ngài Bạch Ẩn nói thêm câu nữa:

- Anh mà cũng có kiếm à, kiếm của anh mà làm gì được, chắc nó cũng không có buồn mà cắt đầu tôi đâu.

Lúc đó, anh chịu hết nổi, rút phăng cây kiếm ra! Ngay đó, Ngài Bạch Ẩn liền cười bảo:

- Đó! Cửa địa ngục đang mở ra với anh đó!

Vừa nghe nói tới đó, anh tỉnh ngộ liền, bèn cho kiếm vào vỏ và cúi đầu tạ lỗi. Ngay đó, Ngài Bạch Ẩn bảo:

- Và đây cửa thiên đường đã mở ra với anh.

Người ta cứ nghĩ rằng thiên đường là ở trên trời, địa ngục là ở dưới đất, mà không ngờ nó chính ở ngay nơi mình. Chính khi rút kiếm ra tính giết người, thì lúc đó tâm đưa mình đi địa ngục, có tâm đó thì mới có địa ngục. Khi tỉnh ngộ biết là quấy, thì nó chuyển trở lại, đó là đưa mình lên thiên đường. Cho nên, chính tâm gây nhân, tạo tác ra thiên đường, ra địa ngục. Nghĩa là tâm địa ngục thì đưa mình đến địa ngục, tâm thiên đường thì đưa mình đến thiên đường, khỏi phải tìm ở đâu xa., Trong lời giải Thi Tụng 10 Bức Tranh Chăn Trâu, có một đoạn Thiền sư Quảng Trí nói rất: “Trước mắt một niệm hiện tướng sân, chính là hình ảnh con rắn dữ. Còn trước mắt một niệm hiện tướng tham, thì đó là giống nòi ngạ quỷ”. Ngay một niệm mà khởi tham thì đó là tướng ngạ quỷ, là chỗ đưa tới ngạ quỷ, chứ khỏi cần tìm ngạ quỷ ở đâu, rắn độc cũng vậy, là ngay niệm sân đó. Kiểm như vậy thì mình mới thấy chỗ tu của mình, chính tâm là cái nhân tạo thành nghiệp rắn độc, tạo giống nòi ngạ quỷ. Nắm vững cái gốc này, hiểu rõ thì không có lầm đường tu của mình, là biết ngừa cái nhân mà tránh cái quả. Tức là sợ quả khổ thì phải tránh ngay tâm đó, không để tâm đó khởi lên.


Trích từ bài viết Sống Vươn Lên - TG: TT. Thích Thông Phương (Thường Chiếu)


Các tin tức khác

Back to top