Thiền sư Huệ Hải (Đại Châu)

1/08/2014 12:18
Sư họ Châu, quê ở Kiến Châu, theo Hòa thượng Ðạo Trí chùa Ðạo Vân ở Việt Châu xuất gia học đạo.

Sư đến tham vấn Mã Tổ.

Mã Tổ hỏi:- Từ đâu đến?

Sư thưa:- Ở Việt Châu chùa Ðại Vân đến.

- Ðến đây tính cầu việc gì?

- Ðến cầu Phật pháp.

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?

Sư lễ bái, thưa:- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

- Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

Ngay câu này, Sư tự nhận bản tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ. Sư ở hầu Mã Tổ sáu năm.

*

Vì bổn sư tuổi già, Sư phải về phụng dưỡng. Từ đây, Sư tàng ẩn chỗ thâm ngộ của mình, chỉ hiện bề ngoài như kẻ tầm thường. Sư có soạn quyển "Ðốn Ngộ Nhập Ðạo Yếu Môn Luận", bị Huyền Ấn là cháu trong pháp môn lén lấy đến trình Mã Tổ.

Mã Tổ xem xong, bảo chúng:

- Việt Châu có Ðại Châu (hạt châu lớn) tròn sáng thấu suốt tự tại không ngại.

Khi ấy, ở trong chúng có người biết Sư họ Châu bèn rủ nhau lần lượt tìm đến Sư, thưa hỏi và nương tựa. Từ đó người ta gọi Sư là Ðại Châu Hòa thượng.

*

Có vị cư sĩ đến hỏi:- Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật?

Sư bảo:- Ông nghi cái gì không phải Phật chỉ ra xem!

Cư sĩ lặng thinh.

Sư nói tiếp:- Ðạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ hằng trái xa.

*

Luật sư Nguyên đến hỏi:- Hòa thượng tu có dụng công chăng?

Sư đáp:- Dụng công.

- Dụng công thế nào?

- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

- Tất cả người đều như vậy, đồng chỗ dụng công của Thầy chăng?

- Chẳng đồng.

- Tại sao chẳng đồng?

- Họ khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn chuyện, do đó chẳng đồng.

Nguyên im lặng.

*

Tọa chủ giảng kinh Duy-ma-cật hỏi:

- Kinh nói: "Lục sư v.v... ngoại đạo kia là thầy của ngươi, nhân kia xuất gia, thầy kia bị đọa ngươi cũng theo đó mà đọa. Người thí cho ngươi chẳng gọi phước điền, cúng dường cho ngươi đọa trong ba đường ác. Chê Phật, hủy Pháp, chẳng vào chúng số, trọn chẳng được diệt độ. Ngươi nếu như thế mới nên nhận thức ăn." (kinh Duy-ma) Thỉnh Thiền sư vì giải thích.

Sư đáp:

- Người mê chạy theo sáu căn gọi là lục sư, ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại đạo, thấy có vật để thí chẳng gọi phước điền, sanh tâm nhận cúng dường đọa ba đường ác. Người nếu hay chê bai Phật là chẳng dám cầu Phật, hủy báng pháp là chẳng dám cầu Pháp, chẳng vào chúng số là chẳng dám cầu Tăng, trọn chẳng được diệt độ là trí dụng hiện tiền. Nếu có người hay hiểu như thế liền được thức ăn thiền duyệt pháp hỉ.

*

Tọa chủ hỏi:

- Kinh Bát-nhã nói: "độ chín loài chúng sanh đều vào vô dư Niết-bàn", lại nói: "thật không chúng sanh được diệt độ". Hai đoạn văn kinh này làm sao hội thông? Người xưa nay đều nói "thật độ chúng sanh mà chẳng nhận tướng chúng sanh". Tôi còn nghi chưa giải quyết, thỉnh Thiền sư vì giải thích.

- Chín loài chúng sanh trong một thân đầy đủ, tùy tạo tùy hành: vô minh là noãn sanh (sanh bằng trứng), ôm ấp phiền não ở trong là thai sanh (sanh bằng bào thai), nước ái thấm ướt là thấp sanh (sanh chỗ ẩm ướt), nóng nảy khởi phiền não là hóa sanh (từ loài này hóa sanh loài khác). Ngộ tức là Phật, mê gọi là chúng sanh. Bồ-tát chỉ lấy tâm sanh niệm niệm làm chúng sanh, nếu rõ tâm ở trên bản tế (nguồn tâm) của mình mà độ lúc chưa hiện bày, chưa hiện bày đều không, tức biết thật không có chúng sanh được diệt độ.

*

Sư thượng đường dạy:

- Các ngươi may mắn tự khéo giữ cái vô sự. Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa ngục chớ gì? Mỗi ngày từ sáng đến tối bôn ba nói: "ta tham thiền học đạo, hiểu thấu Phật pháp". Như thế càng không dính dáng gì, chỉ chạy theo thanh sắc, biết khi nào dứt. Bần đạo đến tham vấn Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ), Hòa thượng dạy: "Kho báu nhà của ngươi đầy đủ tất cả, sử dụng tự tại chẳng nhờ cầu bên ngoài." Bần đạo từ đây thảy thôi, của báu của mình tùy thân thọ dụng, có thể nói sống thích thú, không một pháp có thể thủ, không một pháp có thể xả, chẳng thấy một pháp tướng sanh diệt, chẳng thấy một vật tướng qua lại, khắp mười phương thế giới không có bằng hạt bụi mà chẳng phải của báu nhà mình. Chỉ tự quan sát kỹ càng, tâm mình một thể Tam Bảo, thường tự hiện trước, không thể nghi ngờ. Chớ suy xét, chớ tìm kiếm, tâm tánh xưa nay thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền." Kinh Tịnh Danh nói: "Quán thân thật tướng, quán Phật cũng vậy." Nếu chẳng theo thanh sắc mà động niệm, chẳng theo tướng mạo mà sanh hiểu, tự nhiên vô sự. Ði! Chớ đứng lâu. Trân trọng!

Hôm nay đại chúng nhóm họp mãi không giải tán.

Sư hỏi:

- Các ngươi vì cớ sao ở đây mãi không đi? Bần đạo đã đối diện trình nhau, lại chịu thôi chăng? Có việc gì khả nghi? Chớ lầm dụng tâm uổng phí khí lực. Nếu có nghi ngờ, các ngươi tùy ý thưa hỏi.

Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng? Thế nào là một thể Tam Bảo?

Sư đáp:

- Tâm là Phật, chẳng cần đem Phật cầu Phật, tâm là Pháp, chẳng cần đem pháp cầu pháp, Phật Pháp hòa hợp không hai là Tăng, tức là một thể Tam Bảo. Kinh nói: "Tâm, Phật, Chúng sanh cả ba không khác." Thân khẩu ý thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp thanh tịnh gọi là Phật diệt độ. Dụ như khi giận thì không vui, khi vui thì không giận. Chỉ là một tâm, thật không hai thể. Bản trí sẵn vậy, vô lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu hành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn. Chân không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung. Người lợi căn đốn ngộ dụng không thứ bực, tức là A-nậu-bồ-đề (Vô thượng chánh giác). Tâm không hình tướng tức là Sắc thân vi diệu. Không tướng là thật tướng pháp thân. Thể tánh tướng đều không tức là thân hư không vô biên. Muôn hạnh trang nghiêm tức là công đức Pháp thân. Pháp thân này là gốc của muôn hóa, tùy chỗ đặt tên: trí dụng không hết gọi là Vô tận tạng (kho không hết), hay sanh muôn pháp gọi là Bản pháp tạng (kho gốc các pháp), đủ tất cả trí gọi là Trí tuệ tạng (kho trí tuệ), muôn pháp về như gọi là Như lai tạng (kho như lai). Kinh nói: "như lai đó, tức nghĩa như của các pháp", lại nói: "Tất cả pháp sanh diệt thế gian, không có một pháp chẳng về như."

*

Sư thọ bao nhiêu tuổi, tịch lúc nào và nơi nào, chẳng thấy ở đâu ghi.

 

HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top