Chúng ta phải luôn sẵn sàng tập lại từ đầu vì tâm chúng ta luôn luôn xao lãng, không trụ được lâu trên hơi thở. Tâm chúng ta không quen tập trung vào một đề mục; nó quen suy nghĩ mông lung hết việc nầy tới việc nọ và di chuyển rất nhanh từ nhóm tư tưởng nầy đến nhóm tư tưởng khác.
Vì đã quen suy nghĩ nhanh nhẩu và nhạy bén, chúng ta rất dễ phóng tâm khi cố gắng tập trung trên một đề mục duy nhất, như hơi thở chẳng hạn. Thậm chí chúng ta có thể căng thẳng khi tâm không làm theo thói quen thường ngày của nó.
Vì thế, khi tập chánh niệm trên hơi thở (anapanasati), chúng ta có thể sẽ cảm thấy một phản ứng ngược lại hay một sự bất mãn chống đối nào đó xuất hiện trong thân và tâm.
Nếu một con thú đã quen sống tự do trong thiên nhiên hoang dã và bất thình lình bị trói cột lại, nó sẽ tức giận và chống lại những gì ràng buộc nó. Như con thú hoang, cái tâm chưa thuần phục của chúng ta cũng quen sống theo bản năng và thói quen riêng của nó. Nó không lợi ích cho ai cả.
Tuy nhiên, khi một con ngựa hoang được thuần hóa, nó sẽ trở nên hữu ích cho con người. Tâm chúng ta cũng thế. Nếu cứ để tâm chạy theo thói quen và không cố gắng thuần phục nó, chúng ta sẽ không khác nào một con thú hoang -- không hữu ích cho ai cả, ngay cả chính chúng ta.
Để thuần phục tâm, chúng ta phải kiềm hãm nó lại. Chúng ta buộc nó phải tập trung trên một đối tượng duy nhất. Hơi thở là đối tượng rất tiện lợi cho việc hành thiền vì chức năng sinh học của hơi thở là liên tục, cho dù chúng ta tập trung hay không tập trung trên nó. Nó không phải là cái mà chúng ta có thể tạo ra hay tưởng tượng. Nó luôn luôn diễn ra một cách tự nhiên để chúng ta có thể hướng đến như một đề mục hành thiền bất cứ lúc nào.
Nếu chúng ta tập trung trên nhịp thở bình thường, điều nầy sẽ có tác dụng lắng dịu, chúng ta sẽ cảm thấy rất yên tĩnh và bình an. Nhưng chúng ta thường không chú ý đến hơi thở. Hơi thở là cái rất bình thường và vì thế, cũng giống như mọi sự vật bình thường khác, chúng ta thường không chú ý đến chúng. Hơi thở không phải là cái gì hấp dẫn và kích động, vì thế anapanasati hay quán niệm hơi thở vào và hơi thở ra là một phương pháp thiền vi tế.
Theo TVHS
Các tin tức khác
- Sự nguy hại của sân hận ( 7/08/2014 11:50)
- Hoa ân tình ( 6/08/2014 6:15)
- Thiền sư Động Sơn ( 6/08/2014 6:01)
- Lòng hiếu chim oanh vũ ( 6/08/2014 5:42)
- 16 loại cây đồ sộ, vĩ đại nhất hành tinh ( 4/08/2014 4:53)
- Đạo Phật chú trọng trí tuệ giải thoát hơn là ôm đồm trí thức ( 4/08/2014 3:31)
- Những chú ý quan trọng khi ngồi thiền ( 4/08/2014 1:59)
- Nhà tu trong nhà tù ( 4/08/2014 1:53)
- Hãy đối xử với nhau bằng nụ cười ( 4/08/2014 1:50)
- Đổ nước vào bình rỗng ( 3/08/2014 1:41)