Chúng ta nghe vài đoạn trong Giáo Huấn của Đức Phật mà không thể lãnh hội thật sự. Rồi ta nghĩ rằng nó phải thế nào khác chớ không phải vậy, và không hành theo. Tuy nhiên, trong toàn thể Giáo Huấn, điểm nào cũng có lý do của nó. Hình như sự vật phải là thế nào khác chớ không phải vậy, nhưng sự vật là vậy. Lúc ban sơ chính Sư cũng không tin tưởng nơi pháp tọa thiền. Sư không thấy lợi ích gì mà chỉ ngồi đó rồi nhắm mắt lại. Thiền hành cũng vậy ... đi từ gốc cây nầy đến gốc cây kia, rồi quay trở lại và đi tới đi lui hai gốc cây ... "Tại sao phải làm vậy cho phiền phức?" Sư nghĩ, "Đi như thế lợi ích gì mà cứ đi mãi?" Sư ngỡ là vậy, nhưng trong thực tế, thiền tọa và thiền hành quả thật vô cùng hữu ích.
Vài người có khuynh hướng thích đi kinh hành hơn ngồi thiền, người khác thích ngồi thiền hơn đi kinh hành, nhưng ta không thể hành pháp nầy mà không hành pháp kia. Kinh điển đề cập đến bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Chúng ta sống với bốn oai nghi ấy. Ta có thể thích oai nghi nầy hơn oai nghi khác, nhưng phải xử dụng đủ tất cả bốn.
Chúng ta được dạy phải làm cho bốn oai nghi đồng đều, phải hành động đều đặn trong bốn oai nghi. Lúc đầu Sư không thể hiểu biết ý nghĩa của lời dạy làm cho bốn oai nghi đồng đều. Có thể là ngồi trong hai tiếng, rồi đứng trong hai tiếng, đi trong hai tiếng ... Có thể vậy chăng? Sư cố gắng thực hành như vậy -- không được! Vậy thì hiểu như thế là sai, làm cho oai nghi đồng đều không có nghĩa là như vậy. Đoạn văn "làm cho oai nghi đồng đều" đề cập đến tâm, đến sự hay biết của ta. Đó là làm cho tâm khai triển trí tuệ, làm cho tâm trở nên sáng tỏ. Trí tuệ của ta phải hiện hữu trong tất cả oai nghi, Ta phải luôn luôn hiểu biết, liên tục thông hiểu, không ngừng, không gián đoạn. Đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta luôn luôn hiểu rằng tất cả những trạng thái tâm đều Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Làm cho các oai nghi đồng đều bằng cách đó thì có thể được. Dầu có trạng thái ưa thích hay ghét bỏ hiện hữu trong tâm ta không quên pháp hành là luôn luôn hay biết, luôn luôn giác tỉnh.
Chỉ tập trung sự chú ý nơi tâm, luôn luôn như vậy không ngừng nghỉ, ắt ta sẽ nắm được điểm chánh yếu của pháp hành. Dầu có chứng nghiệm những trạng thái tâm mà người đời cho là tốt hay xấu, ta không tự quên mình, không để mình lạc lối trong cái tốt hay cái xấu. Ta chỉ thẳng tiến. Làm cho các oai nghi đồng đều như thế ấy là có thể được. Nếu ta giữ được pháp hành đồng đều như vậy và được khen, thì đó chỉ là lời khen tặng. Nếu có bị khiển trách, đó chỉ là lời khiển trách. Ta không hứng khởi, cũng không mất tinh thần, mà chỉ ở ngay tại chỗ. Tại sao? Bởi vì ta đã thấy hiểm họa trong tất cả những điều ấy, ta thấy hậu quả của nó. Chúng ta luôn luôn nhận thức sự nguy hại của cả hai, những lời tán dương và những lời khiển trách. Thế thường, lúc vui vẻ thì tâm cũng khoan khoái dễ chịu, khi buồn phiền thì tâm cũng âu sầu, ta không thích. Thường là vậy, đó là pháp hành không đồng đều.
Nếu ta giữ được đồng đều, chỉ trong mức độ hiểu biết những xúc cảm vui buồn thôi, và hiểu biết rằng mình đang bám níu vào nó, bấy nhiêu đã tốt hơn rồi. Đó là ta có sự hay biết, giác tỉnh. Ta hiểu biết chuyện gì đang xảy diễn, nhưng chưa có thể buông bỏ. Chúng ta tự thấy mình đang bám níu vào những gì tốt đẹp và những gì xấu xa, và nhận thức như vậy. Ta bám vào điều tốt và hiểu biết rằng đó không phải là hành đúng, nhưng vẫn chưa có thể buông bỏ. Như vậy là cũng được 50% hoặc 70% pháp hành rồi. Chưa hẳn là hoàn toàn, nhưng ta biết rằng nếu có thể buông bỏ thì đó là đường lối để tiến đạt đến thanh bình an lạc. Ta tiếp tục gia công tinh tấn như vậy và nhận thức rằng hậu quả của cả hai -- những gì ta ưa thích và những gì ta ghét bỏ, những lời tán dương và những lời khiển trách -- đều tai hại như nhau. Bất luận gì xảy đến tâm, vẫn một mực bình thản.
Tuy nhiên, đối với người thế gian, khi bị chỉ trích hay khiển trách thì họ thật sự buồn phiền. Lúc được tán dương thì phấn khởi lên và nói đó là điều tốt đẹp và họ thật sự hoan hỷ. Nếu chúng ta thấu hiểu chân lý của những xúc cảm vui buồn, nếu chúng ta nhận thức những hậu quả của tình trạng bám níu chặt chẽ vào những lời khen và tiếng chê, hậu quả tai hại của sự bám níu vào bất luận gì, chúng ta sẽ nhạy cảm hơn trong những cơn buồn vui, thỏa thích hay sầu muộn. Ta sẽ nhận thức rằng trạng thái bám níu thật sự là nguồn gốc làm phát khởi đau khổ. Chúng ta thấy đau khổ ấy và chúng ta thấy chính bám níu là nguyên nhân sanh đau khổ. Chúng ta bắt đầu nhận thức hậu quả tai hại của hành động chụp lấy và bám chắc vào những gì tốt và những gì xấu, bởi vì trước đó ta đã nắm chặt và đã thấy hậu quả như thế nào -- không phải là hạnh phúc thật sự. Giờ đây ta tìm con đường buông bỏ.
"Con đường dẫn đến buông bỏ" ấy ở đâu? Trong Phật Giáo, chúng ta nói, "Không nên bám níu vào bất luận gì." Luôn luôn chúng ta nghe nhắc tới, nhắc lui, "Không nên bám níu vào bất cứ gì!" Lời dạy nầy có nghĩa là hãy nắm lấy mà không nên giữ chắc lại. Như cây đèn bin (flashlight) đây. Ta tự hỏi, "cái gì đây?" Rồi ta cầm lên, "ờ, đây là cây đèn bin", và ta đặt xuống trở lại. Nắm lấy sự vật là như vậy. Nếu không nắm lấy gì hết thì có thể làm gì? Chúng ta không thể đi kinh hành hoặc làm bất luận gì khác. Như vậy, trước tiên ta phải nắm lấy. Đó là có ý muốn, đúng thật vậy, nhưng về sau nó sẽ dẫn đến "parami", ba la mật [14]. Thí dụ như có ý muốn đi đến đây ... nên Jàgaro [15] mới đi đến Wat Pah Pong ... , trước tiên ông ấy phải có ý muốn. Nếu ông ấy không cảm nghe có ý muốn đi, ắt ông không có đi. Đối với tất cả mọi người đều như vậy, họ đến đây vì muốn đến. Nhưng khi ý muốn phát sanh, chớ nên cố bám vào nó. Vậy, quý vị đến rồi trở về ... Cái gì đây? Ta nhặt lên cầm trên tay, nhìn và thấy, "ờ, đây là cây đèn bin", rồi đặt xuống. Đó là nắm lấy mà không giữ chắc, chúng ta buông bỏ. Biết, rồi buông bỏ. Một cách đơn giản, ta nói, "hiểu biết và buông bỏ". Cầm lên nhìn rồi bỏ xuống. "Điều nầy người ta nói là tốt, điều nầy người ta nói là xấu" ... biết, rồi buông bỏ. Tốt và xấu, ta hiểu biết, nhưng để cho tất cả đi qua. Ta không điên rồ cố bám vào sự vật, nhưng ta "nắm lấy" với trí tuệ. Pháp hành "trong oai nghi" nầy có thể hành đồng đều. Quý vị phải hành đồng đều như vậy. Làm cho tâm hiểu biết như thế ấy sẽ khơi động cho trí tuệ khai triển. Khi tâm có trí tuệ thì còn gì nữa mà tìm?
Phải suy tư về những gì mà ta đang làm ở đây. Vì lý do nào mà ta sống ở đây, làm việc để làm gì? Trong thế gian, người ta làm việc để thọ hưởng điều nầy hay điều nọ, nhưng các nhà sư dạy thâm sâu hơn một chút. Bất luận điều gì ta làm, ta không đòi hỏi được đền đáp. Chúng ta làm việc để không thọ hưởng gì. Người đời làm việc bởi vì họ muốn cái nầy cái nọ, họ muốn được hưởng một món lợi nào. Nhưng Đức Phật dạy ta làm việc chỉ để làm việc, không đòi hỏi bất luận gì hơn nữa. Nếu quý vị làm việc gì chỉ vì muốn được đền đáp lại thì đó là nguyên nhân sanh đau khổ. Quý vị hãy tự mình làm thử xem! Quý vị muốn tâm được an lạc nên ngồi thiền và cố gắng làm cho tâm an lạc -- quý vị sẽ đau khổ. Hãy cố gắng thử xem. Đường lối của chúng ta có phần tế nhị hơn. Chúng ta làm, rồi buông bỏ; làm, rồi buông bỏ.
Thử nhìn vị Bà-la-môn tế lễ thần linh; ông ta có một ý muốn trong tâm rồi mới tế lễ để van vái cầu xin cho ý muốn ấy được thành tựu. Hành động như vậy không thể giúp ông vượt khỏi đau khổ, bởi vì ông làm với lòng mong muốn sẽ được một điều gì, làm vì cầu mong được ban bố một quyền lợi nào. Lúc ban sơ chúng ta thực hành với một vài ước muốn trong tâm, chúng ta thực hành, tiếp tục thực hành, nhưng không đạt được điều mong muốn. Do đó chúng ta hành cho đến khi đạt đến điểm mà ta chỉ hành, không cầu mong được gì. Ta thực hành để buông bỏ. Đây là điều mà ta phải tự mình nhận thấy, điểm nầy rất thâm sâu. Có thể ta thực hành vì muốn chứng đắc Niết Bàn -- ngay tại đây ta kẹt cứng, không thể đắc Niết Bàn! Lẽ dĩ nhiên là ta muốn an lạc, nhưng muốn như vậy không thật sự là đúng. Ta phải thực hành mà không muốn gì cả. Nếu không muốn gì cả thì hành rồi được gì? Không được gì hết! Bất luận gì mà ta được chỉ là nguyên nhân tạo đau khổ. Do vậy, chúng ta thực hành để không được bất cứ gì.
Chỉ có như vậy được gọi là "làm cho tâm trống không". Trống không nhưng vẫn sinh hoạt. Chính trạng thái rỗng không nầy là điều mà thông thường người ta không hiểu, nhưng những ai đã đạt đến đó ắt nhận thấy rằng hiểu biết nó là lợi ích. Đây không phải là trạng thái rỗng không, không chứa đựng gì hết mà là sự rỗng không bên trong những sự vật hiện hữu ngay tại đây. Như cây đèn bin nầy chẳng hạn, ta phải thấy cây đèn bin nầy là trống không bởi vì có trạng thái rỗng không của cây đèn. Không phải là trống không nơi mà ta không thấy gì, không phải vậy, hiểu như vậy là sai. Quý vị phải thấu hiểu trạng thái rỗng không bên trong những sự vật hiện hữu ngay tại đây.
Những ai còn hành thiền để được hưởng gì là cũng giống như vị bà la môn tế lễ thần linh, chỉ để được cung ứng một vài nhu cầu. Cũng giống như có người đến đây viếng Sư để được Sư rảy "nước thánh". Khi Sư hỏi họ, "Tại sao muốn được rảy nước?" Họ trả lời, "Bạch Sư, bởi vì con muốn sống lâu, sống thoải mái, hạnh phúc và không bệnh hoạn." Đó! Họ không bao giờ vượt qua khỏi đau khổ bằng cách ấy. Đường lối của thế gian là làm việc gì phải có lý do, phải có gì đền bù trở lại mới làm, nhưng trong Phật Giáo chúng ta làm mà không có ý mong cầu bất luận gì. Người thế gian phải hiểu biết sự vật theo chiều hướng của định luật nhân quả, nhưng Đức Phật dạy ta vượt lên trên, vượt qua khỏi nhân và quả. Trí tuệ của Ngài đã vượt lên trên sanh và qua khỏi tử, vượt lên trên hạnh phúc và qua khỏi đau khổ. Hãy suy gẫm về điểm nầy ... không có nơi nào để ẩn náu. Người thường chúng ta sống trong một "ngôi nhà". Giờ đây rời khỏi nhà và đi đến nơi không có nhà cửa ... chúng ta không biết phải làm thế nào, bởi vì chúng ta luôn luôn sống với "hữu" (hành động tạo nghiệp), với "thủ" (bám níu chặt chẽ) . Nếu không còn "thủ" nữa thì ta không biết làm gì.
Do đó, phần lớn chúng ta không muốn đi Niết Bàn, ở đó không có gì, không có gì hết. Hãy nhìn trên mái nhà và dưới sàn nhà đây. Phía trên tận cùng là mái nhà, đó là "hữu". Phía dưới tận cùng là sàn nhà, đó là một "hữu" khác. Nhưng khoảng không gian rỗng không ở giữa mái nhà và sàn nhà thì không có chỗ nào để đứng. Người ta có thể đứng trên mái nhà hoặc trên sàn nhà, nhưng không thể đứng trong không gian rỗng không. Nơi nào không có "hữu", đó là nơi rỗng không và hãy nói trắng ra, chúng ta nói Niết Bàn là khoảng không gian rỗng không ấy. Người ta nghe vậy và chùn bước, thối lui, không muốn đi. Họ lo sợ sẽ không gặp lại con cái và họ hàng thân thuộc.
Đó là lý do tại sao khi đọc kinh phúc chúc cho người cư sĩ tại gia chúng ta nói, "Phúc chúc cho ông (hay bà) được sống lâu, có sắc đẹp, hạnh phúc, và khoẻ mạnh." Nói như vậy thì họ thật sự hoan hỷ, "Sàdhu! Sàdhu!" (Lành thay! Lành thay!). Họ thích những chuyện như vậy. Nếu quý vị bắt đầu nói đến "trạng thái rỗng không" thì họ không muốn, họ còn dính mắc nhiều với "hữu". Nhưng có bao giờ quý vị thấy một người già với thân hình tráng kiện, đẹp đẽ, không? -- Không. Tuy nhiên ta nói, "sống lâu, sắc đẹp, hạnh phúc, và khoẻ mạnh" thì tất cả đồng thanh nói, "Sàdhu! Sàdhu!". Cũng giống như vị bà la môn tế lễ thần linh để cầu mong thành tựu một vài ước nguyện của mình. Trong pháp hành của chúng ta không có "nghi thức tế lễ". Chúng ta hành, không phải để được đáp lại một lợi ích nào. Chúng ta không muốn gì hết. Nếu chúng ta còn muốn điều gì ắt vẫn còn điều gì đó. Chúng ta chỉ làm cho tâm an lạc, đủ rồi! Nhưng nếu Sư nói như vậy có thể quý vị cảm nghe không được thoải mái, bởi vì quý vị còn muốn "tái sanh", sanh trở lại để sống nữa.
Như vậy, quý vị hành giả cư sĩ nên đến gần chư sư để xem chư Tăng hành thế nào. Gần với chư sư có nghĩa là gần với Đức Phật, gần với Giáo Pháp. Đức Phật dạy, "Nầy Ànanda, hãy thực hành cho thật nhiều, hãy phát triển pháp hành của con! Người nào thấy Giáo Pháp tức thấy Như Lai, và người nào thấy Như Lai ắt thấy Giáo Pháp." Đức Phật ở đâu? Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Phật thị hiện trên thế gian và đã tịch diệt, nhưng Đức Phật là Giáo Pháp, là Chân Lý. Vài người thích nói, "ồ, phải chi tôi được sống vào thời Đức Phật chắc là tôi đã chứng đắc Niết Bàn." Đấy, người điên rồ nói như vậy. Đức Phật vẫn còn ở đây. Đức Phật là Chân Lý. Dầu có ai được sanh ra, hay có ai từ trần, Chân Lý vẫn còn đây. Chân Lý không bao giờ rời thế gian mà luôn luôn ở đây. Dầu Đức Phật có giáng trần hay không, dầu có ai biết đến cùng không, Chân Lý vẫn còn đó. Như vậy ta phải đến gần, phải bước vào bên trong và tìm ra Giáo Pháp. Khi tiến đạt đến Giáo Pháp sẽ đạt đến Đức Phật; thấy Giáo Pháp ta sẽ thấy Đức Phật và tất cả mọi hoài nghi sẽ tan biến.
Một thí dụ đơn giản, như trường hợp Giáo Sư Choo. Trước kia ông không phải là giáo sư mà chỉ là Ông Choo. Khi ông học xong các lớp và đã đỗ các chứng chỉ cần thiết ông mới trở thành giáo sư và được gọi là Giáo Sư Choo. Ông làm thế nào để trở thành giáo sư? Phải trải qua các lớp học và học những môn cần thiết. Những gì cần phải học ấy làm cho ông trở thành Giáo Sư Choo. Đến khi Giáo Sư Choo từ trần, các lớp và các môn học ấy vẫn còn đó, và ai khác theo học đúng như vậy cũng trở thành giáo sư như ông. Các lớp, các môn học ấy không biến mất đi đâu. Chỉ giống như Chân Lý mà nhờ thông suốt nó Đức Phật trở thành Phật. Như vậy Đức Phật vẫn còn đây. Bất luận ai thực hành và thấy được Giáo Pháp ắt thấy Đức Phật. Hiện nay người ta hiểu biết sai lạc hết, người ta không biết Đức Phật ở đâu. Họ nói, "Phải chi tôi sanh vào thời Đức Phật tôi đã theo làm đệ tử Ngài và đã chứng đắc Đạo Quả." Đó chỉ là điên rồ, quý vị phải biết, đó là điên rồ.
Không nên nghĩ rằng vào cuối mùa An Cư Kiết Hạ nầy quý vị sẽ hoàn tục. Chớ nghĩ vậy! Trong khoảnh khắc, một ý nghĩ bất thiện có thể đột nhiên khởi phát trong tâm và quý vị có thể giết người. Cùng thế ấy, chỉ trong nháy mắt tư tưởng thiện có thể phực nhoáng trong tâm và quý vị đã đến nơi. Không nên nghĩ rằng phải xuất gia lâu năm mới có thể hành thiền. Nơi nào có pháp hành chân chánh, trong chớp nhoáng ta tạo nghiệp. Trong chớp nhoáng một tư tưởng bất thiện phát sanh ... và, trước khi hay biết nó, ta đã tạo nghiệp vô cùng quan trọng. Cùng thế ấy, tất cả các vị đệ tử của Đức Phật trải qua thời gian lâu dài để thực hành, nhưng chứng ngộ thì chỉ trong một chập tư tưởng (tức một sát na tâm). Vậy, không nên dể duôi buông lung, dầu trong những việc nhỏ nhặt. Hãy nỗ lực tinh tấn, gia công chuyên cần để đến gần chư Tăng, hãy quán chiếu sự vật và chừng ấy quý vị sẽ hiểu biết chư sư.
Đã đủ rồi phải không? Đêm đã khuya, vài người đã buồn ngủ. Đức Phật nói không nên dạy những người buồn ngủ.
Thiền sư Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Cấp tu cấp ngộ (14/08/2014 11:55)
- Bà lão đốt am (14/08/2014 11:15)
- Chọn thuốc hay thiền, đánh tan stress? (13/08/2014 4:51)
- 7 cách dạy trẻ tự bảo vệ trước người lạ (13/08/2014 4:46)
- Con heo Bạc Hà (13/08/2014 4:37)
- Bàng Uẩn ngữ lục (13/08/2014 4:24)
- Nhân quả của sự bố thí (13/08/2014 12:46)
- Tam chướng và cách đối trị (13/08/2014 12:31)
- Những câu chuyện hiếu thảo tiền thân của Đức Phật (11/08/2014 5:24)
- Hổ thẹn với chú chăn bò (11/08/2014 5:18)