Con sông ầm ào cuồn cuộn chảy, gặp những chướng ngại như cầu cống, triền núi, bờ đá, chân các cổ thành, vũng xoáy, qua vực; rồi còn cư dân địa phương mạo hiểm trên những chiếc thuyền con, bè chuối lao ra giữa dòng vớt củi nữa, đã làm phát sanh trong tâm trí đức Thế Tôn rất nhiều ví dụ, rất nhiều ẩn dụ về pháp.
Lúc dừng chân tại một triền đất cao, thoáng đãng, đức Đạo Sư đã cảm hứng, tức cảnh thuyết ngay một bài pháp, như sau:
- Này các thầy tỳ-khưu! Hãy nhìn khúc gỗ đang trôi trên sông kia kìa? Nó đang thuận dòng “bán mạng” vun vút lao đi - nhưng không biết nó có về được biển Đông không đấy?
Một số đông tỳ-khưu đáp:
- Khó có thể về đến biển Đông được, bạch đức Tôn Sư!
- Tại sao?
Rồi từng người đáp:
- Thưa, khúc gỗ ấy có thể bị tấp bờ bên này, bị tấp bờ bên kia...
- Bị người ta vớt...
- Có một số bị mắc cạn trên cồn đất nổi...
- Có thứ chỉ còn trơ lõi rắn thì bị chìm...
- Có thứ thị bị mục ruỗng...
- Có thứ bị vũng nước xoáy quăng đập cho rách nát, tả tơi...
-
Lắng nghe chư tỳ-khưu đưa ra được những luận cứ xác thực, đức Phật mỉm nụ trăng vàng, đầm ấm và dịu dàng nói:
- Này các thầy tỳ-khưu! Là bậc xuất gia trong giáo pháp của Như Lai, thực hành con đường phạm hạnh thì cũng phải như khúc gỗ kia là không được tấp vào bờ này, không được tấp vào bờ kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên cồn đất nổi, không bị người đời nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị lọt vào vùng nước xoáy, không bị mục ruỗng hư nát bên trong thì sẽ xu hướng về Niết-bàn, thông thuận về Niết-bàn.
Khi các vị tỳ-khưu thắc mắc: Bờ này, bờ kia là gì? Tại sao chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên cồn đất nổi? Người và phi nhơn nhặt lấy là sao? Không bị lọt vào vùng nước xoáy, bị chìm hoặc mục ruỗng bên trong là sao nữa?
Đức Phật lại tiếp tục thời pháp:
- Này các thầy tỳ-khưu! Hãy nghe cho kỹ đây:
Bị tấp vào bờ này chính là bị dính, bị đắm, bị nô lệ bởi mắt, tai, mũi, lưỡi và thân (chỉ những ai thân kiến quá sâu dày - chi biết chặm lo cho bản thân mình, chỉ biết tìm kiếm hỷ lạc cho mắt tôi, tai tôi, mũi tôi, lưỡi tôi, thân tôi).
Bị tấp vào bờ kia là bị dính, bị đắm, bị nô lệ bởi sắc, thanh, hương, vị và xúc (chỉ những ai bị nô lệ bởi thế giới ngoại trần, bị thế giới ngoại trần lôi cuốn, chạy theo “ngũ dục công đức” suốt đời mà không có thì giờ nội quán xem thử cái tâm mình ra sao).
Bị người đời nhặt lấy là do vị tỳ-khưu ấy sống quá liên hệ, quá gần gũi với giới cư sĩ tại gia, với người đời; họ thường làm những việc của thế gian, lạc khổ, thương ghét, buồn vui gì cũng như là người của thế gian; bị dính mắc, trói buộc suốt đời vào những việc không phải là của bậc xuất gia! (có một số người đi ngược lộ trình giải thoát, họ đã “hạ hoá chúng sanh, thượng cầu Phật đạo” – thay vì ngược lại. Nói cách khác, tự độ rồi mới độ tha, nhưng có người chưa biết tự độ mà đã đòi độ tha - rồi xông xáo vào giữa cuộc đời).
Bị phi nhơn nhặt lấy là vị tỳ-khưu dầu xuất gia phạm hạnh nhưng không xu hướng đến chánh trí, giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn mà chỉ thích mơ ước, tầm cầu các cảnh giới thích khoái của chư thiên.
Bị mắc cạn trên cồn đất nổi là những vị tỳ-khưu kiêu ngạo, hống hách, ngã mạn, cậy quyền, ỷ thế mình học giỏi, đa văn hoặc niên cao, lạp lớn mà không coi ai ra gì! Giống như những kệ ngôn sau đây:
“- Người ngu cuồng vọng tiếng tăm
Muốn ngồi trên trước chư tăng thánh, phàm
Quyền uy tu viện cao sang!
Muốn người đưa đón, kiệu vàng, lọng hoa!” ([1])
Hoặc:
“- Người ngu ‘tự ngã’ phô trương
Cướp công đồng đạo nêu gương mình làm!
Ưu sai, ưa lệnh rắp hàng
Mạn cuồng tăng thượng, ái tham lũ dòng!” (2)
Bị mục ruỗng bên trong là ám chỉ những vị tỳ-khưu có nội tâm xấu xa, ô uế, hủ bại, không có giới, hành ác hạnh, đầy dẫy nhưng ham muốn bất chánh, tà mạng, hèn hạ...
Khi đức Tôn Sư vừa chấm dứt thời pháp thì có một chú chăn bò tên là Nanda đã “bạo gan” từ ngoài bước vào, quỳ năm vóc sát đất rồi cất lên tiếng rống của chú sư tử con:
- Bạch đức Thế Tôn! Con đã chăm chú lắng nghe rất kỹ thời pháp! Đã đặt trọn vẹn tâm, trí vào thời pháp. Con thấm thía, xúc động với thời pháp vi diệu ấy. Cho nên, con sẽ không bị tấp vào bờ này, sẽ không bị tấp vào bờ kia, sẽ không bị chìm giữa dòng, sẽ không bị mắc cạn trên cồn đất nổi, sẽ không bị người đời nhặt lấy, sẽ không bị phi nhân nhặt lấy, sẽ không bị lọt vào vùng nước xoáy, sẽ không bị mục nát bên trong... Vậy thì hãy cho con xuất gia, con sẽ thực hành phạm hạnh, con sẽ xu hướng về Niết-bàn, thông thuận về Niết-bàn, bạch đức Thế Tôn!
Quán nhìn căn cơ của chú chăn bò Nanda, có vẻ thấy là khả thủ, đức Phật đã cho chú thọ đại giới. Và đúng như chú ấy đã tuyên bố là sẽ xu hướng đến Niết-bàn nên chú đã đắc quả A-la-hán không lâu sau đó!
Pháp thoại bất tử, vượt thời gian đã được thuyết xong qua lối trình bày rành rẽ, khúc chiết, mạch lạc của đức Tôn Sư làm cho ai cũng bàng hoàng, cả kinh, nhất là những tỳ-khưu phàm tăng – vì rõ ràng là “khúc gỗ trôi sông” của họ không bị dính mắc chỗ này thì cũng bị dính mắc chỗ khác – khó mà về được biển Đông!
Còn các hàng xuất gia trong thời đại ngày nay, cũng vậy, chúng ta đã nổi gai ốc, rùng mình, lạnh gáy – vì ai cũng có thể bị dính mắc nơi đầu nơi chân, từ trong ra ngoài mà không tự biết!
Ôi! Với cứu cánh rốt ráo phạm hạnh trên đời này, ai là người biết hổ thẹn với chú chăn bò Nanda thì thật là đáng mừng lắm thay!
Ghi chú:
(1) Pháp cú 73: “Asataṃ bhāvanaṃ iccheyya, purekkhārañca bhikkhusu; avāsesu ca issariyaṃ pūjā parakulesu ca”.
(2) Pháp cú 74: “Maṃ eya kata maññantu gihī pabbajitā ubho; maṃ ev’ativasā assu kiccākiccesu kismici; iti bālassa saṅkappo icchā māno ca vaḍḍhati”.
Nguồn: TVHS
Các tin tức khác
- Để cuộc sống được an ổn và vui vẻ ( 9/08/2014 8:20)
- Kết quả của sự hành động ( 9/08/2014 1:29)
- Quán niệm hơi thở ( 7/08/2014 11:58)
- Sự nguy hại của sân hận ( 7/08/2014 11:50)
- Hoa ân tình ( 6/08/2014 6:15)
- Thiền sư Động Sơn ( 6/08/2014 6:01)
- Lòng hiếu chim oanh vũ ( 6/08/2014 5:42)
- 16 loại cây đồ sộ, vĩ đại nhất hành tinh ( 4/08/2014 4:53)
- Đạo Phật chú trọng trí tuệ giải thoát hơn là ôm đồm trí thức ( 4/08/2014 3:31)
- Những chú ý quan trọng khi ngồi thiền ( 4/08/2014 1:59)