Người hay để ý đến việc chăm sóc cơ thể khỏe mạnh hơn là lắng nghe tâm mình đang nói gì. Bệnh của thân thì đầy rẫy. Bệnh của tâm cũng muôn hình vạn trạng. Dễ vui, dễ buồn, dễ sân, dễ giận, dễ ham thích, dễ buồn ngủ… là những biểu hiện thường thấy của tâm bệnh. Ngoài ra, con người cũng có những tập khí thể hiện rất vi tế mà khi để ý chúng ta mới biết như sự yếu đuối trong tâm.
Thế nào là tâm yếu đuối?
Yếu đuối là một trạng thái thiếu hẳn sức mạnh thể chất hoặc tinh thần. Người yếu đuối không chỉ là người yếu ớt về mặt cơ thể mà còn là người thiếu sức mạnh trong tâm. Đôi khi vẻ mạnh mẽ bên ngoài chỉ là lớp vỏ bọc che đậy sự yếu đuối bên trong. Có những chàng trai rất cao to, lực lưỡng nhưng lại dễ ngã gục khi chia tay người yêu và òa khóc bên mẹ như một đứa trẻ. Bên cạnh đó, ở bệnh viện, chúng ta thấy có những em bé tuổi đời còn rất nhỏ, thân hình mong manh nhưng lại có sức mạnh phi thường chống chọi cùng bệnh tật.
Tâm yếu đuối có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ nhỏ cho đến thanh niên hay người lớn tuổi. Người mang tâm bệnh này thường không có lập trường, dễ bị dẫn dắt bởi lời nói ra nói vào của người khác, không đủ sáng suốt, mạnh mẽ để tự đứng vững. Vì tâm hay dao động nên người không phân định được phải trái, trắng đen, thường hoang mang không biết đi đường nào là đúng để rồi cuối cùng quyết định theo ý tác động của người khác.
Những biểu hiện của tâm yếu đuối
Lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng là ba biểu hiện thường thấy của tâm yếu đuối. Lo lắng thường đưa người đến bi quan, sợ hãi và tuyệt vọng. Khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống, trước khi tìm ra được nguyên nhân và cách giải quyết, người có tâm yếu đuối thường rơi vào trạng thái thấp thỏm, băn khoăn bởi lối suy nghĩ tiêu cực. Do đó, khả năng chống chọi với khó khăn, thử thách thường kém và đưa mình vào trạng thái không thể khá hơn. Từ yếu đuối sinh ra vọng tưởng. Từ vọng tưởng sinh ra phiền não để rồi tự làm khổ mình bởi những ý niệm không thật.
Bên cạnh đó, tâm yếu đuối còn được thể hiện qua việc không dám dấn thân. Có những người con được gia đình cưng chiều quá mức, đến khi lớn lên ra đời gặp gì cũng sợ, đụng gì cũng sợ và nhất là sợ cực khổ.
Đôi khi vì tính sĩ diện, sợ thất bại nên chúng ta không dám dấn thân vào thử thách. Một vị bác sĩ lâu năm phát hiện một loại thuốc mới chống ung thư có tác dụng đột phá so với các loại thuốc hiện có. Tuy nhiên vì chưa thử nghiệm lâm sàng nên ông không rõ tác dụng phụ của thuốc ra sao. Suy đi nghĩ lại về những rủi ro có thể ảnh hưởng đến danh tiếng cả đời của mình, ông bàn giao lại công trình cho một vị khác trẻ hơn và cũng ít kinh nghiệm hơn dù thời gian nghiên cứu sẽ kéo dài hơn và số người bệnh chết vì ung thư cũng nhiều hơn.
Nếu ngày xưa Đức Phật vì bảo vệ ngai vàng và tiếng thơm của mình mà ngại hy sinh đi tìm con đường chân lý hay sợ thất bại khi đi khác con đường của các vị Bà La Môn thì ngày nay chúng ta đã không được tiếp xúc với Pháp vi diệu của Người.
Tâm yếu đuối nếu không được nhận diện đúng đắn và có cách giải quyết dứt điểm, qua sự vọng tưởng của chúng ta, nó sẽ phát tán, chi phối hành động và dẫn đến hậu quả khôn lường. Sự thiếu sức mạnh kiểm soát thân tâm, không kiềm lòng trước cám dỗ tức thời có thể đẩy ta vào một tật xấu hay một tệ nạn nào đó. Việc vùi mình vào game, cờ bạc, rượu bia… để quên đinhững khổ đau hiện tiền cũng là một hình thức trốn tránh, không dám đương đầu cùng thử thách. Những chàng trai hút thuốc để chứng tỏ bản lĩnh nam nhi là những chàng trai không có đủ tự tin vào bản thân mình nên phải nhờ đến khói thuốc để hỗ trợ thêm.
Phật dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Sợ hãi sự trổ quả cũng là biểu hiện của tâm yếu đuối. Người thường sợ trả nghiệp nhưng lại bừa bãi trong việc tạo nhân. Vì không học giới nên ta không ý thức được những nguyên nhân gây ra tội lỗi. Chúng ta phạm giới vì không ai dạy cho chúng ta biết giữ giới. Người con Phật may mắn được thọ giới thì càng phải trân quý cơ hội, hành trì theo lời Phật dạy để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.
Thân yếu đuối sẽ khó sống lâu. Tâm yếu đuối cũng khiến người vô cùng mệt mỏi. Khi oan trái diễn ra, nếu không được nhận diện và đối trị đúng cách thì cái khổ sẽ biến thành ổ khổ, khổ chồng chất khổ, trách than, nước mắt chỉ làm thêm đau lòng. Người tu khi thực tập sẽ biết nhận định và quán chiếu được bản chất của thân là sắc, yếu đuối là danh; sự vô thường, vô ngã của danh sắc nên không bị dính mắc vào đối tượng gây ra phiền não, biết an định tâm trong thân và điều phục mình trở về trạng thái bình thường ban đầu.
Phương pháp khắc phục tâm yếu đuối
Có nhiều cách để chữa tâm yếu đuối, trong đó chánh tinh tấn là phương thuốc tối ưu nhất. Đây cũng là một trong tám con đường cứu khổ mà Đức Phật đã dạy cho nhân loại. Sự lo lắng, sợ hãi, hay xao động cần được nhận diện và đối trị đúng cách. Thiền sinh khi phát hiện suy nghĩ yếu đuối phát khởi trong tâm, làm tâm lăng xăng phải biết niệm: “Phóng tâm à, sợ à, ngại à, yếu đuối à…” Từ đó theo dõi sự biến chuyển sinh diệt của ý niệm cho đến khi mất đi và quán chiếu nguyên nhân để khắc phục cho những lần sau. Việc siêng năng tu thiền sẽ giúp tâm an trú trong thân một cách ổn định, không phóng đi lang mang và không bị các pháp bên ngoài tác động.
Phương pháp thứ hai là hãy mạnh mẽ từ trong tâm, không phải từ cơ bắp. Đức Phật thường thực tập kham nhẫn và dùng năng lượng từ bi làm chùn bước người ấy. Sự im lặng nhưng tràn đầy tình thương của Người đã làm tan đi trận cuồng phong hận thù. Thực tập kham nhẫn là thực tập hạnh của Phật. Kham nhẫn là chất liệu làm nên tình thương, xoa dịu những cơn sóng giận dữ trong ta và người xung quanh. Khi bị hiểu lầm một việc gì đó, người mang tâm yếu đuối thường hay khóc lóc và oán giận người hiểu lầm mình. Thực tập tâm bất động, vững chãi trước mọi tình huống và chỉ lên tiếng khi mọi người thực sự biết lắng nghe với một thái độ ôn hòa nhã nhặn sẽ giúp ta tránh được oan trái và lòng luôn được bình thản.
Và cuối cùng, chúng ta hãy gần gũi các bậc thiện tri thức, tránh xa kẻ xấu ác như trong Phẩm Một – Kinh Hạnh Phúc, Đức Phật có dạy: “Tư cách của người không xu hướng theo kẻo dữ và tư cách thân cận các bậc trí tuệ là hạnh phúc cao thượng”. Mỗi ngày được nghe điều lành, được thấy điều tốt thì trí tuệ của chúng ta sẽ phát triển theo hướng tốt, con đường tâm linh sẽ được tiến hóa. Khi học tu, chúng ta cần nương tựa vào Tăng thân và bạn đồng tu để cùng trao dồi và phát triển. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Khi có những bạn đồng tu tốt, cùng nhắc nhở nhau thực tập mỗi ngày, cùng chia sẻ, góp ý bổ sung cho nhau thì tứ chúng sẽ vững mạnh, Phật pháp sẽ sống lâu thêm.
Tường Lam (Theo Đàm Linh Thất)
Các tin tức khác
- Loạt ảnh "chó hạnh phúc bên chủ vô gia cư" chạm tới trái tim nhiều người (15/08/2014 5:27)
- Chín mươi kiếp mới gặp lại con (15/08/2014 5:18)
- Không nơi ẩn náu (15/08/2014 12:00)
- Cấp tu cấp ngộ (14/08/2014 11:55)
- Bà lão đốt am (14/08/2014 11:15)
- Chọn thuốc hay thiền, đánh tan stress? (13/08/2014 4:51)
- 7 cách dạy trẻ tự bảo vệ trước người lạ (13/08/2014 4:46)
- Con heo Bạc Hà (13/08/2014 4:37)
- Bàng Uẩn ngữ lục (13/08/2014 4:24)
- Nhân quả của sự bố thí (13/08/2014 12:46)