Tất cả những yếu tố đó đã hình thành nên bản sắc độc đáo của một con người. Vì vậy, nếu chỉ tìm cầu lạc thú bên ngoài, có khả năng chúng ta sẽ vướng phải sai lầm, hụt hẫng và khổ đau trong đời sống. Để có được cuộc sống chan hòa và hạnh phúc, điều kiện tất yếu là chúng ta phải dung hòa được những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần.
Trong thời đại của khoa học kỹ thuật, con người dễ bị cuốn sâu vào dòng xoáy tiền tài - danh lợi - địa vị. Làm việc cật lực cả đời để đổi lấy miếng cơm manh áo, nhà lầu, xe hơi, tiện nghi vật chất và mong muốn được nổi danh, thử hỏi mấy ai trong chúng ta đã một lần dừng lại hài lòng và hạnh phúc với những thành quả chân thật mình đạt được. Có lẽ rất ít người làm được điều đó. Đời sống nội tâm của con người là một thế giới đầy bí ẩn và thay đổi khôn lường. Nếu không ngừng chạy theo tham vọng giàu sang và danh vọng, một lúc nào đó chúng ta sẽ trở thành nô lệ của chính mình và dần dần sẽ sa chân vào vũng lầy tội ác. Danh lợi và thú vui gặt hái được trên những khổ đau và bất hạnh của tha nhân không phải là hạnh phúc chân thật và trường cửu. Sự thật hiển nhiên này đã được chứng minh qua rất nhiều tấm gương lịch sử: Một Tào Tháo gian hùng từng làm mưa làm gió một thời trên chính trường Trung Quốc (thời cổ đại) lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị tạo phản và bị sát hại; Một Lê Long Đĩnh (vị vua cuối cùng của triều Lê) giết anh cướp ngôi, tham tàn bạo ngược, sát sinh hại vật chỉ làm vua được có bốn năm rồi chết yểu ở tuổi 24. Riêng ở Việt Nam thời hiện đại, bao tội ác lừa đảo hoặc giết người xuất phát từ tham vọng danh lợi cuối cùng cũng bị vạch trần như những vụ trọng án của Nguyễn Văn Mười Hai, Năm Cam, v.v… Tất nhiên, trong xã hội thời hiện đại vẫn có những con người đầy nghị lực, tay trắng gầy dựng cơ đồ bằng khả năng tổ chức, nắm bắt thị trường, phán đoán và ra quyết định đúng thời điểm. Sức lao động sáng tạo của những vị anh hùng áo vải này thật phi thường. Nếu họ còn biết vun đắp đời sống nội tâm và những mối quan hệ gia đình-xã hội, ắt hẳn thành công và hạnh phúc của họ thật là trọn vẹn.
Nếu không chăm sóc nội tâm, cuộc đời của chúng ta có khuynh hướng biến thành bi kịch. Chẳng hạn, có những người sẵn sàng giẫm đạp lên người khác để nhanh chóng và dễ dàng đạt được mục đích của mình. Rồi kết cuộc như thế nào? Họ sẽ gặt hái được gì? Dù họ có tạm thời thỏa mãn lòng vị kỷ, nhưng tâm họ có an vui thanh thản trước những ánh mắt đau khổ oán hờn kia không? Nếu làm được như thế thì họ thật sự rất đáng thương hại. Vui trong nỗi đau của người khác chính là liều độc dược cực mạnh hủy hoại tâm thể lành mạnh trong sáng của con người.
Tóm lại, vì lợi ích và hạnh phúc của bản thân và gia đình nói riêng và của cộng đồng xã hội nói chung, chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống nội tâm trong sáng và lành mạnh.
Chúng ta hãy học cách chăm sóc, vun trồng và yêu thương mảnh đất vườn tâm. Đừng bao giờ đòi hỏi người khác phải yêu thương mình một khi ta còn chưa yêu thương được chính ta. Hằng ngày chúng ta phải vun xới, nhổ cỏ, gieo những hạt giống tốt, bón phân, tưới nước, nâng niu và chăm sóc từng chồi non mới nhú, mong một ngày chúng sẽ phát triển khỏe mạnh rồi đơm hoa kết trái. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta hằng ngày, hằng giờ phải thanh tịnh nội tâm, gạn lọc và loại trừ dần từng ý niệm xấu, đồng thời ươm mầm và trưởng dưỡng từng ý niệm lành. Trước tiên, chúng ta phải biết yêu thương chính mình, đừng để tâm ta bị chìm đắm trong bao nỗi dằn vặt, đau khổ, hối hận, buồn phiền, sân hận, đố kỵ … Nếu lỡ tạo ra lầm lỗi, chúng ta hãy tìm xem có cách nào sửa chữa sai lầm đó hay không? Nếu có chúng ta phải khắc phục ngay. Còn nếu không chúng ta phải biết khoan dung với chính mình và cố không bao giờ lập lại sai sót ấy nữa. Chúng ta hãy mạnh dạn nhận lỗi và xin lỗi ngay – hoặc bằng lời nói hoặc bằng việc làm cụ thể. Ngược lại, nếu có ai phạm lầm lỗi với chúng ta, hãy cố gắng kiềm chế cơn sân hận hoặc bỏ đi nơi khác. Theo kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi, rất ít người có khả năng kiểm soát lời nói và hành động của mình khi cơn giận bộc phát. Khi hoàn toàn trấn tĩnh lại, chúng ta mới giải quyết vấn đề. Dù trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng nên cố gắng tha thứ cho người. Nếu không thể chấp nhận được sự việc ấy, chúng ta cũng không nên quá buồn phiền oán hận người. Khi bất cứ ý niệm tiêu cực nào phát sinh, chính chủ nhân của nó sẽ phải gánh chịu đau khổ trước hết. Vì thế, hãy mở rộng lòng thông cảm, tha thứ và yêu thương mọi người và mọi loài để tâm trí ta hoàn toàn thanh thản, an vui và sáng suốt.
Có một phương châm xử thế được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian: Hãy trao tặng mọi người những gì mà mình muốn nhận. Muốn được hạnh phúc và yêu thương, chúng ta hãy ban tặng niềm vui cho kẻ khác. Nụ cười và ánh mắt hân hoan của tha nhân sẽ sưởi ấm trái tim ta. Đó chính là nguồn hạnh phúc chân thật thanh lọc nội tâm, giúp chúng ta ngày càng lạc quan yêu người và yêu đời.
Chúng ta hãy luôn nhìn lại chính mình. Hôm nay chúng ta đã nghĩ gì, nói gì và làm gì? Những suy nghĩ, lời nói và hành động đó có xuất phát từ tình yêu thương và sự hiểu biết? Đó chính là những tố chất thiết yếu nhất của con người, giúp con người cao cấp hơn so với những loài vật khác. Thân chúng ta an nhờ điều kiện vật chất bên ngoài, còn tâm chúng ta an nhờ niềm an lạc bên trong phát sinh từ tình yêu thương và trí huệ. Vì thế, năm giới hạnh căn bản Phật dạy cho người Phật tử tại gia chính là những phương thuốc nhiệm mầu thấm đượm tình thương và trí huệ: 1) Giới cấm sát sinh giúp chúng ta yêu thương và trân trọng sự sống của muôn loài; 2) Giới cấm trộm cắp giúp chúng ta trân trọng những thành quả lao động của tha nhân; 3) Giới cấm tà dâm giúp chúng ta bày tỏ lòng chung thủy sắt son với người bạn đời, đồng thời cũng giữ gìn hạnh phúc cho cộng đồng xã hội; 4) Giới cấm nói dối giúp chúng ta chánh niệm trong từng lời ăn tiếng nói để vun đắp niềm tin yêu của mọi người; 5) Giới cấm uống rượu ngăn ngừa những độc tố bên ngoài hủy hoại thân-khẩu-ý của chúng ta. Hãy luôn ghi nhớ và thực hành năm giới này. Việc hành trì thành công sẽ giúp chúng ta có được tâm trí an lạc, thanh tịnh và minh mẫn – điều kiện tiên quyết dẫn đến mọi thành công trong cuộc đời. Một thành quả tất yếu nữa là chúng ta sẽ được sống an lành, hạnh phúc trong sự tin yêu, trân quý của mọi người và mọi loài xung quanh.
Đoan Thanh (CHP)
Các tin tức khác
- Bài học từ cây (30/12/2012 4:39)
- Bước qua chênh vênh (29/12/2012 3:08)
- Phật tử đến chùa cần biết những gì? (28/12/2012 11:39)
- Học kinh (27/12/2012 11:26)
- Giữ rắn trong tay (26/12/2012 5:54)
- Niệm Phật có nghĩa là… (26/12/2012 2:30)
- Nơi nương tựa an toàn (24/12/2012 11:37)
- Nhìn lại “ngày tận thế” (22/12/2012 11:22)
- Khéo sống tùy duyên (22/12/2012 3:07)
- Hạnh phúc và phước đức trong thiền quán (21/12/2012 2:29)