Không từ chối bất cứ việc lành nào cho dù rất nhỏ khi đủ nhân duyên

24/09/2014 1:02
Một hôm, đức Phật thuyết giảng trong một pháp hội lớn, tất cả đại chúng đều say mê chăm chú lắng nghe, riêng Ngài A-na-luật thì ngủ gà, ngủ gật. Thấy thế, đức Phật gọi dậy và phương tiện độ người đệ tử:

- Này A-na-luật, có ai bắt buộc ông đi tu không? Hay vì ông thiếu nợ nhiều quá phải làm thuê, làm mướn vất vả nên trốn vào đây tu?

A-na-luật thưa:

- Bạch Thế Tôn, không phải như thế. Con là một Hoàng Tử đâu cần làm thuê, làm mướn và cũng không thiếu nợ ai. Con đi tu vì cảm kích công hạnh của Thế Tôn không thể nghĩ bàn. Con tu là để cầu giác ngộ giải thoát, nhưng vì tập khí xa xưa của con còn quá nhiều, nên nó che chướng làm con mê mờ trong lúc nghe Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Phật bảo:

- Ông tu vì muốn giác ngộ và giải thoát sinh tử cho chính mình và cứu giúp chúng sanh, tại sao lại mê ngủ như vậy?

Nghe những lời cảnh tỉnh của Thế Tôn, Ngài ăn năn hổ thẹn, xin sám hối chừa bỏ tật ngủ gật và phát nguyện lớn: “Nếu đời này không thành đạo thì tôi không nhắm mắt.” Do quyết chí tu hành, ban ngày học hỏi làm việc, ban đêm siêng năng hành trì đến nỗi đôi mắt bị đỏ lên và sưng vù. Các thầy thuốc bảo Ngài chỉ ngủ lại bình thường thì mắt sẽ hết bệnh, nhưng Ngài vẫn cương quyết một lòng tu tập không ngủ nghỉ.

Đức Phật nghe chuyện, thân hành đến thăm và khuyên ông nên ngủ lại bình thường như trước, nhưng ông vẫn không chịu ngủ, cuối cùng đôi mắt của Ngài bị mù hẵn khi chưa chứng đạo. Tuy vậy, Ngài vẫn quyết tâm tinh tấn tu hành, chỉ một thời gian ngắn, Ngài chứng đắc Thiên nhãn thông với lực dụng không thể nghĩ bàn. Ngài có thể thấy suốt vũ trụ bao la như nhìn một trái xoài trong lòng bàn tay không bị chướng ngại của vật cản nào.

Một hôm, chiếc y của mình bị rách, Ngài muốn tự tay khâu lại, nhưng ngặt nỗi không thấy đường xỏ chỉ vào kim, Ngài lên tiếng nói rằng: “Có ai xỏ kim dùm tôi không?” Vừa lúc ấy đức Phật đi ngang nghe được, liền đến xỏ kim giúp người đệ tử mù của mình. Chúng ta thấy, một việc làm lành dù nhỏ nhoi đức Phật cũng không từ nan. Học chuyện xưa để mỗi người chúng ta bắt chước công hạnh của Như Lai Thế Tôn.

Việc làm của đức phật khiến chúng ta phải cảm phục, quý kính, bởi Ngài là bậc toàn giác, bậc thầy vĩ đại, mà vẫn không bỏ qua việc làm phước nhỏ.

Qua đó, chúng ta thấy người giác ngộ không từ chối bất cứ việc lành nào cho dù rất nhỏ khi đủ nhân duyên. Như vậy, chứng tỏ rằng sự có mặt của đạo Phật luôn đem đến lợi ích thiết thực cho con người, không gây tổn hại cho ai trên đời này cả dù rất nhỏ.

Chúng ta phải biết làm việc thiện dù lớn hay nhỏ, ta phải cố gắng vun trồng, cóp nhặt để như giọt nước lâu ngày đầy lu. Ngược lại, việc ác dù nhỏ mấy ta cũng phải tránh, không làm. Muốn gieo trồng phước đức, ta phải xa rời nghiệp ác và phát triển nghiệp lành.

Học hạnh xưa của Thế Tôn để ngày nay chúng ta cố gắng bắt chước gieo trồng phước đức. Một ngày làm việc thiện thì bao việc ác không thể có mặt. Như vậy gieo trồng phước đức có lợi cho ta rất nhiều, còn tham lam bỏn xẻn, ích kỷ, tâm địa nhỏ nhoi thì lúc nào cũng chịu nhiều đau khổ thiệt thòi.

Ta làm việc ác nhỏ lâu ngày tạo nên nghiệp ác lớn, ví như lỗ thủng nhỏ rỉ nước vào thuyền, nếu không chặn lại ngay từ đầu, đến một lúc nào đó nó sẽ nhấn chìm cả chiếc thuyền lớn.

Bởi chưng kiếp trước khéo tu

Kiếp này con cháu võng dù xênh xang.

Dân gian có câu: “Có phước làm quan.” Làm quan thì có điều kiện giúp đỡ gia đình người thân, đó là lẽ đương nhiên trong cuộc đời. Theo quan niệm dân gian Việt Nam “một người làm quan cả họ được nhờ” là thế. Để thấy lời Phật dạy không sai, mỗi người chúng ta phải cố gắng gieo trồng phước đức. Do phước nghiệp không đồng nên con người có thân tướng, lời nói, vóc dáng khác nhau, không ai giống ai cả. Người giàu sang, kẻ nghèo khổ, người sống thọ, kẻ chết yểu, người thông minh, kẻ ngu dốt cũng từ đó mà ra.

Trên thế gian này, người được giàu sang, phú quý, hiển vinh, công thành danh toại là nhờ biết tu nhân tích phước từ nhiều đời trước. Trên đời này, không có việc gì ngẫu nhiên, đương nhiên, tự nhiên mà thành. Muốn được như vậy, ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tùy theo khả năng của mình.

Công hạnh cao cả không thể nghĩ bàn của Như Lai Thế Tôn như nói ở trên thật đáng để loài người và chư thiên tôn kính, xứng đáng là bậc thầy trong ba cõi, bởi vì Ngài không từ bỏ bất cứ một việc thiện nào dù lớn hay nhỏ khi đủ nhân duyên.


Trích Tội phước theo ta như bóng với hìnhThích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top