Lý do chúng ta tu tập là để khám phá nội tâm, khám phá nội tâm cho đến khi chúng ta đạt được tâm ban sơ đó: tâm ban sơ được gọi là tâm thuần khiết. Tâm thuần khiết là tâm không có bất cứ vấn đề gì. Không có bất cứ ảo tưởng nào lai vãng. Nói cách khác, tâm đó không chạy đuổi theo các ảo tưởng. Nó không phê phán cái này hay cái kia, không tìm vui trong điều này hay điều nọ. Nó không hạnh phúc vì pháp này, hay buồn khổ vì pháp nọ. Do vậy, tâm luôn ở trạng thái tỉnh thức. Nó luôn biết rõ điều gì đang xảy ra.
Nếu tâm ở trong trạng thái này, thì khi các vọng tưởng ào đến –tốt hay xấu, bất kể vọng tưởng gì: khi chúng xuất hiện hay khuấy động, tâm nhận diện được chúng nhưng vẫn ở yên. Tâm không có vấn đề gì. Nó không lay động. Tại sao? Vì nó tự giác. Nó tự biết mình. Nó thiết lập được sự giải thoát tự bên trong mình. Nó ở trong trạng thái ban sơ của mình. Làm thế nào mà tâm có thể tái tạo lại trạng thái ban sơ của mình? Vì kẻ biết đã quán chiếu với sự tinh tế để thấy rằng tất cả các pháp đều là tạo tác của đối tượng và các thành tố (manifestation of properties and elements). Không có ai làm gì cho ai. Như khi vui hay buồn phát khởi: khi vui phát khởi, đó chỉ là vui. Khi khổ phát khởi, đó chỉ là khổ. Nó không có ai là chủ. Tâm không biến mình thành người sở hữu của niềm vui, hay nỗi khổ. Nó quán sát các trạng thái này và thấy rằng nó không cần phải bám vào thứ gì cả. Chúng chỉ là những vấn đề khác nhau, những pháp khác nhau. Lạc chỉ là lạc, chỉ có vậy. Khổ chỉ là khổ, chỉ vậy. Tâm chỉ là cái biết của các pháp.
Trước đây, khi có cơ sở của tham, sân và si, tâm sẽ bám vào những thứ này ngay khi chúng xuất hiện. Nó sẽ bám vào lạc; nó sẽ bám vào khổ. Nó chạy ngay đến để vung dưỡng chúng. “Chúng ta” bám lấy khổ và lạc không ngừng nghỉ. Đó là dấu hiệu của một tâm không biết nó đang làm gì. Nó si mê. Nó không có tự do, giải thoát. Nó chạy đuổi theo các ảo tưởng của mình. Tâm mà chạy đuổi theo các ảo tưởng là tâm nghèo nàn. Nếu đối tượng của nó tốt thì nó được tốt theo. Khi đối tượng của nó xấu, thì nó xấu theo. Nó quên bản thân, quên rằng bản chất nguyên sơ của nó là không tốt, không xấu. Nếu tâm tốt theo với kiến chấp của nó, thì tâm đó si mê. Khi pháp bất thiện phát khởi, nó cũng bất thiện; khi khổ khởi lên, nó cũng khổ theo; khi lạc đến, nó cũng lạc, tâm biến thành cả thế giới. Chúng ảo tưởng về thế gian. Chúng dính mắc với thế gian. Chúng phát khởi theo lạc, khổ, tốt, xấu –đủ mọi thứ chuyện. Và chúng cũng không chắc chắn về điều gì. Nếu tâm không ở trạng thái nguyên sơ, thì không có gì chắc chắn. Không có gì ngoài sinh, tử, sợ hãi, bất ổn, tiếc nuối và khổ đau –không có gì ngoài những khó khăn triền miên. Tất cả mọi thứ đều không có cách gì chấm dứt, chúng ta thấy là chúng ta phải tiếp tục sống theo cách chúng ta từng sống trong quá khứ.
Còn tâm, nó không có bất cứ vấn đề gì. Khi nó có vấn đề, đó là vì chúng ta bám víu vào sự việc. Như sự khen, chê của người đời: Nếu ai đó nói, “Bạn là người xấu”, tại sao ta đau khổ? Ta đau khổ vì ta nghĩ rằng họ chỉ trích ta. Nên ta nắm lấy đó, đem vào trong tâm mình. Hành động nắm lấy và đem vào trong tâm. Hành động nắm lấy –biết và chấp lấy nó theo cách đó- là vì ta không sáng suốt, không biết đó là gì, nên ta chấp vào đó. Khi quý vị làm như thế, đó được gọi là tự đâm sau lưng mình bằng cái chấp. Khi quý vị tự làm tổn thương mình, đó là cách phát khởi của sinh. Nếu quý vị chẳng để ý đến lời người ta nói hay chẳng chấp –khi quý vị coi những thứ đó chỉ là âm thanh, chỉ có vậy- thì sẽ chẳng có vấn đề gì. Thí dụ một người Khmer nguyền rủa quý vị: quý vị nghe, nhưng coi đó chỉ là âm thanh, âm thanh Khmer, chỉ vậy. Chúng chỉ là âm thanh. Khi quý vị không hiểu nghĩa, không biết rằng người ta đang nguyền rủa mình, thì tâm không bám víu. Vậy là quý vị được an ổn. Hoặc một người Việt Nam hay người nào đó có ngôn ngữ khác với quý vị nguyền rủa quý vị, thì quý vị chỉ nghe âm thanh. Quý vị bình thản vì quý vị không đem chúng vào tâm.
Còn cái tâm này: Nói về sự sinh diệt của tâm, những thứ này dễ hiểu thôi khi quý vị tiếp tục quán chiếu như thế không dừng, không dừng quay vào bên trong. Tâm sẽ ngày càng tinh tế vì nó đã trải qua những giai đoạn thô của việc tu tập. Định của quý vị cũng vững chãi hơn trong nội tâm, trụ vào bên trong hơn. Nó càng quay vào bên trong, ta càng chắc rằng trạng thái tâm này sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì, bởi bất cứ kiến chấp nào. ảo tưởng là ảo tưởng; tâm là tâm. Khi tâm cảm thấy lạc hay khổ, tốt hay xấu, là vì nó để ảo tưởng phát sanh nên ảo giác làm ảnh hưởng mình. Nếu không, tâm sẽ chẳng có vấn đề gì, tâm sẽ không lay động. Trạng thái này được gọi là trạng thái tỉnh giác. Tất cả các pháp mà tâm biết đều là tạo tác của các đặc tính và các yếu tố. Chúng đến rồi đi, đến rồi đi.
Trích "Nói với người xuất gia" - Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Mười cách tạo phước báu ( 5/11/2014 10:47)
- Sống với như lai ( 4/11/2014 11:43)
- Theo thầy ( 4/11/2014 11:27)
- Thiệt thòi khó chịu ( 3/11/2014 11:59)
- Chúng sanh ( 3/11/2014 11:17)
- Lời cảnh sách ( 3/11/2014 10:57)
- Một chút trong cuộc đời ( 3/11/2014 3:31)
- Tu tập trong tình đồng nghiệp ( 3/11/2014 3:26)
- Lướt sóng mà đi ( 3/11/2014 3:17)
- Ðại kinh Giáo giới La-hầu-la (Mahā Rahulovāda sutta) (31/10/2014 6:50)