Kinh Lăng Nghiêm kể về 12 loại chúng sanh này hết sức minh bạch.
"Từ trứng sanh" là do yếu tố tưởng mà sinh xuất. Ðại khái như gà ấp trứng, từ sớm đến tối một mực suy tưởng: "Gà con của mình sắp nở ra đây," cứ tưởng miết như vậy, quả nhiên khiến trứng nở ra con. Loại này gồm cả các loài cá, tôm, rùa, rắn.
"Từ thai sanh" là do yếu tố tình. Vì cớ gì có thai? Giữa nam nữ có tình luyến ái, hợp lại với nhau mà thành bào thai. Loài thai sanh gồm cả các giống súc vật, các loài rồng và tiên.
"Loại thấp sanh" là do yếu tố hợp cảm, do hơi ẩm và khí nóng hợp lại mà sanh ra, gồm các loài côn trùng trong nước, các giun sán v.v..
"Loại hóa sanh" là từ yếu tố ly ứng mà ra. Nhân vì lẽ thích mới nới cũ, mà có sự ly khai, từ có hóa không, từ không hóa có, từ nhỏ biến ra lớn, từ lớn biến nhỏ, đại khái như chuột biến thành loài dơi, như con tằm hóa bướm, tất cả đều có sự biến hóa, đổi hình. Loại này gồm cả loài ruồi, nhặng, loài thoát xác bay xa.
Các chúng sanh do các yếu tố tình, tưởng, hợp, ly mà biến hóa, chính là do sự mê vọng mà sanh ra, vì mê vọng mà tạo nghiệp, nhân tạo nghiệp mà thọ quả báo. Thai, trứng, thấp, hóa, loài nào theo loài nấy, cũng vì nhân duyên chung đại khái như nhau nên cùng một loại quả báo như nhau.
Ngoài cách phân loại thành thai, trứng, thấp, hóa, còn có cách phân loại rộng rãi hơn nữa.
Kinh nói: "Hoặc có sắc," tức là loài tinh diệu tốt xấu, xuất sinh từ sự hòa hợp các loạn tưởng về các sắc sáng chiếu (loạn tưởng tinh diệu), như các loài đom-đóm, loài trai có ngọc v.v. "Hoặc không sắc," tức là loài sanh từ các yếu tố không, tán, tiêu, trầm, như các tầng trời tứ không, các loài như thần Hư không (thuấn-nhã-đa thần), thần gió, thần nắng. "Hoặc là loài có tư tưởng," tức không có hình sắc mà chỉ có tư tưởng, nó ẩn hiện như có như không, phảng phất chẳng có thực chất, như các loại quỷ thần, yêu quái, như thần núi, thần nước, các loại gỗ đá thành tinh, các sơn tinh, thủy quái v.v. "Hoặc là loài không có tư tưởng," tức là loài có hình sắc mà không tư tưởng, u mê, ngu độn, tinh thần tựa như gỗ, đất, các loại kim thạch. Tại Hương-cảng có một hòn vọng phu. Tương truyền năm xưa có một người đàn bà, có chồng đi ra biển, kiếm ăn buôn bán. Người chồng đi mãi không về, còn người vợ thì cứ ngày ngày bế con lên núi ngóng ra biển khơi mong chồng. Năm tháng qua lâu mà tin chồng chẳng có, dần dà người vợ hóa thành đá, cho tới nay vẫn còn hòn đá vọng phu, đứng dựng trên đỉnh núi, hướng ra biển khơi trông ngóng.
"Hoặc là loại chẳng phải có tư tưởng," đây chẳng phải là một loại đối lại với loài sanh từ trứng ra - noãn sanh cũng lấy tư tưởng mà truyền lại sanh mạng - mà phát sanh từ sự kết hợp của hai thứ vọng tưởng, đem cái của người cho là của mình, cùng nhau tráo trở, tỷ như trường hợp con tò-vò mà nuôi con của con sâu minh-linh. Kinh thi có câu:
Minh linh hữu tử
Quả doanh phụ chi
Nghĩa là: con sâu minh linh có con, con tò-vò nuôi đỡ. Minh linh là loài sâu ở đọt dâu, con tò vò thì giống loại ong có eo thắt lại. Tò vò kiếm đất làm tổ, nuôi con sâu minh linh ở bên trong, khấn rằng: "Loại ngã! Loại ngã!" nghĩa là "giống như ta." Bảy ngày sau quả nhiên con sâu hóa ra con của tò vò. Cái đó chính là chẳng phải có tư tưởng, do hai thứ khác nhau lẫn lộn mà thành. Nguyên do bởi kiếp xưa chuyên nghề đi lấy tài vật của người khác, đem về làm của mình, nên mới chịu quả báo đó.
"Chẳng phải không có tư tưởng," là nói về loại mang nhiều oán hận từ trước, muốn kiếm sự báo thù, như loài chim kiêu (con chim ưng đầu mèo, tục kêu là chim bất hiếu) bám vào ổ đất để sanh con, khi con lớn lên thì con ăn thịt mẹ. Lại còn một loại muông thú nữa là con phá kính, nuôi con đến khi con lớn thì con ăn thịt cha.
Trích "Lược Giảng Kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật" - Hòa Thượng Tuyên Hóa
Các tin tức khác
- Lời cảnh sách ( 3/11/2014 10:57)
- Một chút trong cuộc đời ( 3/11/2014 3:31)
- Tu tập trong tình đồng nghiệp ( 3/11/2014 3:26)
- Lướt sóng mà đi ( 3/11/2014 3:17)
- Ðại kinh Giáo giới La-hầu-la (Mahā Rahulovāda sutta) (31/10/2014 6:50)
- Câu chuyện về Liễu Phàm (31/10/2014 12:38)
- Giữ gìn ngũ căn (31/10/2014 12:07)
- Tìm lại chính mình (thơ) (31/10/2014 12:00)
- Những bí mật và mánh khóe của giới ăn trộm (30/10/2014 12:23)
- Thay đổi tư duy (30/10/2014 12:12)