Một hôm, tiên sinh lên chùa Từ Vân chơi, gặp một cụ già, râu dài, tướng mạo phơi phới như tiên. Tiên sinh ngưỡng mộ tới chào hỏi. Cụ già hỏi:
- Người có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu tú tài. Sao giờ còn lang thang ở đây, không lo học?
Tiên sinh trình bày nguyên do. Rồi hỏi thăm tên họ, quê quán cụ già. Được biết, cụ họ Khổng, người Vân Nam, là người được chân truyền cuốn Hoàng cực kinh thế thư của Thiệu Khang Thiết. Sách này căn cứ Kinh dịch và số học để bói về thời thế đất nước và vận mệnh con người. Nghe vậy, tiên sinh mời cụ về nhà gặp mẹ và nhờ xem số cho mình.
Cụ bói cho tiên sinh không việc nào không đúng, từ việc nhỏ đến việc lớn. Năm nào thi đậu cấp gì, thứ hạng bao nhiêu, năm nào làm quan, bao lâu v.v… cụ đều nói rất chính xác. Tiên sinh ghi chép đầy đủ những gì cụ Khổng đã bói cho: Tuy có làm quan nhưng không đậu được tới cử nhân. Năm 53 tuổi ngày 18 tháng 3 giờ sửu mất tại nhà. Không có con nối dõi…
Do thấy đời mình diễn ra đúng y những gì mà cụ Khổng đã bói, ngay cả những việc lúc đầu tưởng chừng sai, rốt cuộc cũng không thể sai, nên tiên sinh tin chắc rằng, con người đã có một số mệnh an bày. Việc thăng quan tiến chức, giàu sang hay phú quí đều có thời có lúc của nó, đã được Trời ấn định.
Năm 35 tuổi, Tiên sinh có duyên gặp thiền sư Vân Cốc Pháp Hội trên núi Thê Hà. Ngồi thiền với thiền sư suốt ba ngày. Sau buổi tọa thiền, Sư hỏi:
- Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân, vì bị những vọng niệm lăng xăng quấy rối. Ngươi ngồi ba ngày mà ta thấy thân tâm ngươi ít bị lăng xăng theo ngoại cảnh, là sao?
Tiên sinh trả lời:
- Sau khi cụ Khổng lấy số mạng cho con, con thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời sắp đặt. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi.
Thiền sư Vân Cốc bật cười nói:
- Ta tưởng ngươi là kẻ xuất chúng, nào ngờ chỉ là kẻ phàm phu.
Tiên sinh không hiểu, hỏi lại.
Sư đáp:
- Tâm người nếu còn lăng xăng thì còn bị âm dương khí số trói buộc, làm sao bảo là không có số mệnh? Nhưng số mệnh chỉ chi phối người thường, là người sống suốt đời chìu theo tánh mình, không biết thay đổi. Còn đối với người có sự chuyển biến mạnh mẽ, số mệnh không thể chi phối. 20 năm nay, Khổng tiên sinh chỉ cho ngươi thấy số mệnh mà ngươi không thể thay đổi số mệnh chút nào. Vậy không phải phàm phu là gì?
Liễu Phàm thắc mắc:
- Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mệnh hay sao?
Thiền sư Vân Cốc đáp:
- Mạng do ta tạo, phước do mình tìm. Kinh thư, Kinh thi đã dạy rõ ràng như vậy. Kinh Phật cũng dạy: “Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang. Mong cầu sinh trai gái sẽ sinh trai gái. Mong cầu sống lâu sẽ sống lâu”.
Tiên sinh không đồng ý:
- Mạnh Tử nói: “Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có lợi ích vì tìm được. Đó là tìm bên trong. Còn tìm không đúng cách thì kết quả phụ thuộc vào số mệnh, tìm như thế vô ích. Vì đó là tìm bên ngoài ta”. Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì ở trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Còn tìm công danh phú quí là cái ở bên ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm dược.
Sư trả lời:
- Mạnh Tử nói rất đúng. Chỉ vì ngươi hiểu chưa đúng. Ngươi không nghe Lục Tổ nói: “Tâm ta như miếng ruộng, phước họa do mình trồng”, phải ở trong lòng mà gieo thì không gì là không được. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức mà công danh phú quí cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy, mới có lợi ích vì tìm được. Ngược lại, nếu không xem xét trong lòng, chỉ một mực hướng ra ngoài tìm cầu, xem thì thấy có vẻ đúng cách nhưng được hay không thì tùy số mệnh. Cuối cùng trong ngoài đều mất, nên Mạnh Tử nói vô ích là vậy.
Thiền sư Vân Cốc hỏi tiếp:
- Ngươi tự xét lại xem, ngươi có xứng đáng đậu tiến sĩ hay không? Có xứng đáng có con nối dõi hay không?
Tiên sinh kiểm điểm khá lâu, rồi đáp.
- Dạ con không xứng. Vì những người thi đậu làm quan là người có phước, con không phước. Con không lo xây dựng đức hạnh để tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nỗi những phiền tói vụn vặt xảy ra trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung, thường lấy tài mình chèn ép người. Lại hay thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẻ. Lời nói không thận trọng, thường nói bậy. Những điều như thế là tánh vô phước, làm sao xứng đáng với con đường khoa cử. Con cũng không đáng có con, vì chỗ nào càng dơ thì càng nhiều sinh vật, nước trong ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình. Đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sinh sôi, mà tánh con hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sinh sôi, còn khắc khe ít kỷ là nguồn gốc của sự không sinh dục. Con chỉ biết yêu quí danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đỡ người khác… ngoài ra còn nhiều lỗi lầm không sao nói hết.
Thiền sư Vân Cốc nghe xong, nói:
- Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vậy. Những cái khác cũng vậy. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báu của mình. Người không biết, sẽ giải thích bằng định mệnh trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chỉ xử lý trên những gì con người có. Có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu.
Thiền sư nói tiếp:
- Nay ngươi đã biết được nguyên nhân để không đậu tiến sĩ, không có con thì cứ nhắm vào nguyên nhân đó mà sửa chữa. Phải tích bồi công đức. Phải bao dung lỗi lầm của người khác. Phải hòa thuận yêu thương mọi người. Phải giữ gìn sức khỏe. Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu tiến sĩ, không có con. Đó là số trời đã định. Nhưng ta vẫn có thể không tuân theo. Từ nay về sau, ngươi phải trau dồi tánh hạnh đạo đức cho nhiều. Hết lòng làm thiện. Tích bồi âm đức. Phước này do mình tạo, không thể không hưởng.
Tiên sinh theo đó mà thực hành. Đúng như lời của thiền sư Vân Cốc nói. Cuộc đời của ông không còn diễn biến theo số mệnh mà Khổng tiên sinh đã bói cho. Thay vì sống 53 tuổi, ông sống tới 74 tuổi. Thay vì không đậu cử nhân, ông đậu tới tiến sĩ. Thay vì không có con, ông có một người con trai, sau này cũng đậu tiến sĩ. Vì thế ông đã viết ra cuốn Liễu phàm tứ huấn để dạy con. Trong đó có nói: “Ai cho họa phúc do mình tạo, là lời thánh hiền. Còn cho trời định, là lập luận của hạng phàm tục”.
Như vậy dù sinh ra với một số mệnh, nhưng nếu biết vận dụng lý nhân quả nghiệp báo một cách đúng đắn, ngoài làm thiện, trong sửa ý, chúng ta vẫn sửa đổi được số mệnh của chính mình.
Trích "Số mệnh" - TG: Chánh Tấn Tuệ (Thường Chiếu)
Các tin tức khác
- Giữ gìn ngũ căn (31/10/2014 12:07)
- Tìm lại chính mình (thơ) (31/10/2014 12:00)
- Những bí mật và mánh khóe của giới ăn trộm (30/10/2014 12:23)
- Thay đổi tư duy (30/10/2014 12:12)
- Điều hòa thân tâm khi tọa thiền (30/10/2014 12:05)
- Trên đời này điều gì là khổ nhất (29/10/2014 11:56)
- Người không biết đặng y (29/10/2014 1:10)
- Chết là nỗi khổ lớn lao nhất ai cũng phải sợ (29/10/2014 1:02)
- Vì sao nhà sư không được ca hát? (29/10/2014 12:44)
- Thiền đi bộ (27/10/2014 11:01)