Tự giáo dục

26/11/2014 12:00
Bạn thắc mắc tu học Phật pháp có khó không và có được lợi ích gì. Xin được thưa với bạn rằng khó thì thật khó đấy, vì Phật pháp vốn rất thâm sâu, cao siêu, vượt ra ngoài những gì mà bạn từng được giảng dạy và suy nghĩ. Nó cũng có thể được hiểu là khó, vì nó là đường hướng tự giáo dục, tự kỷ luật, đòi hỏi bạn phải tự mình tìm hiểu, tự mình suy tư, cân nhắc và nỗ lực kiên trì thực hành.

Đức Phật không yêu cầu bạn phải tin nghe điều gì, ngoài việc khuyến khích bạn suy nghĩ chín chắn những lời Ngài dạy và thực tập chúng. Tuy vậy, Phật pháp cũng hết sức dễ cho bạn, vì nó không đề nghị những gì vượt quá suy nghĩ và ý chí của bạn. Bạn muốn an lạc, không muốn khổ đau, muốn trở thành người tốt, hoàn thiện? Bạn mong muốn điều tốt lành cho bản thân, cho gia đình và xã hội? Hãy chiêm nghiệm những lời Phật dạy và thử thực tập pháp môn khởi tâm (tự nhắc bảo chính mình) theo cách Ngài chỉ bảo cho Tỷ kheo Cunda sau đây(1) và bấy giờ bạn sẽ tự có câu trả lời cho mình về sự trong sáng giản dị và lợi ích của Phật pháp:

Này Cunda, Ta nói rằng sự khởi tâm rất có lợi ích cho các thiện pháp, còn nói gì thân nghiệp, khẩu nghiệp phù hợp với tâm ý. Do vậy, này Cunda:

“Những kẻ khác có thể làm hại, chúng ta ở đây sẽ không làm hại”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể lấy của không cho, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ lấy của không cho”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể không phạm hạnh, chúng ta ở đây sẽ sống phạm hạnh”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nói láo, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói láo”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nói hai lưỡi, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói hai lưỡi”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nói lời độc ác”, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời độc ác”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nói lời phù phiếm, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời phù phiếm”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể tham dục, chúng ta ở đây sẽ không tham dục”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có sân tâm, chúng ta ở đây sẽ không có sân tâm”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà kiến, chúng ta ở đây sẽ có chánh kiến”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà tư duy, chúng ta ở đây sẽ có chánh tư duy”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà ngữ, chúng ta ở đây sẽ có chánh ngữ”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà nghiệp, chúng ta ở đây sẽ có chánh nghiệp”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà mạng, chúng ta ở đây sẽ có chánh mạng”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà tinh tấn, chúng ta ở đây sẽ có chánh tinh tấn”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà niệm, chúng ta ở đây sẽ có chánh niệm”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà định, chúng ta ở đây sẽ có chánh định”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà trí, chúng ta ở đây sẽ có chánh trí”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có tà giải thoát, chúng ta ở đây sẽ có chánh giải thoát”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể bị hôn trầm thụy miên chi phối, chúng ta ở đây sẽ không bị hôn trầm thụy miên chi phối”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có trạo hối, chúng ta ở đây sẽ không có trạo hối”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nghi hoặc, chúng ta ở đây sẽ trừ diệt nghi hoặc”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể phẫn nộ, chúng ta ở đây sẽ không phẫn nộ”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể oán hận, chúng ta ở đây sẽ không oán hận”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể hư ngụy, chúng ta ở đây sẽ không hư ngụy”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể có não hại, chúng ta ở đây sẽ không có não hại”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể tật đố, chúng ta ở đây sẽ không tật đố”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể xan tham, chúng ta ở đây sẽ không xan tham”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể man trá, chúng ta ở đây sẽ không man trá”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể khi cuống, chúng ta ở đây sẽ không khi cuống(2)”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể ngoan cố, chúng ta ở đây sẽ không ngoan cố”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể cấp tháo, chúng ta ở đây sẽ không cấp tháo(3)”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể ngã mạn, chúng ta ở đây sẽ không ngã mạn”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể quá mạn, chúng ta ở đây sẽ không quá mạn”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể khó nói (nan thuyết) chúng ta ở đây sẽ dễ nói”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể ác hữu, chúng ta ở đây sẽ là thiện hữu”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể phóng dật, chúng ta ở đây sẽ không phóng dật”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể là bất tín, chúng ta ở đây sẽ có tín tâm”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể không xấu hổ, chúng ta ở đây sẽ có xấu hổ”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể không sợ hãi, chúng ta ở đây sẽ có sợ hãi”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nghe ít, chúng ta ở đây sẽ nghe nhiều”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể biếng nhác, chúng ta ở đây sẽ siêng năng”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể thất niện, chúng ta ở đây sẽ an trú niệm”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể liệt tuệ, chúng ta ở đây sẽ thành tựu trí tuệ”, cần phải khởi tâm như vậy.

“Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả”, cần phải khởi tâm như vậy.

Chú thích:

1. Kinh Đoạn giảm, Trung Bộ.

2. Maccharì, nghĩa là tự cao tự đại, hay ganh tỵ xem thường người khác.

3. Thaddhà, nghĩa là cố chấp, cứng cỏi.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 69

Các tin tức khác

Back to top