Tâm xấu bị ác báo

13/12/2014 2:18
Ngày xưa, có một làng ở ven biển sống bằng nghề đánh cá. Có một gia đình chài lưới. Chồng qua đời để lại hai đứa con và bà vợ bụng mang dạ chửa.

Từ khi mang thai đứa con này thì người cha từ trần, gia đình sa sút. Trong làng làm ăn thất thoát, đánh không được cá, có một số nhà bị cháy. Các ông kỳ cựu trong làng tìm hiểu gia đình người thiếu phụ chồng chết, mang thai đứa con con bạc phước nên họ đuổi gia đình bà đi nơi khác.
Bà chịu cảnh nghèo khổ, đói rách, nhưng cố gắng sanh và nuôi con cho đến 7 tuổi. Một hôm bà đưa cho nó một cái bát, bảo vào nhà hàng xóm xin cơm và bà bỏ trốn mất. Khi xin cơm ra tìm mẹ không được, nó khóc lóc khổ đau. Và từ đó nó trở thành không cha mẹ, không một người thân. Hằng ngày đi xin ăn để sống. Thân hình đứa bé đen đủi, ốm yếu trông rất đáng thương.
Một hôm ngài Xá Lợi Phất đi khất thực gặp em bé, ngài thương xót hỏi, “Con là con ai?”
Em bé trả lời, “Con mồ côi, không cha không mẹ.”
Ngài Xá Lợi Phất hỏi, “Con có muốn đi tu không?”
Em bé trả lời, “Con muốn lắm nhưng không có ai độ.”
Ngài Xá Lợi Phất nói, “Ta sẽ độ con. Con chịu không?”
Em bé nói, “Con mừng lắm.”
Ngài Xá Lợi Phất cho nó một tấm vải làm y và một bình bát nhỏ. Nó đi theo sau thầy để khất thực. Ngài dạy cho nó cách tọa thiền quán chiếu. Đủ tuổi hai mươi, thọ giới tỳ kheo, tinh tấn tu hành, chứng quả A La Hán.
Tuy đắc A La Hán nhưng do ác nghiệp nên đi khất thực cũng chỉ có ba muỗng cơm, vì thế thân hình ốm gầy.
Phật từ bi, thương thầy nên cho quét phòng hương của Phật. Nhờ phước đức này, thầy được tạm no đủ. Nhưng sau đổi người khác, thầy tiếp tục nhịn đói.
Đến khi thầy sắp bỏ báo thân, thầy đi phó trai đến thí chủ thì hai vợ chồng cãi lộn. Thầy đành nhịn đói, đi về. Và sau đó thầy không đi khất thực nữa.
Ngài Mục Kiền Liên thương xót, khi thọ trai xong liền khất thực cho thầy một bình bát cơm, nhưng khi đi giữa đường, trâu báng lộn, bể bát cơm. Ngày hôm sau ngài Mục Kiền Liên cũng khất thực bát cơm cho thầy, sợ trâu báng lộn nên ngài bay lên hư không lại bị bầy quạ dành cơm, bình bát rơi xuống bể nát. Thế là Thầy nhịn đói đã ba ngày.
Ngày thứ tư, ngài Xá Lợi Phất thương xót, ăn xong lại xin cho thầy một bát bánh đem về, hai tay nắm bát bảo thầy ăn. Nhưng thầy sợ, vì ngài Xá Lợi Phất là thầy lớn mà cầm bát cho thầy ăn, sợ có lỗi. Ngài Xá Lợi Phất nói, “Đại đức cứ ăn. Nếu thầy thả tay ra thì bánh sẽ không còn.”
Thầy tỳ kheo bất đắc dĩ ăn vài ba cái rồi thôi. Khi ngài Xá Lợi Phất thả tay ra thì bình bát liên biến mất. Sau đó, thầy tỳ kheo uống một bát nước no và nhập diệt.
Thấy thế, ngài A Nan bạch Phật, “Thầy tỳ kheo này do tội gì mà phải chịu đói khát, cho đến chứng quả A La Hán còn phải nhịn đói, uống nước no mà nhập diệt? Và cũng do phước gì mà được xuất gia chứng quả giải thoát?”
Phật dạy: Đây cũng do ác nghiệp gây ra. Vào thời quá khứ, trong giáo pháp của Phật Tỳ Bà Thi có một thí chủ giàu có, cất một tịnh thất trong vườn cây trái, mời một thầy tỳ kheo đến ở và tứ sự cúng dường.
Một hôm, có một vị Bích Chi Phật từ núi tuyết xuống nhà thí chủ khất thực. Thí chủ thỉnh vô nhà, thiết trai cúng dường và thưa rằng trong vườn trái cây có tịnh thất, có một thầy tỳ kheo đang ở, xin trưởng lão lên đó nghỉ rồi ngày mai đi với thầy tỳ kheo đó xuống đây thọ trai.
Vị trưởng lão lên tịnh thất, thầy tỳ kheo cung kính tiếp rước. Và hỏi ra, biết là thí chủ chỉ lên đây nghỉ đêm. Thầy tỳ kheo lại sanh ý nghĩ xấu là nếu vị trưởng lão ở đây, thí chủ sẽ cung kính ông mà quên mình đi.
Sáng ra, thầy đến gõ cửa phòng trưởng lão nhưng không nghe trả lời, tưởng ngài đi xa mỏi mệt nên ngủ quên. Thầy ôm bát xuống nhà thí chủ. Thí chủ hỏi, “Ngài trưởng lão có lên tịnh thất không? Sao sáng nay không đi xuống với thầy?” Thầy tỳ kheo nói, “Chắc ngài đi xa mỏi mệt nên ngủ quên.”
Khi thầy tỳ kheo ăn xong, thí chủ bới một bình bát cơm với thức ăn thượng vị, nhờ thầy mang về cho trưởng lão.
Thầy tỳ kheo mang đi nửa đường, nghĩ rằng nếu trưởng lão được thức ăn ngon sẽ ở luôn. Mình nên đổ bát cơm này là xong. Nhưng đổ trên đất, chim ăn còn dư, thí chủ biết. Đổ dưới nước, cá ăn còn dư, thí chủ cũng biết. Chi bằng chôn dưới đất là tốt.Thầy làm theo ý định rồi rửa bát ra về. Khi đến tịnh thất, đẩy cửa phòng trưởng lão vào thì không thấy đâu.
Bấy giờ thầy mới ăn năn, sợ sệt, khóc lóc, cầu xin sám hối chỉ vì miếng ăn mà ta đã đổ bát cơm của vị thánh.
Phật kết luận: Thầy tỳ kheo đổ bát cơm là tiền  thân của thầy tỳ kheo chứng quả A La Hán mà nhập diệt bị đói. Và cũng vì kiếp trước xuất gia giữ tịnh giới nên hôm nay gặp ta và chứng quả A La Hán. 
Khi mà nghiệp ác chưa thành
Người làm điều ác tưởng mình vui thôi.
Đến khi nghiệp ác tới rồi
Người ta mới thấy cuộc đời khổ đau.


Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề - Thích Tịnh Nghiêm

Các tin tức khác

Back to top