Nội tâm tĩnh lặng

15/12/2014 1:47
Bạn đã mỏi mòn tìm kiếm thú vui bên ngoài, sao không lặng lẽ trở về cảm nhận niềm an lạc sẵn có bên trong? An lạc đó luôn luôn hiện hữu, chỉ cần trở lại là thấy, nhưng bạn đã bỏ rơi vào quên lãng vì mãi lăng xăng tìm kiếm viển vông. Tuy nhiên, khi được an lạc, bạn chớ khởi tâm chiếm hữu lâu dài, vì lập tức bạn rơi vào cái bẫy của bản ngã, thời gian, và đau khổ.

Chẳng khác nào bấy lâu bạn tìm cách sở hữu những lạc thú trần gian! Biết bao giờ mới chấm dứt được khát vọng của kẻ mong cầu cái hữu hạn, mà bỏ quên cái vượt khỏi thời gian?

Thế giới loài người thuộc về Cõi Dục, vì hầu hết sinh hoạt đời sống của chúng ta dựa trên mối tương hệ giữa giác quan và ngoại cảnh. Mối tương hệ này phát sinh cảm giác, cảm xúc, tri giác, tư tưởng, kinh nghiệm, kiến thức, và tất cả những phản ứng tâm-sinh-vật lý. Nói chung là bản năng, tình cảm và lý trí, mà phần lớn diễn ra trong vô thức nhiều hơn có ý thức. Do đó những tích lũy nội kết này ngày càng đa dạng, phong phú, nhưng cũng làm cho kho chứa vô thức của chúng ta trở nên quá phức tạp đến độ khó có thể thăm dò.

Phần lớn chúng ta hành động, nói năng, suy nghĩ một cách vô thức. Và lắm khi tưởng chừng như chúng ta hành động có ý thức, chủ động và quyết đoán, nhưng thật ra chúng ta hành động như một con rối đang bị sai khiến bởi những xung động vô thức. Có thể chúng ta biết mình làm gì nhưng chỉ là cái biết mơ hồ, mông muội, phát xuất từ vô minh, thất giác mà hậu quả là chúng ta đã gây ra nhiều khổ đau phiền muộn cho mình và người. Loại ý thức này thực ra chỉ là mặt nổi rất nhỏ so với mặt chìm rộng lớn của vô thức, cũng giống như “phần trên mặt nước của một tảng băng so với phần chìm dưới nước”. Huống chi ý thức thường là chủ quan, bị giới hạn bởi ý niệm, kiến thức, quan niệm, thành kiến v.v… nên khó mà thấy biết trung thực. Chỉ khi nào tánh biết thoát khỏi những sự ngăn che này may ra ý thức mới được hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng.

Tâm phát ra tư tưởng, tư tưởng tạo ra xung lực thúc đẩy hành động. Khi nội tâm không thanh tịnh trong sáng thì hành động của chúng ta sẽ bị dẫn dắt bởi những khuynh hướng tâm lý không lành mạnh. Bị thúc đẩy bởi những xung lực đó chúng ta sẽ hành động như một robot đã được lập trình.

Kết quả là, hành động lăng xăng sẽ làm tiêu tán năng lực. Lực bị phân tán làm cho tư tưởng xáo trộn. Tư tưởng bất an khiến nội tâm dao động, bối rối, phân vân, nghi hoặc. Một nội tâm như vậy không thể nào thanh tịnh trong sáng được. Làm sao tâm đầy tham, sân, phóng túng, thụ động, dao động, căng thẳng và bất an có thể chú tâm vào một công việc nào để hoàn thành hữu hiệu?

Vì vậy, tĩnh tại không những cần yếu cho thực hành thiền định, mà trong bất kỳ lãnh vực hoạt động nào, dù là phương diện tay chân hay trí óc. Thiếu định tĩnh hay chú tâm chúng ta không thể lái xe an toàn hay lý luận, tư duy v.v… nhất quán và hiệu quả được.

Khi các giác quan hướng ra bên ngoài và bị chi phối bởi ngoại cảnh, thì tâm chúng ta sẽ bị khuấy động bởi những thái độ phản ứng như ưa, ghét, vọng động, lười chán, nghi ngờ. Đó là những trở ngại khiến nội tâm xao động.

Nhưng đôi lúc chính sự cố gắng ổn định tâm lại gây ra những trở ngại cho tâm. Vì cố gắng này có thể phát xuất từ lòng tham, đó là trở ngại thứ nhất. Ý muốn ổn định tâm đối lập với tâm bất an sinh ra bất mãn hay sân hận: trở ngại thứ hai. Sự mâu thuẩn này gia thêm bất an và dao động, đó là trở ngại thứ ba. Rồi nỗ lực trấn an tình trạng dao động này làm cho tâm mệt mỏi, hôn trầm, đó là trở ngại thứ tư. Kết quả là tâm bạn thường bị phân vân lưỡng lự làm sao có thể an bình tĩnh lặng được?

Vậy tĩnh lặng là gì? Đó là trạng thái khi tâm thoát khỏi những trở ngại làm cho tâm xáo trộn. Nói cách khác, những trở ngại sẽ tự biến mất khi tâm hội đủ những yếu tố tĩnh lặng:

1) Tâm thoát khỏi trạng thái thờ ơ, thụ động, lười chán, buồn ngủ có thể dễ dàng hướng đến bất kỳ đối tượng nào, nếu cần, một cách chính xác.

2) Tâm thoát khỏi tình trạng phân vân hay lưỡng lự có thể đủ tự tin để ổn định trên đối tượng đã được xem xét kỹ lưỡng.

3) Tâm thoát khỏi sự căng thẳng, bực bội, nóng nảy hay sân hận sẽ lập tức cảm thấy hoan hỷ với chính nó hay bất cứ đối tượng thiền nào.

4) Tâm thoát khỏi sự dao động, phóng tâm, tán loạn với những suy nghĩ miên man về quá khứ, vị lai, sẽ tự cảm thấy an lạc và vừa lòng với bất kỳ hoàn cảnh nào.

5) Tâm thoát khỏi trạng thái ham muốn giác quan có thể hoàn toàn an chỉ nhất tâm bên trong, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ đối tượng nào bên ngoài.

Tuy nhiên, có nhiều mức độ và chủng loại tĩnh lặng khác nhau:

Về phương diện tính chất có ba loại tâm tĩnh lặng:

- Tĩnh lặng sát-na (Sát-na định): Đó là sự chú tâm nhanh hơn tia chớp vừa đủ để bắt kịp một đối tượng luôn biến đổi nhanh chóng. Loại định này sẵn có một cách tự nhiên nhưng khi thiếu chú tâm hoặc chú tâm thái quá thì nó biến mất. Nó chớp tắt như ánh sáng con đom đóm tương ứng với tiến trình sinh diệt của một hiện tượng. Tuy nó nhanh như chớp mắt nhưng vẫn có ưu điểm đặc thù của nó mà chúng ta không thể tìm thấy trong các loại tĩnh lặng khác.

- Tĩnh lặng tùy nghi (Tuỳ thời định): Đây là sự trầm tĩnh nhờ chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta cũng có thể gọi nó là sự bình lặng tại đây và bây giờ, vì trong khi làm một việc gì: ngồi, đi hay rửa mặt, tâm không lang thang nơi khác mà chỉ trọn vẹn với diễn trình của hành động. Loại định này thoạt nhìn dường như không kiên cố, nhưng thực ra đó mới chính là định vô ngại, cho dù hoàn cảnh nào.

- Tĩnh lặng nhất tâm (An chỉ định): Đây là trạng thái tập trung khi tâm xa lìa ngoại cảnh và an trú trên một đối tượng cố định duy nhất bên trong.

Trong thiền định, khi các yếu tố định chưa đủ vững chắc để tâm đạt được các bậc thiền cao hơn, nhưng đủ để nội tâm trầm tĩnh, ổn định, và an bình, thì trạng thái tâm này được gọi là cận định (upacāra samādhi), vẫn còn thuộc về tâm Dục Giới. Khi các yếu tố thiền định đã đủ vững chắc tâm có thể chứng đắc các bậc thiền Hữu Sắc và Vô Sắc, mới được gọi là an chỉ định.

Cận định lẫn an chỉ định đều phải tùy thuộc vào một số điều kiện. Nghĩa là phải có một đề mục nhất định, một phương pháp có kỷ thuật, một trú xứ yên tĩnh thích hợp, một sự cố gắng tập trung, một sự cách ly ngoại cảnh và phải trải qua một thời gian mới đạt được.

Định an chỉ mang lại nhiều hỷ lạc và có thể phát triển thần lực, tuy nhiên đó không phải là định đặc thù của Phật giáo, mà còn phổ thông trong các tôn giáo khác. Định này chỉ giới hạn trong phạm vi thiền hữu sắc và vô sắc, chưa hẳn là điều kiện tất yếu phát sinh trí tuệ, như được đề cập trong Bát Chánh Đạo. Ngược lại, nó có thể trở thành chướng ngại cho trí tuệ khi động cơ cố gắng rèn luyện là lòng khao khát mong cầu sở đắc an lạc và siêu năng. Điều này đưa đến hậu quả:

- Dính mắc trong khuôn mẫu, thời gian và sở đắc.

- Phát triển bản ngã, tự cao và ngã mạn.

- Tưởng mạnh trong định sẽ ngăn ngại trí tuệ tỉnh giác.

- Dễ phát sinh tà kiến: Trong 62 tà kiến phần lớn phát xuất từ những người đắc định sắc giới, vô sắc giới này.

Trong ba loại tâm tĩnh lặng này, tĩnh lặng sát-na, và tĩnh lặng tùy nghi không thể thiếu trong hành trình giác ngộ giải thoát. Đó mới chính là định năng sinh tuệ, trong Phật giáo. Còn định an chỉ trong thiền hữu sắc và vô sắc có thể chánh định, có thể tà định, nên không phải là điều kiện tất yếu cho sự giác ngộ.

Giống như người quen lái xe trên đường giao thông thưa thớt sẽ khó đi qua chỗ xe cộ đông đúc. Ngược lại tài xế quen lái xe ở chỗ giao thông đông đúc sẽ dễ dàng đi qua chỗ giao thông thưa vắng. Cũng vậy, hành giả định an chỉ khó thích nghi với hoàn cảnh động bên ngoài nên khó đạt được sự tĩnh lặng tùy nghi. Trong khi đó người có thể tùy nghi tĩnh lặng sẽ dễ dàng đạt được định an chỉ trong môi trường yên tĩnh. Như vậy, rõ ràng không phải định an chỉ mà là định tùy thời mới có khả năng hỗ trợ cho trí tuệ thấy rõ thực tánh của các pháp. Đó là lý do tại sao đức Phật không khuyến khích định an chỉ mặc dù tất cả pháp môn tu tập của Phật giáo đều thiết lập trên nền tảng giới-định-tuệ.

Tuy nhiên, với người tâm dễ tán loạn, dễ nóng giận, nhiều tham ái, hoặc quá lệ thuộc vào sở đắc tương lai thì tốt hơn nên thực tập những đề mục thiền định sau đây để phục hồi bản chất tự nhiên của sát-na định và tùy thời định:

- Đối với người tâm dễ bị tán loạn bởi sự hấp dẫn, sự quyến rủ, sự chi phối của ngoại cảnh hay thiếu tự tin thì đề mục niệm Phật có thể giúp họ giảm bớt thất niệm, vọng niệm, tạp niệm để tâm có thể an trú nhất niệm thanh tịnh, nhất niệm không phải là trạng thái định nhất tâm nhưng tốt hơn cả nhất tâm an chỉ, vì chỉ tạo không gian rỗng lặng cho mặt trời trí tuệ chiếu soi, chứ không bị vướng mắc trong yếu tố tưởng và nhất tâm quá mạnh của định an chỉ làm cản trở sự trong sáng của trí tuệ.

- Đối với người tâm dễ nóng giận bởi lo lắng, sợ hãi, bất bình, không nhẫn nại thì đề mục tâm từ có thể giúp họ ngăn ngừa sự bức xúc, nóng nảy, giận dữ để tâm được lắng dịu, hiền từ, mát mẻ. Với những đức tính này tâm dễ quán chiếu trong sáng và trung thực hơn.

- Đối với người tâm nhiều tham ái nhất là khoái cảm xác thân hay vật thực thì đề mục niệm bất tịnh có thể giúp giảm bớt sự dính mắc, ham mê, khao khát để tâm được dễ dàng buông xả, tự do và ổn định. Khi đã thoát khỏi tham ái, tâm liền phục hồi tính chất định tuệ sẵn có của nó một cách dễ dàng.

- Đối với người tâm quá lệ thuộc vào sở đắc tương lai, thường tu tập vì ước ao đạt được một trạng thái lý tưởng mai sau thì đề mục niệm sự chết sẽ giúp họ trở về đối mặt với thực tại và tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó.

*

Người có nội tâm tĩnh lặng gặt hái được rất nhiều lợi ích trong đời sống cũng như trong hành trình giác ngộ giải thoát:

- Sống an lạc trong hiện tại: đối với những người đang trú trong an chỉ định, tâm họ thoát khỏi các đối tượng giác quan, không bị ngoại cảnh quấy rầy và họ an hưởng được hương vị hỷ, lạc hoặcnhất tâm và trạng thái xả trong thiền định, được gọi là sống an lạc trong hiện tại. Những người đạt được tùy thời định không bị dính mắc trong quá khứ, hiện tai, vị lai nên họ cũng sống an nhiên trong hiện tại.

- Ở trong cảnh trần mà tâm không dao động: Những người đạt được tùy thời định có khả năng luôn trầm tĩnh không dao động trước mọi thăng trầm biến đổi của cuộc sống. Dù không cách ly các đối tượng giác quan họ vẫn không bị ngoại duyên chi phối.

- Có thể đạt được năng lực siêu nhiên: Theo định luật của tâm (citta niyāma) thì định càng kiên cố năng lực càng được phát huy. Hầu hết khả năng siêu nhiên của tâm đều phát xuất từ năng lực thiền định. Người có định tâm đến mức bất động có thể đạt được năng lực siêu nhiên, chẳng hạn như tàng hình, độn thổ, đi trên nước v.v…

- Làm nền tảng cho trí tuệ: Chức năng quan trọng nhất của tâm tĩnh lặng là tạo không gian rỗng rang cho trí tuệ toả sáng. Giống như mặt hồ tĩnh lặng thì cảch sắc mới hiện rõ, khi tâm ổn định rỗng rang thì trí tuệ tự nhiên soi chiếu rõ ràng. Trong lãnh vực này thì sát-na định và tuỳ thời định hỗ trợ cho trí tuệ tốt hơn an chỉ định.

- Khi lâm chung tâm bất loạn: Chết như thế nào và trong tình huống nào là do nghiệp quá khứ. Vì vậy không nên quan tâm làm sao để được chết trong điều kiện như ý, mà tốt nhất là khi chết tâm không loạn. Điều này quá dễ dàng cho những ai nội tâm tĩnh lặng trong sáng.

Viên Minh - Nguồn: Học Làm Giàu

Các tin tức khác

Back to top