Niềm tin trong kinh Kamala

26/12/2014 12:42
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, giải thoát nên lúc nào cũng phát khởi tấm lòng vô ngã vị tha với tinh thần từ bi và trí huệ. Trong suốt 49 năm hoằng dương chánh pháp đức Phật đem hết sự thấy biết của mình qua sự tu chứng trải nghiệm thực tế, nhằm thức tỉnh và giác ngộ giúp cho mọi người có hiểu biết chân chánh bằng niềm tin nơi chính mình và tin sâu nhân quả.

Kinh Kamala được Phật nói trong hoàn cảnh khi Ngài cùng các đệ tử đi đến thị trấn Kê-sa-pu-ta của sắc dân Ka-la-ma thuộc nước Kô-sa-la. Người dân trong thị trấn này rất muốn tu tập để chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Nhưng họ không biết ai là đạo sư chân chính vì có quá nhiều thầy đến đây để tuyên truyền thuyết phục, ai cũng cho giáo pháp của mình là đúng chân lý. Chính vì có quá nhiều đạo sư, làm dân chúng trong thị trấn này cảm thấy phân vân, cảm thấy lo lắng vì không biết ai là đạo sư chân chính để quy hướng và ứng dụng hành trì.

Đức Phật do nhân duyên này, thay vì trả lời trực tiếp sự thắc mắc của người dân, bằng sự thông minh và trí tuệ của chính mình Ngài hỏi các người dân ấy như sau:

Này các người dân KAMALA giết hại có từ bi hay không? Trộm cướp có từ bi hay không? Uống rượu say sưa có từ bi hay không? Tất cả người dân đều trả lời: Dạ thưa không kính bạch đức thế tôn. Đức Phật dạy, việc phân vân nghi ngờ khi chưa hiểu rõ là điều tất yếu, hợp lý khi nghe nhiều lời tuyên truyền thuyết giảng. Và trong trường hợp đó, mọi người không nên vội tin quan điểm nào, và cũng không bác bỏ quan điểm nào, khi mà mọi người chưa tìm hiểu đạo ấy một cách thấu đáo và triệt để.

Đây là lời dạy chân chính và thiết thực làm cho người dân KAMALA phải suy nghĩ, nghiệm xét một cách rõ ràng tường tận. Vì có những Phật tử, chỉ đọc các câu “chớ vội tin” của Kinh Kamala, mà đã quy kết, đã khởi kiến chấp trong đầu, cho là quan điểm của mình đúng, quay lại bác bỏ, phỉ báng các học thuyết khác. Đây là một điều rất tai hại có thể dẫn đến nhiều sai lầm đáng tiếc.

Ở đây chúng ta thấy đức Phật rất đổi từ bi và rộng lượng, không bắt buộc một ai tin theo mình mà chỉ khuyên nhũ mọi người không nên vội tin và cũng không nên bác bỏ? Chỉ khi nào những lời dạy đó ta đem áp dụng vào trong đời sống hằng ngày, mà cảm nhận được lợi lạc thật sự cho chính mình thì ta mới hoàn toàn tin theo.

Đức Phật dạy: khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này thiện lành tốt đẹp, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và về lâu, về dài thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.

Nếu khi học, khi đọc, khi nghe một học thuyết nào đó, điều quan trọng bậc nhất là chúng ta cần phải áp dụng thực hành. Khi chính mình thực hành và trải nghiệm theo giáo pháp đó, mình cảm thấy bình yên, hạnh phúc ngay trong hiện tại và về lâu về dài. Thì đó đúng là những lời dạy chân chính, chúng ta hãy nên có lòng tin tuyệt đối vào giáo pháp đó.

Trong thời gian gần đây, có một số người học Phật khởi lên tâm niệm chấp trước, thấy mình hay mình giỏi hơn người, ai theo tông chỉ Thiền thì phỉ báng Tịnh Độ, người theo Tịnh Độ thì chê bai Thiền, hoặc có nhiều luận thuyết bác bỏ lẫn nhau. Các quan điểm này đều sai lầm và cần phải loại trừ trong ngôi nhà Phật pháp.

Thật ra trong đạo Phật từ pháp phương tiện cho đến pháp cứu cánh, tất cả đều phải thiền và thiền có hai loại là thiền chỉ và thiền quán. Pháp nào chỉ dạy nương vào một chỗ gọi là thiền chỉ như niệm Phật, niệm hơi thở chẳng hạn. Còn dùng nhận thức để quán chiếu thân thọ tâm pháp cho đến ngoại cảnh bên ngoài đều gọi chung là thiền quán. Hai pháp này hổ tương cho nhau nhờ chỉ nên được định, do đó phải dùng quán để phát sinh trí tuệ mà buông xả phiền não tham sân si. Khi hai phương pháp này đã thuần thục rồi thì mỗi hành giả phải trở về trung đạo không dùng chỉ quán nữa mà thể nhập Phật tính ngay nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý. Phương tiện của mỗi pháp tu có khác, ai thích hợp với pháp nào thì pháp đó là số một.

Ví dụ như có người cảm thấy niệm Phật giúp cho họ an lạc, thì đó là chánh pháp đối với họ, ta không được chê bai, chỉ trích. Nhưng trì danh niệm Phật là phương tiện ban đầu muốn được nhất tâm bất loạn như trong kinh A di Đà nói thì chúng ta phải nhớ Phật tức phải buông xả câu niệm Phật để thể nhập tâm hằng biết của mình. Có người nhận thấy tu thiền giúp họ yên vui, hạnh phúc ta không nên phỉ báng họ, vì đó là gốc của đạo Phật. Thiền là nền tảng căn bản cho mỗi hành giả tu theo đạo Phật, không có thiền tức không phải đạo Phật quý Phật tử phải nên nhớ như vậy.

Ngày xưa Tôn giả A-nan trên đường đi giáo hoá cùng đức Phật, gặp hai người đệ tử phát tâm theo Ngài học Phật. Một người là thợ rèn Tôn giả chỉ pháp tu quán bất tịnh, một người giữ nghĩa địa, Tôn giả dạy pháp tu quán hơi thở. Hai ông tu hoài nhưng không tiến, vì không buông xả được phiền não nên mới than: Sao thầy dạy con tu không tiến chút nào hết! Nghe vậy Ngài liền hỏi Phật chỉ dạy.

Phật bảo: Tại ông dạy sai vì không phù hợp với căn cơ việc làm của họ chớ không phải tại họ tu sai. Ông phải dạy lại đi, người thợ rèn nên dạy quán hơi thở, vì họ thổi ống bễ phì phịch hoài, quán hơi thở sẽ nhịp nhàng với công việc, tu như thế mau tiến hơn. Người giữ nghĩa địa thường thấy xác chết, nên dạy họ quán bất tịnh thì sẽ có kết quả liền. Ngài nghe lời dạy của Thế Tôn, đem dạy lại hai vị đệ tử của mình. Quả nhiên, chẳng bao lâu cả hai tu đều có kết quả tốt đẹp nên họ càng có niềm tin vững chắc với Phật pháp hơn.

Qua câu chuyện trên, cả hai pháp quán bất tịnh và quán hơi thở đều do Phật dạy. Nhưng đối với người thợ rèn, thì quán bất tịnh không phù hợp với căn cơ việc làm của họ hiện tại, nên dù có cố gắng tu cũng không đem lại an lạc. Đối với người canh nghĩa địa, thường xuyên tiếp xúc với nhiều xác chết nếu chỉ dạy quán hơi thở cũng không thích hợp, vì khi thực hành, người đó bị loạn tâm.

Trở lại Kinh Kamala, đức Phật có nói những dấu hiệu của sự hạnh phúc, đó là khi lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng… đã được vứt khỏi nội tâm con người, thì con người sẽ được hạnh phúc. Vì khi họ không còn lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng chi phối, chinh phục, họ sẽ không khởi lên ý nghĩ hay hành động bức hại sinh linh, lấy của không cho, quan hệ tình cảm bất chính, nói láo, uống rượu, cũng như họ không còn khích lệ người khác làm những điều xấu ác trên. Như Lai tuyên bố sự xa rời ấy giúp cho con người sống hạnh phúc và an lạc về lâu về dài.

Như vậy, pháp môn nào hướng bản thân của chính mình đến bình yên hạnh phúc, thì đó là chánh pháp cho mình. Nhưng pháp môn đó chưa hẳn đã là chánh pháp cho người khác. Vì thế việc thận trọng trong quá trình giảng dạy và truyền dạy pháp cần phải được phù hợp với căn cơ của mọi người. Người dạy pháp trước tiên tâm phải định tĩnh, yên vui, và tỉnh thức, rõ biết được tâm lý của người khác thì mới được giảng pháp. Nếu không rõ được điều này, thì việc mình tự tu, mình tự chứng, dùng mình làm trung tâm quán sát sự yên vui, sự hạnh phúc trong nội tâm là điều tối cần thiết. Không nên xem xét lỗi người mà tự làm tổn hại tâm mình.

Tóm lại, khi nghe ai nói hay truyền đạt một điều gì ta phải biết cân nhắc, xem xét, chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, lợi ích cho mình và người khác rồi hãy đem lòng tin tưởng và làm theo. Đó là tiêu chuẩn của đức tin chân chánh, chúng ta nên học hỏi và bắt chước làm theo.

 

Trích "Lòng tin của người Phật tử" - Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top