Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành (Trường A-hàm số 6) và kinh Luân Chuyển Luân Thánh Vương (Trường Bộ kinh III, ĐTK Việt Nam) cho thấy rằng nhà vua dùng Chánh pháp trị dân tạo nên hòa bình, thịnh trị, an lạc, hùng cường; là điều kiện để phát triển mạnh cả về quốc phòng, an ninh, về tổ chức kinh tế, tài chính, và cả về văn hóa, xã hội, đạo đức…
Thế nào là trị dân theo pháp? Đức Phật dạy:
“Nhà vua phải y theo Chánh pháp, trọng pháp, kính pháp, suy nghĩ về pháp, tôn vinh pháp, ca tụng pháp, dựng phướn pháp, cờ pháp, y vào pháp mà bảo hộ các thể nữ, quần thần,quân nhân Sát-đế-lợi, cưsĩ, làngxóm, thànhthị, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến chim chóc, thú vật, cây rừng”. Trong Nikaya Jataka (Kinh Bổn sanh) I, II, III và V, Đức Phật có nhắc đến 10 đức tính (tức 10 bổn phận) của một vị vua như sau:
- Quảng đại, từ ái;
- Giữ gìn giới đức: không giết hại, không bóc lột, không cướp của, không gian dâm, không dối trá, không rượu chè;
- Vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hi sinh lợi lạc, danh vọng và cuộc đời mình vì nhân dân;
- Liêm chính, thành thực, thể hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình;
- Dịu dàng, hòa ái;
- Nghiêm chỉnh, đúng đắn, sống giản dị, không xa hoa, biết chế ngự mình;
- Không ganh ghét, thù hận;
- Không sử dụng bạo lực;
- Vị tha, kiên nhẫn, thông cảm với người;
- Không khắc nghiệt, hòa hợp với nhân dân.
Người lãnh đạo phải là gương mẫu; mà điều đòi hỏi cao nhất là đức. Đức mới là cái gốc; tất nhiên phải kèm theo cái tài phụ cho cái đức ấy. Theo Sớ giải kinh Pháp Cú (Dhammapadatthakathà), ngài Buddhaghosa ghi nhận rằng Đức Phật có lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhân đạo. Đức Thế Tôn chỉ ra rằng cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công. Muốn cho xứ sở được thanh bình thạnh trị thì những người cầm quyền phải công minh, chánh trực. Với trí tuệ và lòng từ vô hạn, Đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, Ngài thường khuyên họ phải trau dồi tư đức. Người đời sau cũng kế thừa lời dạy ấy và nhấn mạnh rằng “Tôn trọng Chánh pháp là tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống và tôn trọng giá trị con người” (HT.Thích Minh Châu). Con thuyền đất nước đang đi lên, vượt qua vòng xoáy. Các nhà lãnh đạo phải luôn nhớ rằng bến bờ của nó là sự phát triển kinh tế và xã hội, luôn hướng về hạnh phúc toàn dân với tính cách là những người chủ thực sự của đất nước. Từ nhìn nhận vấn đề đến hành động thực tế luôn là một khoảng cách, nhưng vượt qua khoảng cách ấy nhanh hay chậm là trách nhiệm của mỗi người đang có mặt trên con thuyền, với sự quyết tâm cao nhất là từ phía những người lãnh đạo, những ai thực lòng muốn xây dựng một đất nước an bình, thịnh trị và… trong sạch.
Theo Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
Các tin tức khác
- Thiền định mang lại nhiều kết quả thật sâu rộng (17/01/2015 1:45)
- Nước mắt nhiều hơn nước sông hằng (17/01/2015 1:41)
- Học từ cuộc sống (17/01/2015 1:22)
- Da trong xương (16/01/2015 2:01)
- Thường nghe như chưa nghe, thường thấy khi chưa thấy (16/01/2015 1:53)
- Trừ bỏ dục vọng (16/01/2015 1:25)
- Học đạo kiến tánh là khó (15/01/2015 12:49)
- Đừng nói lời thị phi, đừng để thị phi làm phiền não (15/01/2015 12:35)
- Tự tại khi biết vô thường (14/01/2015 1:13)
- Thiền hơi thở (14/01/2015 1:04)