Học đạo kiến tánh là khó

15/01/2015 12:49
Quan niệm về cái khó ở điều 17 này bao gồm hai phạm trù học đạo, kiến tánh là khó

Học đạo là khó vì phải đi ngược lại dòng đời, người đời tham thì ta không tham, người đời dính mắc luyến ái vào gia đình vợ con còn ta thì phải vượt lên trên đời sống gia đình ràng buộc đó.     

Dòng Thiền Bắc tông được truyền từ Tổ Ca Diếp là sơ tổ Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma đến tổ Huệ Năng cũng là tổ cuối cùng của dòng thiền Ấn Hoa với chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.     

Yếu chỉ của lập trường Thiền tông vốn đi thẳng vào tâm để tu hành, chuyển hoá các vọng niệm đã ăn sâu vào tàng thức của chúng ta. Cho nên trước khi tu pháp này nó đòi hỏi mỗi hành giả phải học rộng hiểu nhiều, để biết rõ lời Phật dạy mà đạt tới đỉnh cao giác ngộ, giải thoát và thành Phật.     

Do đó, bất lập văn tự là không dính mắc vào văn tự chữ nghĩa chấp vào từng chữ trong kinh, cho nên có câu: Y kinh giải nghĩa là oan cho chư Phật ba đời, lìa kinh một chữ tức đồng ma nói. Mặc dù, trên chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, nhưng để kiến tánh, mỗi thiền sinh vẫn dùng phương tiện thiện xão để thể nhập. Một trong các cửa ngõ phương tiện trước tiên đó là học đạo. Học đạo có nghĩa là xem nghe lời Phật tổ dạy, và dùng trí tuệ bát nhã để thể nhập tự tánh bằng cách tu tâm.    

Thiền sư Sùng Tín con nhà bán bánh bao gần chùa, vì tín tâm Tam bảo nên mỗi ngày ông đem mười cái vào chùa cúng dường, mỗi lần cúng dường như vậy, thiền sư Đạo Ngộ cho lại ông một cái để đem về, mà không nói lý do. Ông ta tức quá mới hỏi thiền sư sao lại như thế, nhưng thiền sư chỉ mĩm cười và nói rằng, ta cho lại ông có lỗi gì!    

Một hôm ông quyết tâm hỏi cho ra lẽ thật. Thiền sư bảo, ông xuất gia đi ta sẽ chỉ tâm yếu cho. Sùng Tín nghe lời xin xuất gia, trải qua ba năm như thế mà ông thầy chẳng thèm chỉ dạy điều gì! Làm cho Sùng Tín tức tối, bực bội quá trong lòng cảm thấy bất an nghĩ rằng ông thầy lừa dối mình.    

Thiền sư để cho tâm nghi vấn của ông lên đến tột độ, một hôm chịu hết nỗi ông bèn hỏi sư phụ hứa chỉ tâm yếu cho con mà mấy năm nay không thèm nói một lời.     

Đạo Ngộ bảo: Từ ngày ngươi vào đây, ta đã từng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi rồi.     

Hoà thượng chỉ dạy hồi nào?     

Ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi đem cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ta vì ngươi gật đầu. Ta đã chỉ cho ngươi tâm yếu mỗi ngày tại ngươi chẳng chịu tiếp nhận mà thôi.     

Ngay khi đó, sư cúi đầu lặng thinh giây lâu.     

Đạo Ngộ bảo: Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.     

Ngay câu nói này sư nhận ra tâm yếu.     

Tâm yếu trong nhà thiền chỉ dạy rất đơn giản, ngay nơi mặc áo, ăn cơm, đi tiểu, đi đại là tâm yếu rồi đó! Chẳng phải tìm cầu đâu xa. Bây giờ chúng tôi hỏi quý vị nè, ai biết mặc áo, ai biết ăn cơm, ai biết đi tiểu, ai biết đi đại. Cái này có ai làm thế cho ta được hay không? Ngoài trừ ta bị liệt và mất tự chủ.      

Chiêu thuật của thiền sư là dồn người đệ tử vào một nghi vấn và thắc mắc suốt mấy năm liền, từ khi còn làm cư sĩ cho đến khi xuất gia. Nếu người không có ý chí thì bỏ mặc nhưng vì thiết tha học đạo, cho nên cuối cùng nhận ra đạo lý chân thật không ngoài nơi thân này. Chính vì vậy học đạo, kiến tánh là khó.

 

Trích Phật Dạy 20 Điều Khó - Thích Đạt Ma Phổ Giác

 

Các tin tức khác

Back to top