Lẽ đương nhiên

13/03/2015 1:24
Những sự phải trái tốt xấu trong đời, có cái là đương nhiên nhưng có cái không phải đương nhiên; Điều đương nhiên thì không cần đem ra bàn luận. Bằng ngược lại, nếu không phải là điều đương nhiên, sẽ bị bẻ gãy, hoặc oán trách, hờn giận, khiến cho tâm trí không được an nhiên, tự tại.

Thuận cảnh, đương nhiên là tốt đẹp; nhưng nếu là nghịch cảnh, thì đương nhiên là không dễ dàng như ý muốn. Thế nhưng, nếu chúng ta thấu hiểu được điều mà gọi là “nghịch đến, thuận nhận”. Đem điều không đương nhiên đó, xem nó như là đương nhiên, thì mọi sự đều trở thành xuôi buồm thuận gió, vui tươi, hạnh phúc vô hạn.

Trong thế giới tự nhiên, mưa thuận, gió hòa, làm cho vạn vật sanh trưởng; sương tuyết làm cho vạn vật tươi nhuận. Trong quá trình cuộc sống của đời người, cha mẹ quản giáo con cái vạn nghiêm là điều đương nhiên thôi, bởi vì cha mẹ muốn con cái mình trở nên người tốt lành, có tương lai tươi sáng. Thầy cô giáo huấn, nghiêm khắc ép buộc học sinh dụng công học tập là điều đương nhiên, bởi vì thầy cô giáo mong muốn giúp học sinh có được thành tích tốt. Giữa các bạn đồng học có sự cạnh tranh cũng là điều đương nhiên thôi, bởi vì có cạnh tranh mới có sự tiến bộ. Cuộc đời thế thái nhân tình cũng là đương nhiên thôi, bởi vì thế nhân mong muốn bạn phát huy cuộc sống đủ tình, trọn nghĩa. Quân đội đòi hỏi người quân nhân phải nghiêm minh tuân thủ kỷ luật, luyện tập muôn phần nghiêm khắc dụng công là đương nhiên, bởi vì trên chiến trường không thể có một phân hào sai xuất. Ông chủ yêu cầu bạn làm thêm công việc, đó cũng là điều đương nhiên, bởi vì có tăng năng suất, mới có được thu hoạch lợi ích lớn.

Con cái đòi hỏi cha mẹ sự giáo dưỡng, học hành, thì cũng là điều đương nhiên, bởi vì giáo dưỡng là trách nhiệm của cha mẹ. Người bạn nghèo thường đến vay mượn, cần cầu sự giúp đỡ của bạn thì cũng là điều đương nhiên thôi, bởi vì anh ta nghèo khó mới mong cầu bạn hợp lực giúp đỡ phần khốn khó đè nặng trên vai.

Vì vậy, trong cuộc sống, nếu chúng ta biết khéo chuyển hóa cái nhìn tầm thường nông cạn, thành cái nhìn quảng đại; nghĩa là đem những điều không đương nhiên, hoán chuyển nhìn thành điều đương nhiên, thì rất tự nhiên, bạn sẽ cảm nhận được tâm bình, khí hòa, không hề có sự oán trách, giận hờn. Từ đó mới rõ tiết xuân ấm áp, khiến cây lá đâm chồi nảy nụ khai hoa. Tiết hạ nóng nực; tiết thu mát mẻ; tiết đông tuyết rơi lạnh lẽo, cô tịch... tất cả đều là lẽ đương nhiên.

Người bạn kia giàu có bởi vì họ biết cần cù, kiệm ước cho nên họ giàu có là đương nhiên. Người bạn nọ phát đạt nhanh chóng, đó là nhân duyên phước đức của anh ta. Hơn nữa, trong cuộc sống anh ta biết quảng kết thiện duyên, đương nhiên anh ta sẽ thành tựu được vinh quang hiển đạt. Người nhà hàng xóm lân cận an lạc, hòa thuận, đó cũng là điều đương nhiên, bởi họ có sự giáo dục, tu dưỡng tốt. Người bạn nọ được thăng quan tiến chức, nhận lãnh bỗng lộc, thì đó cũng là điều đương nhiên, bởi vì họ có đủ điều kiện tốt, kết hợp cùng thời vận.

Trong cuộc sống thọ nhận sự khổ khó thì cũng là điều đương nhiên, bởi vì cuộc sống nếu không trải qua sự ngậm đắng nuốt cay, nằm gai nếm mật, thì làm sao thành bậc thượng nhân? Gặp phải khó khăn thì cũng là điều đương nhiên thôi, bởi vì cuộc đời nếu không từng đi qua đoạn đường giá rét buốt xương, thì làm sao có được ngày hoa mai nở rộ, tỏ ngát hương thơm? Thọ nhận sự đổi trắng thay đen, hoặc bị người khinh khi, chán ghét... thì cũng là điều đương nhiên thôi. Suy cho cùng, nghĩ cho tận thì trong sự “đương nhiên” ấy. Có biết bao là hương vị kỳ mỹ, thành tựu công đức. Trong “Phật Quang Bổ Thần Ngôn” có câu:“Trong biển người chìm nổi, thọ khổ, thọ nạn là điều đương nhiên, chỉ cần tùy hỉ, tùy duyên là có thể tìm ra được thông lộ. Trên cuộc sống thế gian, cho người sự an vui là điều cần đương nhiên; chỉ cần thấu rõ việc cần làm, và nên làm tất sẽ thành tựu được khả năng cống hiến."

Cuộc sống ở đời, chỉ cần bạn hiểu được mình và người, đem những điều không đương nhiên biến thành điều đương nhiên, thì có vấn đề gì là không thể giải quyết?

Trích NẤC THANG CUỘC ĐỜI - Nguyên tác: Đại Sư Tinh Vân
Việt dịch: Thích Nữ Huệ Phúc - Nhà Xuất Bản Văn Hóa Phật Quang 2005

Các tin tức khác

Back to top