Chúng ta cần tình thương

3/04/2015 11:42
Dù chúng ta có nhận thức được hay không về cần tình thương, thì nhu cầu tình thương đã nằm sẵn trong dòng máu của chúng ta ngay từ buổi ban đầu. Người lớn và trẻ em đều cần đến tình thương, cho dù tình thương đó được mang đến từ một con vật, hay từ một người mà ta xem như là thù địch.

Lý do tại sao tình thương và lòng từ bi được xem như là điều hạnh phúc nhất, bởi vì trong tâm khảm mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu. Tình thương rất cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Đó là mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc giữa con người. Không cần biết là người đó có khả năng như thế nào, và cho dù người đó có giỏi đến đâu đi nữa, người đó cũng không thể sống sót nếu chỉ có một mình. Một người có thể khoẻ mạnh, tráng kiện đến mức tối đa trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng một khi ngã bệnh hay lúc quá nhỏ, hoặc quá già, ta vẫn phải cần sự giúp đỡ của những người chung quanh.

Sự liên hệ phụ thuộc lẫn nhau là điều căn bản của luật tạo hoá. Không phải chỉ có loài người, kể cả những côn trùng nhỏ bé nhất, không có tôn giáo, hay luật lệ, chúng vẫn phải nương tựa vào nhau để mà được sống còn. Cả đến hiện tượng vật chất nhỏ bé nhất cũng phải bị chi phối bởi luật “phụ thuộc lẫn nhau” (interdependence).

Những hiện tượng trên trái đất như: mây, biển, rừng, hoa lá cũng được cấu tạo bởi những năng lượng phụ thuộc lẫn nhau. Không có những năng lượng này, thì chúng tan hoại ngay.

Bởi vì đời sống của con người là phụ thuộc lẫn nhau, cho nên đây là một điều tự nhiên khi ai ai cũng cần tình thương. Vì vậy chúng ta cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc đem lại an vui cho mọi người.

Nên hiểu rằng, những thiếu thốn hay đau khổ của con người là thuộc về phần tinh thần, chúng không thể giải quyết được bằng máy móc tinh vi, vì vậy, thật là một điều sai lầm khi ta tìm kiếm hạnh phúc bằng những thứ bên ngoài.

Chúng ta nên nhìn lại để tìm kiếm cho đúng thứ mà ta cần cho hạnh phúc.

Nếu bỏ qua câu hỏi rắc rối về tạo hoá và sự tiến triển của vũ trụ, ít ra chúng ta cũng đồng ý rằng, mỗi chúng ta là sản phẩm của cha mẹ. Thông thường, mỗi chúng ta có mặt nơi đây là vì cha mẹ chúng ta muốn nuôi dưỡng một đứa con cho đến lúc trưởng thành và có thể tự lập. Vì vậy, ngay từ phút đầu thọ thai, tình thương của cha mẹ dành cho chúng ta bắt nguồn từ lúc đó.

Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn nương tựa vào sự săn sóc của mẹ chúng ta ngay từ lúc ban đầu. Theo các khoa học gia, tinh thần của người mẹ trong lúc mang thai có ảnh hưởng rất nhiều đến đứa trẻ trong bụng.

Sự thể hiện tình thương cũng rất quan trọng lúc đứa trẻ ra đời. Ngay từ buổi đầu, việc đầu tiên chúng ta làm là tìm vú mẹ, chúng ta tự nhiên thấy gần với mẹ, và mẹ chúng ta phải cảm nhận được tình thương đó bà mới có thể lo bú mớm cho chúng ta một cách tốt đẹp; nếu bà cảm thấy tức giận hay bực tức thì sữa sẽ chảy không đều.

Kế đến là lúc khoảng 3, 4 tuổi, đây là khoảng thời gian rất quan trọng cho việc phát triển bộ óc; trong lúc này, sự gần gũi săn sóc rất cần cho sự phát triển bình thường của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ không được ôm vào lòng, không được trìu mến thương yêu thì sự phát triển của bộ óc đứa trẻ sẽ bị hư hao hoặc khiếm khuyết.

Đứa trẻ không thể sống sót nếu không có sự chăm nom của người khác, vì vậy tình thương là món ăn cần thiết để nuôi dưỡng trẻ. Hạnh phúc của tuổi ấu thơ đều nhờ vào tình thương, và nhờ có tình thương mà đứa trẻ dẹp được những nỗi lo sợ và trưởng thành một cách lành mạnh.

Hiện tại có bao đứa trẻ lớn lên trong những gia đình không hạnh phúc. Nếu chúng không được thương yêu trọn vẹn, về sau, chúng ít khi nào thương được bố mẹ chúng, và thông thường, những đứa trẻ này không hiểu được thế nào là thương người khác. Thật là điều đáng buồn!

Khi đứa trẻ lớn lên và đến trường, chúng cần sự nâng đỡ nơi thầy cô. Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị cho đứa trẻ bước vào đời. Học sinh phải cảm nhận được sự tin cậy, và phải biết kính trọng. Những gì chúng học được nơi thầy cô sẽ là một dấu ấn khó phai.

Ngược lại, nếu thầy cô chỉ lo dạy về môn học mà không để ý gì đến tánh tình, hạnh kiểm của học sinh thì thầy cô đó khó có thể dạy học lâu dài, họ chỉ có thể dạy trong một thời gian ngắn thôi.

Cũng như khi một người bệnh, gặp bác sĩ tận tâm, niềm nở, nhất là sự mong muốn họ mau khỏi bệnh, nhờ vậy họ cảm thấy thoải mái với sự ân cần của bác sĩ, người này sẽ dễ dàng khỏi bệnh. Ngược lại, nếu bác sĩ giỏi nhưng không tận tâm, không ân cần, niềm nở, dù thuốc hay, nhưng vì bệnh nhân không thoải mái nên việc lành bệnh cũng không mau chóng.

Kể cả khi chúng ta nói chuyện thường ngày, nếu có người nói chuyện ân ần, thân mật, thì tức khắc chúng ta cảm thấy muốn nghe, và muốn tiếp chuyện; câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn, cho dù đề tài không hay. Ngược lại, nếu một người nói chuyện lạnh nhạt hay trả lời nhát gừng, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và muốn mau mau kết thúc câu chuyện. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn, hạnh phúc của chúng ta tuỳ thuộc vào tình cảm và sự quan tâm của người chung quanh.

Vừa rồi, tôi có gặp những khoa học gia ở Mỹ, họ bảo là mức độ về bệnh tâm thần ở đất nước họ đã tăng khoảng 12% trong dân số. Trong buổi bàn cãi, chúng tôi nhận ra rằng bệnh tâm thần không phải do thiếu thốn vật chất mà ra, mà lý do chính là vì thiếu tình thương, thiếu tình thân ái giữa con người với con người.

Qua những gì tôi nói trên đây, một điều chắc chắn rõ ràng là: cho dù chúng ta có nhận thức được hay không về điều này, nhu cầu tình thương đã nằm sẵn trong huyết quản của chúng ta ngay từ buổi ban đầu. Người lớn và trẻ em đều cần đến tình thương, cho dù tình thương đó được mang đến từ một con vật, hay từ một người bình thường, thậm chí ta vẫn xem như là thù địch.

Tôi tin rằng, không một ai sinh ra mà không cần tình thương. Một số trường phái triết học cũng đã công nhận rằng, con người không phải chỉ thuần là thể xác, mà tinh thần có vai trò chủ động trong việc cảm nhận được cái đẹp, cái quý giá, làm cho chúng ta có thể thương yêu.

Chuyển ngữ: Mỹ Thanh

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 13

Các tin tức khác

Back to top