Biết vô thường, quý tiếc thời gian, tinh tiến tu hành

4/05/2015 4:20
Phật nói vô thường không phải khiến người buông xuôi chán đời, ngồi chờ chết. Người nghiên cứu đạo Phật một mặt, đôi khi hiểu lầm đạo Phật là bi quan tiêu cực là chưa hiểu hết đạo Phật. Ở đây, người học đạo, thấu rõ thế gian vô thường, một ngày qua là không tìm lại được, hôm nay ngồi đây, ngày mai chưa chẵc còn ngồi thế này; nhân duyên tốt lành hôm nay gặp được đâu dễ gặp lại lần thứ hai? Người xưa có câu:”Không thẻ tắm hai lần trong một dòng sông”, thì tại sao mình lại phung phí thời gian vô ích ?

Hôm nay còn khỏe mạnh, ngày mai đâu chắc được? Hoặc bệnh hoạn, suy yếu, tinh thần sẽ yếu đi, việc muốn làm cũng không làm được. Rồi bất chợt nhắm mát ra đi, lấy gì bảo đảm để ra đi an ổn? Tổ Qui Sơn Linh Hựu đã nhắc trong bài Cảnh Sách:”Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng?”. nghĩa là,” đường mờ mờ mịt mịt chẳng biết đi về đâu?”. Thật là đau đớn! Thật là hoang mang! Do đó, mỗi người phải tận dụng hết thời gian quý báu đang có để học, để tu, để hành, tạo công đức lành giúp cho mình có được ít nhiều quả lành cho ngày ra đi.

Khóa lễ buổi chiều trong chùa thường có bài kệ nhắc nhở tu hành:

Thị nhật dĩ quá

Mạng diệc tùy giảm

Như thiểu thủy ngư

Tư hữu hà lạc?

Đại chúng!

Đương cần tinh tấn

Như cứu đầu nhiên

Thận vật phóng dật!

***

Ngày nay lại đã qua rồi

Mạng căn huyết mạch lần hồi kho khao

Dường như cá cạn ở ao

Khổ thêm thì có, chút nào vui đâu ?

Cần tu tợ lửa cháy đầu

Đừng cho sái buổi như chầu đề vương

Thân này mỏng mỏng mảnh không thường

Sớm còn tối mất lo phương cứu mình

Đó là chư Tổ nhắc nhở người tu, mỗi khi chiều đến, là một ngày đã trôi qua, tức mạng sống của mình cũng theo đó mà rút ngắn dần, trong khi đó công phu tu hành của mình thì sao? Có tiến được gì chưa? Phải tâm tâm niệm niệm ghi khắc thống thiết, khẩn cấp công phu không dám bê trễ, biếng lười, giống như lửa rớt trên đầu, phải phủi ngay không cho chần chờ, hẹn hò, lần lựa.

Thiền sư Y Am Quyền mỗi khi chiều xuống liền tự rơi nước mắt than:”Ngày hôm nay lại cũng chỉ thế ấy trôi qua suông, chưa biết ngày mai công phu của ta sẽ thế nào?”.

Người xưa cũng có câu:"Lúc hoàng hôn xuống chớ tự hào cho ngày mai bạn sẽ thức dậy như thường lệ!".

Rõ lý vô thường càng thấy thời gian chúng ta hiện có mặt ở đây rất là quý báu, do đó phải biết quý tiếc nó, phải sống cho xứng đáng không để phung phí thời gian trôi qua suông, sau ăn năn không kịp.

Ở Nhật Bản có câu chuyện Ngài Thân Loan đi xuất gia rất hay. Lúc lên 9 tuổi, Sư quyết tâm xuất gia, đến cầu Hòa thượng Từ Trấn cạo tóc. Từ Trấn hỏi:

- Con còn nhỏ tuổi thế này, vì sao muốn xuất gia?

Thân Loan đáp:

- Tuy con mới 9 tuổi mà cha mẹ đã mất hết, con chẳng hiểu”Vì sao con người quyết phải chết? Vì sao nhất định phải chia lìa cha mẹ?”, do đó mà tìm cho thấu đạo lý này nên con nhất định muốn xuất gia.

Ngài Từ Trấn rất tán thành chí nguyện của Sư, bảo:

- Tốt, ta đã tỏ rõ rồi! Ta đồng ý thâu con làm đệ tử, nhưng mà hôm nay tối quá rồi, đợi sáng sớm mai ta sẽ cạo tóc cho con.

Thân Loan nghe xong, chẳng bằng lòng, bèn thưa:

- Bạch Thầy! Dù rằng thầy bảo sáng sớm ngày mai cạo tóc cho con, nhưng conthật là tuổi nhỏ không hiểu biết, chẳng thể bảo đảm quyết tâm xuất gia của chính mình có thể kéo dài đến sáng mai chăng? Hơn nữa, bạch thấy! Thầy tuổi đã cao, thầy cũng chẳng thể bảo đảm sáng mai khi dậy khỏi giường là còn sống chăng?

Ngài Từ Trấn nghe xong, vỗ tay khen ngợi và rất hoan hỷ bảo:

- Đúng! Lời con nói hoàn toàn không sai. Ta cạo tóc cho con liền đây vậy. (Tinh Vân Thiền Thoại)

Câu chuyện nhắc nhở cho người phải biết sự vô thường luôn ở sẵn bên mình, nên rất phải quý tiếc hiện tại, sống đúng ý nghĩa. Đó là một tiếng trống thúc giục người tiến tới, vươn lên, không phải buông xuôi tiêu cực.

 

Trích Dụng Lý Vô Thường Vào Cuộc Sống - TT. Thích Thông Phương (Thường Chiếu)

Các tin tức khác

Back to top