Thư đáp Huỳnh Bá Thành

29/04/2015 12:33
Người học Đạo ứng dụng hàng ngày, cảnh không thì dễ mà tâm không thì khó.

Nếu cảnh không mà tâm chẳng không thì tâm bị cảnh lôi kéo. Nếu tâm không thì cảnh tự không. Nếu tâm đã không mà còn muốn khởi niệm thứ hai để không cái cảnh, ấy là tâm này chưa không, lại bị cảnh đoạt. Nếu bệnh này chẳng trừ thì sanh tử không lý nào thoát ly được.

Như Bàng Uẩn trình kệ Mã Tổ rằng:

Mười phương đồng tụ hội.
Mỗi mỗi học vô vi.
Đây là nơi tuyển Phật.
“Tâm không” thi đậu về.

Tâm này đã không rồi thì ngoài tâm đâu còn vật gì để cần không nữa! Suy nghĩ kỹ đi.

Thư đáp phần 2

Cổ đức nói:

Tìm trâu theo dấu tích.
Học Đạo phải vô tâm.
Dấu còn thì trâu còn.
Vô tâm Đạo dễ tìm.

Nói Vô tâm chẳng phải như gỗ đá vô tri, ấy chỉ là gặp duyên thấy cảnh, tâm đều chẳng lay động. Đối với các pháp chẳng chấp thật, tất cả nơi trong sạch vô chướng ngại, chẳng chỗ ô nhiễm cũng không trụ nơi chẳng ô nhiễm. Quán xét thân tâm như mộng, như huyễn cũng không trụ nơi cảnh hư vô mộng huyễn. Đến được cảnh giới này mới gọi là Chân vô tâm, chẳng phải cái Vô tâm của miệng nói. Nếu chưa được Chân vô tâm, chỉ căn cứ theo lời nói thì so với tà thiền Mặc chiếu đâu có khác gì!

Hễ được gốc, chớ lo ngọn. Tẩy sạch được tâm này là gốc, đã được gốc thì mọi mọi ngôn ngữ, mỗi mỗi trí tuệ hàng ngày tùy duyên tiếp vật. Thất điên bát đảo, hoặc giận hoặc vui, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thuận hoặc nghịch, đều là ngọn vậy. Nếu ở nơi tùy duyên được tự giữ Bản giác thì chẳng thiếu chẳng dư.

Trích Đại Huệ Ngữ Lục

Các tin tức khác

Back to top