1/ Ít ham muốn, luôn biết đủ
Trong cuộc sống, chúng ta nên thành thật nhìn lại để biết mình là ai, khả năng đang ở mức nào. Nhận rõ như thế sẽ biết đủ, biết bằng lòng với những gì đang có và phấn đấu trong khả năng thực tế của mình, không mong cầu hay ảo tưởng một cách thái quá. Người biết đủ thì nằm dưới đất cũng cảm thấy an ổn, hạnh phúc. Nếu luôn tham cầu, ảo tưởng thì có nằm trên trời thì cũng đêm ngày lo lắng, bất an.
Hôm nay ai đó biếu mình một món quà, chúng ta tôn trọng nhưng không phải là quan trọng. Hôm sau họ đòi lại, hay nhỡ mất đi, mình vẫn bình thường. Có và không có giống nhau. Bởi xưa nay không có nó mình cũng không chết bao giờ. Bất cứ một thứ gì thiếu nó mà không chết thì chúng ta không quan trọng, không cần. Trong cuộc sống, chúng ta có quyền phấn đấu tốt nhất có thể, nhưng không nên đặt mọi thứ vào nơi quá quan trọng. Sáng suốt, mạnh mẽ, dứt khoát, bản lĩnh để sống được như thế thì không có bất cứ một thứ gì bên ngoài có thể mê hoặc làm khổ mình được, sẽ trả lại tự chủ chính thật là mình.
2/ Nhận ra giá trị chân thật chính mình là lớn hơn tất cả
Cái khổ lớn nhất của con người là do không chiến thắng được bản thân, đánh mất chính mình, lệ thuộc mọi thứ bên ngoài. Muốn thắng được mình, không còn bị mọi thứ bên ngoài chi phối, chúng ta cần nhận ra một chân giá trị lớn hơn những thứ chung quanh đang có. Có thế mới làm chủ được ngoại cảnh, mới được sống là chính mình.
Khi lòng rộn ràng, cuống cuồng, sống vội thì không có nội lực, không tự chủ. Gặp duyên thuận thì hớn hở, lao theo, bằng mọi thủ đoạn để chiếm lấy về mình. Gặp chuyện trái ý nghịch lòng thì giận điên lên, không kềm chế được. Ra phố thấy món hàng ưng ý, nhưng chưa đủ tiền nên đành phải dừng lại. Cũng chưa chịu buông tha, đi tới đi lui, quẩn quanh một vòng rồi cũng đến chỗ đó nữa. Một hồi tìm đủ mọi cách và mua về cho bằng được… Đó là đã bỏ mất tính tự chủ của con người, là bỏ mất chính mình, bị ngoại cảnh bên ngoài chi phối. Tham lam, sân giận, mưu mô, lầm lỗi… do nguồn gốc này mà có ra. Từ đây lầm đường, lỡ bước, khổ đau dai dẳng, não nề, mất quyền tự chủ, không còn là một cuộc sống của chính mình nữa.
Trên mọi hoàn cảnh, nếu luôn bình tâm tỉnh trí, lắng lại cõi lòng, lâu ngày trở thành thói quen và sẽ cảm nhận được năng lực định tỉnh, trí sáng, lòng mình nhẹ an. Lúc này mới cảm nhận được giá trị sống này là tối thượng, mọi thứ bên ngoài trở nên bình thường, không còn đủ sức hấp dẫn hay chi phối nữa. Một khi đã có sức sống này rồi thì tùy thời vận dụng rất linh hoạt, thành công. Với một thời đại văn minh, chúng ta cũng đủ năng lực và trí tuệ để phát huy tốt. Nếu như gặp cảnh không thuận thì tâm mình vẫn bình thản, an nhiên. Đó là người biết sống bằng chính mình, tự chủ thật sự. Không có bất cứ một thứ gì bên ngoài đủ sức chi phối khiến mất mình, lầm đường lạc lối để phải khổ đau một cách ngây thơ, oan uổng nữa.
Trích Hãy Được Sống Là Chính Mình - Thích Tâm Hạnh - TV Trúc Lâm Bạch Mã
Các tin tức khác
- Ván cờ sinh tử (16/06/2015 12:08)
- Trong tâm tĩnh lặng được an vui (15/06/2015 4:08)
- Tự tạo nhân duyên, tự gánh vác (15/06/2015 4:04)
- Ngay bây giờ (15/06/2015 3:59)
- Tâm không phân biệt (14/06/2015 4:41)
- 7 bài học của Đức Đạt Lai Lạt Ma (14/06/2015 12:48)
- Cách xưng hô trong chốn thiền (13/06/2015 3:41)
- Bạn thực sự sống bao nhiêu năm trong đời? (13/06/2015 3:22)
- Ý Tổ sư từ Tây sang (11/06/2015 11:28)
- Người cai rượu (11/06/2015 10:43)