Nói được một trượng mà hành chẳng được một thước

27/06/2015 2:55
Người xuất gia, ngày ngày giảng việc tu đạo. Thế nào gọi là tu? Tu là tu tạo. Đạo nghĩa là đạo lý. Lý là bổn tâm của mọi người. Tâm này là vật gì? Bao lời của chư thánh được đã giải thích rõ ràng. Tâm như hư không. Song, nói đến chữ "Không" này thì vẫn còn chỗ nắm bắt. Lý Không phân ra hai phần: Chân Không và Ngu Không. Chúng ta nhìn thấy hư không tức là Ngu Không. Bất biến nhưng tùy duyên, tùy duyên lại bất biến, sáng suốt đầy diệu dụng, tùy nơi tự tại, luôn bao hàm tất cả muôn vật, đó chính là Chân Không. Người tu hành phải hiểu rõ chân không này. Nhận biết tự tâm, tự thấy bổn tánh, thanh tịnh trắng trong, rõ ràng vô ngại, đó là thấy đạo.

Đơn cử Bắc Kinh làm ví dụ. Nếu xem qua bản đồ, thì thấy được hết kinh thành Bắc Kinh, có đường lối rộng hẹp, thành ấp cung điện cao thấp, vuông tròn, rộng dài, cùng các danh mục như Nam Hải, Tây Sơn, v.v... Nhìn xem thì biết được đường đi. Song, chung cuộc vẫn không biết được nhiều như chính mình đã thực sự đến viếng thăm Bắc Kinh. Người đã đến đó, không cần bản đồ, vẫn có thể được đường đi nước bước rõ ràng. Người chỉ xem qua bản đồ mà chưa từng đến đó, thì lúc kẻ khác hỏi han, tuy có thể đối đáp được, nhưng chẳng chân thật, vì vẫn còn nhiều chỗ không biết đến. Người tu hành, sau khi thấy đạo, như tự thân đến Bắc Kinh, tự thấy "bổn tánh vốn tự thanh tịnh, không sanh không diệt, viên dung đầy đủ, không dao động, thường sanh muôn pháp". Người này không đồng với kẻ y theo văn tự mà giải nghĩa, chỉ thấy bản đồ Bắc Kinh, chứ chưa từng đến đó. 

Chân Không vốn tự khai mở, nào có chướng ngại. Chẳng phải Chân Không thì không thể mở bày, tức có chướng ngại. Lời nói cùng hành động không giống nhau. 

Thế nên bảo: 

- Không có thể "Không", tức chẳng phải Chân Không. Sắc có thể "sắc", tức chẳng phải sắc chân thật. Cha là vô danh. Mẹ là vô sắc. 

"Sắc" và "Không" nào có ngăn ngại với nhau. Nếu chân thật thấy rõ lý này, thì tự do tự tại đến thiên đường địa ngục; tùy duyên nhưng bất biến, bất biến lại tùy duyên, không hề chướng ngại. Người chưa hiểu lý này, tuy thuyết giảng được hoa trời rải đầy khắp đất, nhưng chẳng có lợi ích chân thật. 

Xưa kia, có một vị lão tu hành, sống trong đại chúng rất lâu, tánh tình khoan dung độ lượng, tiếp đãi người rất nồng hậu, và thường khuyên kẻ khác xả bỏ chấp nê. 

Lần nọ, có người hỏi: 

- Thầy khuyên dạy người, vậy tự chính mình có làm được không? 

Thầy đáp: 

- Ba mươi năm về trước, tôi đã cắt đứt vô minh, sao không làm được?   

Sau này, sống trong đại chúng, cảm thấy có vài việc không được tự do tự tại, nên Thầy bỏ chạy vào núi sâu, kết am tu hành. Sống nơi đơn độc cô phong, không người lui tới, tự do tự tại, không còn phiền não. Nào ngờ, vào ngày nọ, đang lúc ngồi thiền, Thầy nghe bên ngoài cửa, có một lũ mục đồng nhốn nháo đùa giỡn, và bảo nhau rằng muốn vào am tranh xem chơi. Có đứa nói rằng không nên làm động tâm người tu hành. Có đứa nói rằng người tu hành không còn bị động tâm niệm. 

Lát sau, cả lũ mục đồng ùa vào am tranh, nhảy nhót đùa giỡn. Tuy biết, Thầy vẫn ngồi thiền, an nhiên bất động, không màng đến chúng. Lũ mục đồng nhốn nháo kêu la, nhưng Thầy vẫn không thèm để ý. Chúng tưởng đâu Thầy đã chết, vì khi lung lay thân, mà không thấy động đậy. Lúc chúng sờ vào thân Thầy thì cảm thấy vẫn còn hơi nóng. Có đứa bảo: 

- Thầy này chắc đã nhập định rồi! 

Có đứa bảo rằng không tin. Để kiểm nghiệm, chúng lấy cọng rơm, ngoáy vào bắp đùi, ngoáy vào tay, ngoáy vào bụng, ngoáy vào lỗ tai, mà Thầy vẫn không động đậy. Lúc chúng ngoáy vào lỗ mũi, khiến Thầy bị hắt xì. Mở mắt ra, Thầy mắng chúng: 

- Đánh chết tụi bây! 

Khi ấy, Bồ Tát Quán Âm hiện ra trên không trung, bảo: 

- Ba mươi năm trước, ông đã đoạn hết vô minh rồi. Sao hôm nay vẫn còn phiền não, chưa xả bỏ được? 

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ, nói được một trượng mà hành chẳng được một thước. Nói được một thước mà hành chẳng được một tấc. Không bị cảnh chuyển, chẳng phải dễ dàng.  

Đại sư Hám Sơn trong bài ca Phí Nhàn: 

"Giảng đạo dễ, tu hành khó  

Tạp niệm không trừ, đều là nhàn  

Trần lao thế gian, thường chướng ngại  

Núi sâu tĩnh tọa, lại phí công".  

Chúng ta là người xuất gia, nếu không phát tâm siêng năng tu hành, chỉ lo nói năng phí sức, thì không có lợi ích chân thật. 

 

HT. Hư Vân - Trích Đường Mây Trên Đất Hoa

Các tin tức khác

Back to top