Thường xuyên thực hành chánh niệm thông qua thiền định được xem như một phương pháp điều trị hiệu quả cho các căn bệnh thời đại như căng thẳng, thiếu tập trung, nghiện ngập và nhiều hơn thế nữa. Thậm chí bạn sẽ dễ dàng giải quyết những khó khăn trong các mối quan hệ thường ngày. Điều này nghe hấp dẫn như một quảng cáo bán hàng, tuy nhiên các nhà khoa học đã có bằng chứng khẳng định những tuyên bố trên là hoàn toàn có thật.
“ Thiền chánh niệm được chứng minh là gây ra những thay đổi khác biệt trong cấu trúc và chức năng của não bộ”, Yi-Yuan Tang, một nhà thần kinh học đến từ Texas Tech đã phát biểu trên tạp chí Nature sau khi thực hiện một số nghiên cứu về vấn đề này. Trong thí nghiệm của mình, ông và những cộng sự của mình phát hiện ra rằng thiền chánh niệm có khả năng đặc biệt trong việc cải thiện sự tập trung và kiểm soát cảm xúc của con người.
Vậy thiền chánh niệm là gì?
Thiền chánh niệm bắt nguồn từ truyền thống Phật giáo và lần đầu tiên được phổ biến rộng rãi ở phương Tây vào thập niên 70 và 80. Về bản chất, đây chỉ là một phương pháp tập thể dục, khuyến khích bạn tập trung vào cảm giác và suy nghĩ trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng khi thực hành thì có rất nhiều phương thức khác nhau. Thông thường, người ta bắt đầu hành thiền bằng cách ngồi thẳng lưng trong vòng 10 phút hoặc nhiều hơn, và tập trung hoàn toàn vào hơi thở của mình. Lần đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi việc suy nghĩ lan man trong lúc hành thiền. Vì vậy các nhà khoa học khuyên mọi người tập trung vào những thay đổi của cơ thể theo từng hơi thở: khi dòng không khí đi vào mũi, sự mở rộng của lồng ngực và sự chuyển động của cơ hoành. Hầu hết mọi người sau một thời gian dài thường xuyên luyện tập đều cảm thấy tự nhiên hơn khi hành thiền.
Thiền định giúp cải thiện khả năng tập trung ngay cả khi bạn không ngồi thiền
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra khác nhau để đánh giá sự ảnh hưởng của thiền định đến khả năng kiểm soát sự tập trung của con người. Một bản báo cáo chung của 23 nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng những người thực hành thiền định trong vài tháng thực hiện công việc trong môi trường căng thẳng tốt hơn những người không hành thiền, còn những hành giả lâu năm cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong việc duy trì sự tập trung trong một khoảng thời gian khá dài.
Nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 15 người để so sánh sự thay đổi của họ sau khi trải qua một thời gian hành thiền với nhóm người không bao giờ ngồi thiền. Thật đáng ngạc nhiên khi nhóm hành giả cho thấy khả năng nhớ chi tiết một sự vật hơn hẳn nhóm phi hành giả. Nghiên cứu đã chứng minh thiền định có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của con người. Điều này vô cùng đặc biệt bởi vì khả năng tập trung và ghi nhớ của chúng ta bị suy giảm đáng kể khi về già. Nhưng nghiên cứu này đã cho thấy việc thực hành thiền định lâu năm có thể làm chậm quá trình lão hóa này.
Thiền cũng giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Ngoài việc rèn luyện khả năng tập trung, thiền chánh niệm còn dạy chúng ta biêt chấp nhận và buông bỏ những cảm xúc tiêu cực. Các nhà khoa học nói rằng thiền định giúp hành giả có những suy nghĩ chín chắn hơn, từ đó ít bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của hiện tại.
Trong thí nghiệm, những hành giả được nghe hoặc chứng kiến những hình ảnh tiêu cực như tai nạn xe hoặc bạo lực khi đang hoàn thành một nhiệm vụ không liên quan khác. Các nghiên cứu MRI cho thấy sau hai tháng hành thiền, các hình ảnh tiêu cực này đã giảm hẳn tại hạch hạnh nhân, nơi xử lý cảm xúc của não bộ. Trong nhiều nghiên cứu khảo sát, người ta nói rằng cảm giác sợ hãi, căng thẳng và tức giận trong đời sống hàng ngày của họ đã ít hơn sau nhiều tuần lễ tham gia khóa học thiền định.
Vì vậy, nhiều người đã hy vọng rằng thiền định sẽ trở thành công cụ hữu hiệu trong việc điều trị chứng rối loạn cảm xúc và nghiện ngập. Tuy là rất sớm, nhưng một vài nghiên cứu nhỏ đã cho thấy thiền định giúp làm giảm cảm giác thèm thuồng của những người nghiện thuốc lá lâu năm và cải thiện các triệu chứng đối với những người bị rối loạn cảm xúc.
Thiền định tạo ra những thay đổi khác biệt trong cấu trúc não
Khác biệt đáng kể nhất là sự gia tăng các mô trong tại vỏ não vành trước, một khu vực của não bộ tham gia vào việc kiểm soát hành vi và duy trì sự tập trung. Các nghiên cứu khác đã cho thấy các vị hành giả có phần mô tại các vùng vỏ não liên quan đến sự kiểm soát tập trung và nhận thức cơ thể dày hơn. Trong khi đó các vị thiền giả lâu năm như các nhà sư Phật giáo lại có sự liên chặt chẽ giữa các vùng não khác nhau, đóng góp rất nhiều cho việc duy trì sự tập trung.
Hơn thế nữa, việc thực hành thiền định thường xuyên dường như có thể làm giảm kích thước của hạch hạnh nhân bên phải, một vùng não bộ liên quan đến việc xử lý các cảm xúc tiêu cực đặc biệt là nỗi buồn và lo lắng.
Tuy nhiên những nhà khoa học vẫn có nhiều câu hỏi về thiền định
Câu hỏi lớn đặt ra là thiền định có tạo ra nhiều hiệu quả khác nhau đối với từng người không và tại sao?
Nhà thần kinh học Tang cho biết “ Sự khác biệt này có thể xuất phát từ kinh nghiệm, cá tính, suy nghĩ thậm chí là do di truyền”. Tuy nhiên ông và đồng nghiệp của mình cũng không chắc chắn là chính xác.
Việc thực hành thiền định như thế nào và trong bao lâu để nhận thấy những sự thay đổi về hành vi và thần kinh cũng là câu hỏi lớn. Đã có nhiều nghiên cứu so sánh giữa những người chỉ hành thiền vài giờ đối với những hành giả đã dành cả cuộc đời mình cho việc thiền chánh niệm. Và dĩ nhiên, nó hẳn là một sự khác biệt lớn.
Theo Pháp Bảo
(Dịch từ VOX)
Các tin tức khác
- Đức hạnh ( 4/09/2015 5:27)
- Không vướng mắc ( 4/09/2015 5:12)
- Đông Pha Học sĩ thuyết về việc ăn uống ( 4/09/2015 4:57)
- Ngày xưa có một con bò ( 4/09/2015 4:29)
- Đạo trong việc kinh doanh ( 3/09/2015 3:59)
- Những đợt sóng lớn ( 3/09/2015 3:44)
- Hai mặt của mọi thứ ( 3/09/2015 3:35)
- Công chúa xấu xí ( 2/09/2015 2:56)
- Phép mầu ( 2/09/2015 2:37)
- Tâm ( 2/09/2015 2:00)