Chư Phật với tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, chẳng có pháp khác. Tâm này từ vô thủy đến nay chưa từng sanh chưa từng diệt, chẳng xanh chẳng vàng, vô hình vô tướng, chẳng thuộc hữu vô, chẳng phải mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, siêu việt tất cả hạn lượng, tên gọi, dấu tích, đối đãi. Vật nào ngay bản thể đó là phải, động niệm liền sai. Cũng như hư không chẳng có biên giới, chẳng thể đo lường, chỉ một tâm này tức là Phật. Phật với chúng sanh chẳng có sai biệt mà chúng sanh thì chấp tướng hướng ngoại tìm cầu. Tìm cầu trở thành lạc lối, đem Phật tìm Phật, dùng tâm bắt tâm, trọn đời suốt kiếp cũng chẳng đắc được. chẳng biết ngưng niệm dứt tưởng thì Phật tự hiện tiền. Tâm này tức là Phật, Phật tức là chúng sanh, lúc làm chúng sanh tâm này chẳng bớt, lúc làm chư Phật tâm này chẳng thêm, cho đến lục độ vạn hạnh hằng sa công đức vốn tự đầy đủ, chẳng nhờ tu tập. Gặp duyên thì làm hết duyên thì thôi. Nếu chẳng quả quyết tin tự tâm Phật này mà muốn chấp tướng tu hành để cầu công dụng đều là vọng tưởng, đều trái với đạo. Tâm này tức là Phật chẳng còn Phật khác, cũng chẳng tâm khác. Tâm này sáng tỏ trong sạch như hư không chẳng có tướng mạo. Nếu cử tâm động niệm liền trái pháp thể, gọi là chấp tướng. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật chấp tướng. Nếu tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật thứ lớp. Hễ ngộ được tâm này thì không có một mảy may pháp để đắc, ấy tức là chân Phật, Phật với chúng sanh tất cả không khác. Cũng như hư không chẳng tạp nhiễm chẳng hủy hoại, như mặt trời chiếu khắp bốn thiên hạ, khi mặt trời lên sáng khắp thiên hạ, hư không chưa từng sáng, khi mặt trời lặn tối khắp thiên hạ, hư không chưa từng tối. Cái cảnh sáng tối tự đoạt lẫn nhau mà tánh của hư không thì rõ ràng chẳng biến đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế.
Nếu xem tướng Phật cho là thanh tịnh, quang minh, giải thoát, xem tướng chúng sanh cho là ô trược, ám muội, sanh tử, nếu hiểu theo như thế thì trải qua hằng sa kiếp cũng chẳng đắc bồ đề, tại vì chấp tướng. Thực ra chỉ có một tâm này, không có một chút pháp bằng vi trần cho mình đắc được. Tức tâm là Phật, người học đạo đời nay chẳng ngộ tâm thể này, cứ ở nơi tâm sanh tâm, hướng bên ngoài cầu Phật, chấp theo tướng tu hành, đều là pháp tà chẳng phải đạo bồ đề.
Nói cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao? Kẻ vô tâm là vô tất cả tâm, chẳng phải tuyệt không. Cái bản thể như như bên trong như gỗ đá chẳng lay chẳng động, bên ngoài như hư không chẳng nghẽn chẳng ngại, vô năng sở, vô phương sở, vô tướng mạo, vô đắc thất. Kẻ tu chẳng dám vào pháp này, e sợ đọa vào rỗng không chẳng chỗ đứng chân,nên cảm thấy khó, rồi lui sụt. Trái lại đều rộng cầu tri kiến, cho nên kẻ cầu tri kiến thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít.
Nói Văn Thù là xứng với lý, nói Phổ Hiền là xứng với hạnh, nói lý là lý chân không vô ngại, nói hạnh là hạnh lìa tướng vô tận.
Quan Âm xứng với đại từ, Thế Chí xứng với đại trí.Duy Ma Cật dịch là Tịnh Danh. Tịnh là tánh, danh là tướng, tánh tướng chẳng khác nên gọi là Tịnh Danh.
Những biểu hiện của chư đại Bồ Tát, con người đều saün có, thật chẳng lìa một tâm này, hễ ngộ thì đủ. Nay người học đạo chẳng hướng ngay tự tâm mà ngộ lại ở bên ngoài lấy cảnh chấp tướng, đều trái với đạo.
Phật nói hằng hà sa, sa tức là cát, chư Phật Bồ Tát Thích Phạm chư Thiên đi qua cát cũng không vui, trâu dê trùng kiến bò qua cát cũng không giận. Châu báu hương thơm cát cũng không tham, phẩn nước tiểu hôi thối cát cũng không ghét. Dụ như tâm này, tức cái tâm của vô tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật chẳng có khác biệt, hễ được vô tâm thì đến cứu kính. Người học đạo nếu chẳng ngay đó vô tâm, dù nhiều kiếp tu hành cũng chẳng thành đạo, vì bị công hạnh của tam thừa trói buộc chẳng được giải thoát. Nhưng chứng ngộ tâm này có nhanh chậm, có kẻ nghe pháp trong một niệm liền được vô tâm, có kẻ đến thập địa mới được vô tâm. Lâu mau cũng phải đến vô tâm mới xong (chẳng phải tuyệt không). Lúc ấy mới biết vô tu vô chứng, thật vô sở đắc. Sự chân thật bất hư trong một niệm mà được với thập địa mới được công dụng bằng nhau không có sâu cạn, chỉ là trải qua nhiều kiếp uổng chịu lao nhọc mà thôi. Tạo ác tạo thiện đều là chấp tướng. Chấp tướng tạo ác thì uổng chịu luân hồi, chấp tướng tạo thiện thì uổng chịu lao nhọc, đều không bằng ngay đó tự nhận lấy bản pháp. Pháp này tức tâm, ngoài tâm chẳng pháp, tâm này tức pháp, ngoài pháp chẳng tâm. Tâm tự vô tâm, cũng chẳng có kẻ vô tâm, nếu đem tâm làm cho vô tâm thì tâm lại thành có. Kẻ ngộ dứt tuyệt tư nghì chỉ mặc khế (âm thầm khế ngộ) mà thôi, nên nói " Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt " ( đường ngôn ngữ dứt, nơi suy nghĩ diệt ). Bổn nguyên của tâm này vốn thanh tịnh, chư Phật Bồ Tát trời người cho đến sâu bọ hàm linh, bản thể Phật tánh đều chẳng khác, chỉ vì vọng tưởng phân biệt tạo đủ thứ nghiệp, trên bản thể Phật tánh thật chẳng một vật, miễn cưỡng nói là hư không tịch tịnh minh diệu an lạc mà thôi. Nếu tự ngộ nhập thì ngay đó đầy đủ chẳng gì thiếu sót, dẫu cho trải qua vô số kiếp tinh tấn tu hành được nhiều quả vị, khi một niệm chứng đắc chỉ chứng bổn lai tự tánh Phật, hướng thượng chẳng thêm được một vật, khi ấy trở lại xem công dụng của nhiều kiếp đều là việc vọng trong chiêm bao, nên Như Lai nói : " Ta ở nơi Vô Thượng Bồ Đề thật vô sở đắc. Nếu có sở đắc thì Nhiên Đăng Phật không thọ ký cho ta thành Phật ".
Trích Truyền Tâm Pháp Yếu - Hoàng Bá Thiền Sư
Các tin tức khác
- Cô gái nghèo cúng Phật ( 1/09/2015 2:39)
- Tảng đá trong tâm ( 1/09/2015 2:22)
- Hai chữ "trân quý" ( 1/09/2015 2:08)
- Hãy có cho riêng mình định nghĩa về sự thành công (31/08/2015 3:44)
- Những phép lịch sự trong giao tiếp (29/08/2015 3:50)
- Quán chiếu về cái chết (29/08/2015 3:34)
- Đừng đóng khung hạnh phúc (28/08/2015 4:51)
- Trang Tử luận về kiếm (28/08/2015 4:45)
- Khoảng cách vừa phải (27/08/2015 5:01)
- Chớ đến những nơi chợ búa lợi danh (25/08/2015 11:29)