Đại sư thứ 2: Lilapa - Đức vua ẩn sĩ

17/09/2015 4:20
Một ngày nọ, trong khi vị quốc vương vùng Tây Ấn đang tựa lưng ở bệ rồng, chợt có lính canh tâu rằng có một vị đạo sĩ muốn vào bái kiến.

Nhìn vẻ cơ hàn và nét phong trần của đạo sĩ, nhà vua tỏ vẻ ái ngại và thương xót, vua phán: “Sống rày đây mai đó, hẳn là thầy khổ lắm? ”

“Tâu bệ hạ, tôi không hề lấy đó làm khổ não. Có chăng chính bệ hạ mới là kẻ đau khổ, đáng thương.” Đạo sĩ ung dung đáp.

“Cớ sao thầy nói vậy? ” Nhà vua sửng sốt hỏi.

“Trước hết, bệ hạ luôn sống trong nỗi lo mất ngôi, mất nước. Lòng của bệ hạ lúc nào cũng canh cánh lo sợ cơn thịnh nộ của thần dân dễ đưa tới việc tạo phản. Vì thế nên bệ hạ đau khổ. Còn như tôi đây, vào nước không chìm, vào lửa không cháy, độc không hại được, lại biết thuật trường sinh bất tử, ra khỏi luân hồi.”

Nghe qua lời đạo sĩ nói, nhà vua bồi hồi than rằng: “Bạch thầy, làm thế nào quả nhân có thể bắt chước nếp sống rày đây mai đó cơ cực như thầy. Cúi xin thầy từ bi ban cho diệu pháp. Có cách tu nào phù hợp với hoàn cảnh của quả nhân, không lìa ngôi báu, vợ đẹp con xinh, cung điện nguy nga mà vẫn tu thành chánh quả được chăng? ”

Bạch xong, vua phủ phục năm vóc sát đất khẩn cầu đạo sĩ truyền pháp.

Đạo sĩ hoan hỷ nhận lời, bèn trao tâm pháp cho nhà vua. Nghe xong pháp từ, vua liền vào định.

Kể từ đó, nhà vua thường tu tập thiền định ngay trên ngai vàng và thậm chí trong khi cùng các phi tử thưởng thức vũ nhạc. Nhà vua được mệnh danh là Lilapa vì tính ưa lạc thú và yêu thanh sắc của ngài.

Cách tu của Lilapa là chú mục bất động vào chiếc nhẫn ngài đeo ở bàn tay phải.

Sau khi đắc định, vua bèn quán thân tướng của thủ thần (Yidam) Hevajra cùng quyến thuộc của ngài. Lilapa ngộ được chân lý rốt ráo và đắc thần thông Đại thủ ấn sau khi thành tựu pháp quán này.

 

Trích Các Vị Chân Sư Đại Thủ Ấn

Các tin tức khác

Back to top