Giữ tâm điềm tĩnh

11/12/2015 4:11
Điềm tĩnh là giữ cho tâm ở trạng yên lành không để ta đủ sáng suốt làm chủ những cảm xúc tiêu cực thay vì để chúng điều khiển hành động của mình.

Điềm tĩnh là biểu hiện của người có bản lĩnh, tự chủ, là yếu tố then chốt giúp con người xử lý tốt các vấn đề trong giao tiếp và ứng xử. Hơn thế nữa, người điềm tĩnh có khả năng tự chế ngự và kiểm soát tốt các trạng thái cảm xúc của mình, nên ít khi bị người khác hay ngoại cảnh tác động chi phối làm chệch hướng đi của mình. Đó là nguồn sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng ta suy xét thấu đáo mọi sự việc xung quanh, do đó có nhiều cơ hội để tìm ra giải pháp ứng xử hợp lý, hữu hiệu nhất trong khi những người khác có thể không còn đủ bình tĩnh và kiên nhẫn.

Điềm tĩnh giúp kiểm soát bản thân tốt hơn và sức mạnh nội tâm không bị phân tán mà có thể tập trung giữ tâm bớt dao động trong ngưỡng kiểm soát được với những tác động của các thăng trầm trong cuộc sống. Muốn làm chủ bản thân, ta phải dần đưa tâm về trạng thái tĩnh lặng, với biên độ dao động càng nhỏ càng tốt. Đây là điều kiện để phát huy sức mạnh to lớn của lý trí trong cuộc sống để có thể “miễn nhiễm” trước những lời khen, sự tâng bốc hay chê bai, chỉ trích ác ý của người ngoài. Người điềm tĩnh mới có đủ lực để vững vàng trước lời chê của người ác ý, xem đó như món quà mà ta không nhận thì người ấy tự đem về (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương VII, phẩm 1, Kinh Phỉ báng). Nếu chạm mặt với hoàn cảnh không như ý, những lời nói khó nghe và hành động khó chấp nhận của người khác, sự điềm tĩnh và bình thản của mình bị thử thách nhiều hơn. Ai chiến thắng mình trong những tình huống khó khăn là người có khả năng làm chủ tâm mình, mới là người thật sự có bản lĩnh trong cuộc sống.

Giữ tâm bình thản trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời là người có thể chủ động kiểm soát và điều khiển cảm xúc của mình và chọn giải pháp thích hợp và hiệu quả nhất để phản ứng lại những tác động từ bên ngoài. Người bình thản không để sân giận, nóng nảy chi phối mình mà tất cả những cảm xúc này đều “ngoan ngoãn” theo sự chỉ đạo của tâm định tĩnh. Hãy nhìn cách phản ứng của mọi người trong các tình huống sinh hoạt thường ngày, ta thấy rõ khả năng và mức độ làm chủ bản thân như thế nào. Nếu phải chờ đợi ai đó hay việc gì đó, người thiếu kiểm soát tâm tỏ thái độ nôn nóng, bực tức, luôn nhìn đồng hồ một cách vô nghĩa, vẻ mặt bực bội, căng thẳng. Nếu người bình thản, họ có thể tận dụng khoảng thời gian đó để theo dõi hơi thở trong chánh niệm, hoặc theo dõi cảm xúc của mình đang hành hoạt.

Tóm lại, làm chủ mình mới có thể sáng suốt quyết định mọi vấn đề và chọn giải pháp hiệu quả nhất trong cuộc sống. Khả năng làm chủ mình, giữ tâm định tĩnh trước sự tác động của các yếu tố bên ngoài cũng như những cảm xúc tiêu cực bên trong được gọi là ĐỊNH trong đạo Phật và khả năng tỏa sáng để suy xét thấu đáo mọi việc và tìm giải pháp hợp lý cho mọi vấn đề trong cuộc sống được gọi là TUỆ. Định cho ta sức mạnh để làm chủ mình và tuệ là khả năng sử dụng sức mạnh ấy một cách hợp lý và khôn ngoan. Có thực hành kỹ năng định tĩnh mới có trí tuệ (Pháp cú câu 282); có trí tuệ thì mới có thể tự chủ sống bình an và hạnh phúc.

Khi làm chủ tự thân, ta trọn quyền quyết định vận mệnh của đời mình. Hạnh phúc tuyệt vời là đây!

 

Trích Làm Chủ Bản Thân - TG: Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top