Quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), thủ trì ngũ giới (Không sát sanh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói lời hư dối, không uống rượu hay dùng các thứ gây nghiện) gần như là một định nghĩa cơ bản về người Phật tử, ngũ giới lại rất phù hợp với những quy định của pháp luật.
Có người nghĩ rằng giới luật tạo nên sự gò bó, người thọ giới cứ nơm nớp lo sợ mình phạm giới và như thế ý nghĩa tự do trong sinh hoạt hàng ngày sẽ trở nên hạn chế. Thực ra, suy nghĩ này là không đúng. Một khi giữ giới, người ta sẽ yên tâm tựa như khi người ta làm đúng pháp luật của nhà nước. Từ đó, tâm trí sẽ được thảnh thơi, không lo nghĩ về những hậu quả của những hành động sai trái. Không có sự tự do nào là tuyệt đối trên đời này, tự do đối với giới luật là sự phóng túng, sự buông lung… chỉ đưa đến tai hại. Một khi đã có sự yên tâm không lo lắng về việc vi phạm điều cấm, tâm ta sẽ được thảnh thơi, ổn định (trạng thái định) và tâm định tỉnh, trở nên sáng suốt (đạt đến trí huệ).
Có thể xem toàn bộ Phật pháp là những thuyết giảng về đạo đức học: đâu là giá trị chân thực, đâu là những gì phải thực hành để tiến đến giải thoát tối hậu. Do đó, việc giữ gìn giới hạnh là vô cùng quan trọng và được Đức Phật giảng dạy trong rất nhiều kinh. Kinh Đại Niết Bàn (do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ nguyên bản Pali) có đoạn nói về Đức Phật giảng cho các cư sĩ ở làng Pataligama về năm điều nguy hại của việc phạm giới và năm điều lợi ích của việc giữ giới. Nguyên văn như sau:
Thế Tôn nói với các cư sĩ ở Pàtaligama:
– Này các gia chủ có năm sự nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật. Thế nào là năm?
– Ở đây, này các gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sẽ bị tiêu hao tiền của rất nhiều vì sống phóng dật. Đó là điều nguy hiểm thứ nhất cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
– Lại nữa, này các gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật bị tiếng dữ đồn xa. Đó là điều nguy hiểm thứ hai cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
– Lại nữa, này các gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật khi vào hội chúng nào, hoặc Sát –đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần sợ hãi, bối rối. Đó là điều nguy hiểm thứ ba cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
– Lại nữa, này các gia chủ, người phạm giới luật sẽ chết với tâm hồn rối loạn. Đó là điều nguy hiểm thứ tư cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
– Lại nữa, này các gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sau khi thân hoại mạng chung sẽ bị sanh khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Đó là điều nguy hiểm thứ năm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Này các gia chủ, đó là năm điều nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Này các gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?
– Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào rất nhiều vì sống không phóng dật. Đó là lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật
– Lại nữa này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật được tiếng tốt đồn xa. Đó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
– Lại nữa này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đê-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Đó là sự lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
– Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Đó là sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
– Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Đó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Giới vô cùng quan trọng đối với người tu Phật. Có giới mới phát triển được thiền định và trí huệ, người Phật tử tại gia giữ giới là tự phòng hộ, tránh những hiểm nguy cho bản thân, đồng thời tạo thuận lợi trong đời sống hàng ngày và trong sự phát triển tâm linh của mình. Nếu mọi Phật tử đều giữ giới, sống theo giới luật thì sẽ đóng góp to lớn cho nếp sống hiền hòa, cho sự an bình của xã hội. Như vậy, giữ giới, sống theo giới luật là có lợi cho mình và cho người khác.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 93
Các tin tức khác
- Tiếng xấu (17/12/2015 3:36)
- Nghệ thuật làm việc (17/12/2015 3:04)
- Ơn người đầu bếp (17/12/2015 2:41)
- Tin chắc lý nhân quả (17/12/2015 2:28)
- Bài kệ khuyên tu (16/12/2015 3:59)
- Nhân quả và vô thường (16/12/2015 3:55)
- Vai kịch cuối cùng (16/12/2015 3:14)
- Biết tiếp xúc với hạnh phúc (16/12/2015 3:10)
- Hai hạng người không biết chán đủ (15/12/2015 2:54)
- Nhận thức chính mình (15/12/2015 2:40)