Đừng tích tập điều ác dù nhỏ

25/01/2016 3:29
Tuyển tập Phật tự thuyết (Udana), thuộc kinh Tiểu Bộ, có chép câu chuyện Đức Thế Tôn khuyên nhũ các em nhỏ. Vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi vào thành Savatthi để khất thực. Giũa Jetavana và Savatthi, Ngài thấy một số thiếu niên đang hành hạ mấy con cá. Ngài liền đi đến cái thiếu niên ấy và nói với các em:

“Này các thiếu niên, các em có sợ đau khổ không? Các em không ưa thích khổ phải không?”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ”.

Nghe các em nhỏ trả lời như vậy, Đức Thế Tôn nói ngay những lời sau:

“Nếu ngươi sợ đau khổ,

Nếu người không ưa khổ,

Dầu bất cứ chỗ nào,

Chớ làm các nghiệp ác,

Trước mặt hay sau lưng,

Nều ngươi làm, sẽ làm,

Các nghiệp ác, bất thiện,

Ngươi không thoát khỏi khổ,

Dầu nhảy vọt và chạy”.

Các em nhỏ đùa nghịch cho vui nhưng lại làm đau đớn tổn hại các con cá. Những con vật nhỏ bé ấy bị hành hạ, chắc chắn chúng cũng cảm thấy đau khổ nhưng vì không có phương tiện biểu hiện sự đau khổ, chúng chỉ biết phản ứng vùng vẫy cho đến khi chúng không còn phản ứng được nữa. Việc trẻ em đùa nghịch thì nơi đâu cũng có. Nhưng có những trò đùa nghịch tuy vô tình mà lại làm tổn thương đến các loài vật khác không đủ sức tự vệ thì thật là điều không hay. Đức Phật thương xót muôn loài chúng sinh, không muốn sinh vật nào bị tổn thương, do đó Ngài khuyên các em nhỏ không nên làm bất kỳ một nghiệp ác nào, dù trước mặt hay sau lưng. Tuy nhiên, trước khi khuyên các em không làm ác, Đức Phật chỉ cho các em thấy mọi loài đều không ưa thích sự đau khổ như chính các em cũng không ưa thích sự đau khổ; và các em không nên làm cho mọi loài những điều mà các em không ưa thích.

Các Đức Phật khuyên dạy các em nhỏ gợi ý tưởng thiết thực cho các bậc cha mẹ trong việc định hướng giáo dục con cái. Phải lưu tâm tập cho con trẻ có những suy nghĩ và thói quen hiền lành. Mặt khác, cố tạo mọi điều kiện để chúng đừng tích tập các hành vi xấu ác, tuy chỉ có mục đích đùa nghịch tưởng chừng vô hại, nhưng lâu ngày sẽ trở thành thói quen không hay.

Về mặt nhận thức, ngay từ tuổi thiếu niên, các em đã hiểu được sự tương quan giữa mình với người khác và mọi loại khác. Khi bị vấp, bị ngã, bị va quẹt vào các đồ vật hay bị đánh đòn, các em thấy đau và các em biết người khác và các loài khác cũng biết đau trong các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, vì ý thức tự ngã của tuổi thiếu niên vẫn còn mạnh, các em chưa quan tâm đến nỗi đau, nỗi khổ của người khác, nói chi tới loài khác.

Trong cùng một điều kiện, nếu thấy người khác gặp chuyện không may dẫn đến bị đau, bị khổ, con người thường tự thấy mừng thầm vì mình còn may mắn không gặp chuyện tương tự. Nếu không được hướng dẫn đúng mực để thông cảm với hoàn cảnh không may của người khác, trẻ em dễ phát triển một tâm lý xấu là thích thú khi chứng kiến điều không may xảy đến với người khác mà không xảy ra cho mình. Chẳng hạn, hai cậu học trò cùng tinh nghịch nhưng một em bị thầy cô phát giác và bị phạt trong khi em kia thoát được, kẻ thoát hình phạt có tâm lý muốn “chọc quê” đứa bạn không may. Lâu dần, em học trò may mắn còn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi những bạn khác bị phạt. Tiến thêm bước nữa trên con đường thoái hóa nhân tính, các em tìm cách làm cho kẻ khác phải đau khổ để thỏa mãn ý thích xấu xa của các em. Đó chính là lộ trình để một người tăng trưởng tâm gây hại và sẽ thực hiện mọi hành vi xấu ác chỉ nhằm thỏa mãn những mong muốn xấu ác của mình.

Khi đã trưởng thành, một người từng tích tụ các ý nghĩ và hành vi xấu ác như vậy từ lúc còn nhỏ dễ dàng có cảm giác hạnh phúc khi chứng kiến người khác gặp tai họa. Từ chỗ thấy người khác gặp tai họa mà cảm thấy vui đến chỗ gây tai họa cho người khác để thỏa mãn niềm vui của mình chỉ là một khoảng cách mong manh. Lịch sử loài người đã chứng kiến việc các đấu trường giác đấu được những vị hoàng đế La Mã tổ chức chỉ để thỏa mãn niềm vui tàn ác của họ. Sự phấn khích của không khí đấu trường khiến người bình dân tham dự gào thét đòi những võ sĩ giác đấu phải đổ máu, làm tăng trưởng ác tâm của con người. Sự kiện hoàng đế Neron reo vui khi thấy cả thành phố La Mã chìm trong biển lửa chắc cũng xuất phát một tâm lý xấu ác tích tụ từ thời trẻ thơ. Những kẻ tổ chức các tòa án dị giáo thời Trung cổ hẳn cũng chỉ muốn thỏa mãn niềm vui khi thấy những người bị kết án quằn quại trong cuộc tra tấn và hành hình.

Được khơi gợi để hiểu rằng một hoàn cảnh nếu đã xảy ra cho người khác thì cũng có thể xảy ra cho mình, các em ý thức được rằng nếu mình ở trong hoàn cảnh đó thì mình cũng đau khổ. Từ đó, các em thông cảm được nỗi đau, nỗi khổ của người, loài khác tránh được những hoàn cảnh gây đau khổ. Khi đó, các em không có lý do gì thực hiện các hành vi gây hại cho người khác, loài khác. Nhờ vậy, lòng từ của các em được phát triển một cách tự nhiên.

Nhờ không tích tụ những ý nghĩ xấu ác từ lúc còn nhỏ, hiểu được người khác đau khổ cũng như chính mình đau khổ, một người trưởng thành khi thấy người khác gặp tai họa thì cũng xúc động như chính mình gặp tai họa, từ đó, người ấy có sự chia sẻ, cảm thông và tiến đến chỗ cố gắng ngăn cản không để xảy ra những hoàn cảnh có thể gây đau khổ cho người khác. Một người như vậy sẽ không bao giớ chất chứa ý nghĩ làm hại người khác, loài khác, không những thế, còn cố gắng đem lại niềm vui cho mọi người, mọi loài. Trong một xã hội, nếu mọi người đều không nghĩ đến việc làm hại người khác loài khác thì dù thiếu thốn về vật chất, xã hội ấy cũng đầy an lạc.

Một người dễ dàng gây thương tổn cho người khác không một chút trắc ẩn hẳn từ nhỏ đã có thái độ dửng dưng xem thường sự sống và cảm giác của các chúng sinh khác. Cái thói quen chơi đùa trên sự sống của các sinh vật nhỏ vô tình được tính tập là đầu mối đáng sợ của các hành vi hung ác tiềm ẩn trong con người. Chúng có thể bộc lộ bất cứ khi nào một cách không cân nhắc. Đức Phật thấy rõ hậu quả không hay của các thói quen xấu ác nên lưu ý mọi người tránh tích tập kể cả những hành vi xấu ác nhỏ nhặt nhất. Trong khi tự cho mình là sinh vật cao cấp nhất hành tinh, lẽ ra con người phải nhận thức rõ mình cũng chỉ là một thành phần của sự sống, do đó, phải tỏ rõ từ tâm và phải có ý thức bảo vệ sự sống của muôn loài, thế nhưng con người lại tích tập điều ác để trở nên kẻ phá hoại sự sống, phá hoại môi trường, gây hại cho loài khác, người khác, một điều mà con người cần phải biết xấu hổ.

Đoạn kinh ngắn nêu trên tuy dẫn xuất từ việc một đám thiếu niên đang gây tổn hại cho mấy con cá, nhưng nội dung kinh còn mở rộng đến tất cả những ai biết sợ đau khổ, không ưa thích sự khổ, cần phải biết tránh tích tập những ý nghĩ và hành động xấu ác dù nhỏ nhặt nhất. Chỉ có như thế, con người mới hy vọng tránh được những hoàn cảnh khổ đau.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 92

Các tin tức khác

Back to top