Đối với người bán hàng thì thấu cảm là đặt mình vào vị trí người tiêu dùng để hiểu sau khi bỏ ra một khoản tiền như vậy, họ xứng đáng được sử dụng chất lượng sản phẩm, mẫu mã, hình thức thế nào. Ai biết nghĩ như vậy sẽ có cái tâm thương người sử dụng và lấy chất lượng sản phẩm làm chuẩn mực chứ không phải chỉ biết lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Đối với người bạn thân thì thấu cảm là đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu được, mỗi khi chạm mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mình thấu hiểu tận ngọn nguồn và chia sẻ hết lòng với bạn như thể mình đang đối mặt với những gì bạn đang đương đầu. Đối với người tham đắm và dính mắc vật chất đời thường, ta hiểu rằng tâm họ không được chánh pháp soi sáng, không may mắn gặp một người thầy tốt để có thể giúp họ mở tầm nhìn và hiểu rằng, sự bám víu vào các pháp mang tính kết thành sẽ không bền, là nguyên nhân đưa đến bất an và đau khổ. Nếu mình là nạn nhân của ai đó do tâm tham làm động cơ, ta nên hiểu ta không phải là nạn nhân của người ấy, mà là nạn nhân của tâm tham. Mà tâm tham là “tài sản chung” của những người chưa giác ngộ như chúng ta, nên ta cũng chẳng hơn gì họ. Thấu hiểu điều này, ta thấy họ đang bị tâm tham sách nhiễu, điều động, họ đau khổ như chính bản thân ta vậy. Cảm nhận như vậy, tâm thấu cảm giúp chúng ta hóa giải mọi phân biệt bỉ thử, đố kỵ hẹp hòi mà những gì còn lại là tình thương yêu dành cho tất cả những ai bị tâm tham chi phối, trong đó có bản thân mình, trong đó có người trực tiếp hoặc gián tiếp làm mình bị tổn thương.
Thường ta dễ dàng tha thứ cho chính mình mà rất khó tha thứ cho người khác. Chính vì dễ tha thứ cho mình nên mỗi khi phạm phải sai lầm, ta có đủ lý do để thấy mình không lỗi, đùn đẩy trách nhiệm lỗi lầm ấy về cho người khác chứ không phải là mình. Trong khi đó, người lỗi với ta một tí là ta chấp chặt, khó bỏ qua, chôn kỹ trong lòng, thành hiềm thành hận. Sở dĩ ta có tâm lý đó vì ta không hiểu và cảm thông cho người làm tổn thương mình. Người thấu cảm có đủ tâm bao dung để tha thứ cho người như thể tha thứ cho chính mình vì họ hiểu rằng, bản thân mình cũng vậy, không lúc này thì lúc khác, ai trong chúng ta đều mắc phải lỗi lầm. Ta chấp nhận lỗi lầm là một phần của cuộc sống và từ đó, ta hoàn thiện hơn thì người khác cũng như vậy. Chấp nhận điều này, việc tha thứ cho nhau là điều không phải quá khó vậy.
Nhờ thấu cảm mà niềm tin giữa con người trong xã hội được thiết lập và các mối quan hệ này được nuôi dưỡng ngày càng bền chặt hơn nhờ chất liệu yêu thương. Khi chưa có thấu cảm nhau, trách móc, giận hờn thường có mặt và ai cũng thấy mình đủ tốt và bao dung, đủ biết điều và dư hy sinh còn phần khiếm khuyết, thiếu sót, ích kỷ thuộc về người kia. Sự co cụm về tâm lý, sự che chắn bản ngã không để bị tổn thương, tự vệ kiểu “xù lông nhím” là sự phản vệ thường thấy ở tất cả mọi người. Một khi thấu cảm được thiết lập thì những tâm lý tiêu cực vừa nêu trên không còn nữa, chỉ còn lại lòng thương thuần túy, lòng thương chân thật, thương người như thể thương chính bản thân mình. Từ đó, mọi suy nghĩ, hành động đều được thiết lập trên cơ sở của tâm lý thấu cảm này và tinh thần gắn kết, xây dựng và hòa hợp được thiết lập và củng cố ngày càng tốt hơn trong cộng đồng mình đang sống.
Hằng Như
Các tin tức khác
- Tâm gian dối hay che giấu tội lỗi của mình (17/02/2016 3:17)
- Chùm ảnh: Tết Việt ở Làng Mai, nước Pháp (16/02/2016 3:38)
- Hãy nghĩ, “Tốt! Bệnh cũng tốt!” (16/02/2016 4:44)
- Mở cánh cửa Không (16/02/2016 4:33)
- Thực hành tâm từ bi (15/02/2016 3:42)
- Tu chính là luôn phản tỉnh (15/02/2016 3:15)
- Hiểu được âm dương, hiểu được tùy kỳ tự nhiên, bạn nhất định sẽ trở thành lương y đại đức. (14/02/2016 4:56)
- Dũng khí hoa mai (14/02/2016 4:27)
- Cố gắng tu hành chớ nhởn nhơ, hậu niệm thoạt dứt một đời tiêu (13/02/2016 3:03)
- Niềm tin là chìa khóa (13/02/2016 2:42)