Chỉ có ta là nơi nương tựa cho ta (Atta hi attano nātho)

20/04/2016 12:04
Bài Pháp do Sayadaw Nandamālābhivaṃsa –Ngài hiệu trưởng trường đại học hoằng pháp Phật giáo Nguyên thủy quốc tế (I.T.B.M.U – Yangon) – Viện Trưởng viện nghiên cứu Vi Diệu Pháp quốc tế Yangon.

Atta hi attano nātho = Chỉ có ta là nơi nương tựa cho ta.

Mọi người trong chúng ta có lẽ đã từng nghe câu kinh này rồi. Đây là câu kinh của Đức Phật đã thuyết. Nhưng không phải ai trong đời cũng đều chấp nhận điều này. Ai cũng tự tìm lấy cho mình một nơi nương tựa. Ai là người để cho ta nương tựa đây? Cha mẹ, bạn bè, thân hữu? Có ai trong chúng ta suy nghĩ là “hãy nương tựa chính mình” như Đức Phật nói không? Phần lớn ai cũng tìm những người trong gia đình của mình để nương tựa. Thực sự thì không một ai có thể là nơi cho chúng ta nương tựa được cả. Đức Phật thuyết chỉ có ta là nơi nương tựa lâu dài của ta mà thôi. Các bạn có thể tìm thấy điều đó ở trong các bài kinh.

“Attadīpa” nghĩa là tự mình làm hòn đảo, tự mình làm ngọn đèn, tự mình là nơi nương tựa cho chính mình. Đừng tìm người khác để nương tựa. Thực sự chẳng có một ai khác ngoài chính mình là nơi nương tựa cho mình cả. Các bạn chắc cũng đã nghe người ta nói “việc tôi, tôi làm”, “sức tôi, tôi học”, “thời tôi, tôi hành” hay “lượt tôi, tôi đến” sao?

Hãy thử suy nghĩ một chút xem, chúng ta đã có mặt trong cuộc đời này. Cả anh chị em của chúng ta đều đã sinh ra trong cuộc đời này. Có phải tất cả đã được sắp đặt sẵn để sinh ra trong một gia đình hay là tự chúng ta đến? Khi các bạn ra khỏi nhà, có phải các bạn đã sắp đặt trước với nhau là: Anh/chị đi trước đi, tôi sẽ đi sau chăng? Nếu suy nghĩ thật sâu xa thì đời sống này giống như một chuyến tàu lửa. Để đi tàu thì mọi người phải mua vé. Trên mỗi chiếc vé đều có ghi số ghế, số toa. Các bạn phải tìm đến số ghế và số toa ghi trên vé rồi ngồi cho đúng chỗ. Nếu người khác ngồi vào chỗ đó thì ta nhờ người khác bảo họ đi. Ta có cơ hội để ngồi vào nơi đó vì ta đã phải trả tiền cho nó. Nơi đó được quy định (tạm thời) là chỗ của ta. Chúng ta không chấp nhận nếu có ai đó ngồi vào chỗ của ta. Thế rồi, khi đến nhà ga chúng ta sẽ phải rời khỏi ghế ngồi, rời khỏi đoàn tàu để xuống ga. Lúc đó bạn thử nghĩ xem, chỗ ngồi ấy, toa tàu ấy có còn là của bạn nữa không? Thưa không, vì các bạn đã xuống tàu rồi, đường ta thì ta phải đi thôi. Bạn có còn nghĩ đến chuyện: “Toa đó là toa của tôi, ghế đó là ghế của tôi” nữa không? Chẳng còn ai nghĩ đến điều đó nữa.

Ví dụ: Trong một gia đình ở Yankin này chẳng hạn, do nghiệp và kết quả của nghiệp mà tất cả cha mẹ, anh chị em đều gặp nhau trong một gia đình, trong một khu phố ở Yankin này. Khi gặp nhau trong gia đình đó, có phải bạn gọi cái người đang làm mẹ mình rằng: Này bà ơi, hãy đến đây làm mẹ của tôi không? Thưa không, Đức Phật đã nói rằng: “anavhito tato āgā = nghĩa là không mời mà đến” và “nānuññāto itogato = nghĩa là không được phép mà lại bỏ đi.” Có ai ở đó nói rằng: Mẹ hãy ở lại với con, đừng có đi nữa được không? Thưa không.

Rồi như thế, khi gặp nhau, họ là chỗ nương tựa cho nhau. Liệu đó có phải là chỗ nương tựa mãi mãi không? Thưa không thể được. Khi họ khổ đau và khi chúng ta khổ đau, liệu có thể làm nơi nương tựa của ai được chăng? Thậm chí khi họ ngã, chúng ta còn hợp nhau lại để đỡ họ dậy nữa là. Rồi thì khi già, các bạn có thể nào đến nói với họ rằng: “Hãy đưa cái già đây” được không? Thưa không. Rồi khi bệnh nữa, chỉ một mình ta phải chịu đựng, thật khổ sở, mệt mỏi. Thử hỏi có ai cùng chịu cho ta chia sẽ một ít thọ khổ đó được không? Thưa không. Chà! Cái thế giới này rõ ràng là chẳng có gì để mà nương tựa – điều đó là rõ ràng phải không? Thật là quá rõ ràng. Khổ đau, khổ già, rồi cuối cùng là khổ chết, chẳng có ai có thể làm nơi nương tựa cho ai được cả. Vậy thì ai mới có thể là người cho ta nương tựa? Chỉ có chính bản thân mình thôi.


Trích bài viết cùng tên - TG: Sayadaw Nandamālābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Tỳ kheo Nguyên Tuệ
Nguồn: khemarama.com

Các tin tức khác

Back to top