Thiết lập cây cầu

28/04/2016 12:10
Hơi thở tuy thuộc về thân nhưng được xem như là những cây cầu nối liền với tâm.

Để ý ‎tới hơi thở, ta thiết lập được cây cầu, và chỉ trong một giây đồng hồ hay ít hơn, ta đã có thể làm cho thân tâm hợp nhất. Thân tâm hợp nhất đó là nền tảng của thiền. Thân tâm hợp nhất là điều kiện căn bản để ta nắm bắt được giây phút hiện tại (nghĩa là nhận diện được những gì xảy ra trong giây phút ấy, hoặc ở thân, hoặc ở tâm, hoặc ở hoàn cảnh). Không phải chỉ trong tư thế ngồi thiền ta mới làm được chuyện này. Khi ta giặt áo, tưới rau, lái xe, rửa bát, đi cầu, v.v… ta cũng có thể đặt mình trong trạng thái thân tâm nhất như ấy.

(Bạn hãy thử đứng dậy và tập bước đi vài bước trong chánh niệm. Thở vào bạn bước một bước, và ‎ý thức được sự xúc chạm của bàn chân trên sàn gỗ, sàn gạch, hoặc mặt đất. Thở ra, bạn bước một bước nữa, tâm ‎ hoàn toàn đặt vào bước chân. Trong khi bước những bước chân như thế, bạn không còn suy nghĩ, vì tâm ‎ bạn đang chú trọng vào bước chân và sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất. Bạn tập bước như thế nào mà mỗi bước chân của bạn có thể đem lại cho bạn niềm vui và sự thanh thản. Những người trong xã hội bây giờ quá bận rộn: họ đi như chạy, họ đi như bị ma đuổi, họ không có hạnh phúc và thảnh thơi trong từng bước đi. Có thể bạn cũng đã quen làm như họ, nhưng bây giờ bạn muốn thay đổi, để mỗi bước chân có thể đem lại niềm vui, sự vững chãi và sự thảnh thơi.

Thiền tổ Lâm Tế nói: bước chân trên mặt đất là thể hiện thần thông (địa hành thần thông). Phép lạ không phải là đi trên than hồng, đi trên mây hoặc trên mặt nước. Phép lạ là đi trên mặt đất, đi như một con người tự do, thanh thản, có chủ quyền về đời mình, không bị hoàn cảnh lôi cuốn, không đi như một người mộng du. Bụt đi như thế hằng ngày, và ta cũng có thể tập đi như thế. Trong khi tập đi, nếu thấy dễ chịu, mầu nhiệm, thảnh thơi, bạn hãy mỉm cười để nhận diện sự dễ chịu ấy, phép thần thông ấy.) 

 

Trích sách Chỉ Nam Thiền Tập - TG: Thích Nhất Hạnh

Theo Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top