Mầm sống trong cõi ung thư

26/05/2016 1:06
Vô bệnh đệ nhất lợi/ Tri túc đệ nhất phú (1).

Hai câu đối ghi lời Phật dạy rạng ngời trong căn nhà cổ kính. Người thiếu phụ dáng hình héo hon tàn tạ, giương đôi mắt thẫn thờ cố lắng nghe lời giảng của thầy… Bị ung thư giai đoạn cuối, chạy chữa đủ phương không bớt, chồng gần như bỏ rơi; trong cơn vô vọng thấy có người ăn chay trị bệnh hiệu quả, chị nhờ người dẫn tới một vị thầy ở tận quê xa… Cảnh, người, cách sống và cả phương pháp trị liệu ở đây gợi lại một thuở xưa chân chất hồn nhiên, như một cõi trú yên bình ngoài vòng tục lụy. Người thiếu phụ ấy đã nhập dòng trở về nguồn cội, ăn “gạo lứt muối mè” và hồi sinh với thân tâm tốt tươi vốn có…

Chuyện phim… Vâng, đó là phim “Mầm sống” của đạo diễn Phan Hoàng trình chiếu trên màn ảnh nhỏ kênh HTV7 và HTV9. Đối với giới làm và xem phim, đó là một đề tài mới mẻ; nhưng với Phan Hoàng thì dường như:

“Đi về tái ngộ Ohsawa (2)

Mưa nguồn từ thuở tuôn ra từ đầu…

Ký tên từ bấy nhiêu lâu

Tên là không tuổi vui sầu tiếp nhau” (3)


Tái ngộ, bởi chính anh cũng từng lìa xa quê nhà nguồn cội, qua cầu tử sinh rồi lội ngược dòng đời trở lại, và phim là nơi tỏ bày chứng nghiệm; ở đó hiển hiện cố nhân chỉ lối qua bản sao vai nữ. Cảnh đời của nhân vật này dựa theo chuyện thật của một cô giáo ở TP. Hồ Chí Minh (Cô đã thoát bệnh ung thư đến nay hơn 15 năm); và trong suốt thời gian biên soạn kịch bản, thực hiện bộ phim hơn hai năm trời, anh đã ăn “gạo lứt muối mè” ròng rã. Có lần sau buổi quay phim, anh vào hiên chùa ngồi nghỉ, lấy cơm ra nhai, vị sư trụ trì bước ra trông thấy khen anh chọn được con đường đúng đắn và khuyến khích tinh thần kiên trì.

“Gạo lứt muối mè” chẳng qua là một phương tiện để “tu”, để “sửa”, bắt đầu từ cái miệng. Miệng không chỉ là nơi phát ra lời nói, mà còn tiếp nhận thức ăn; do đó, miệng có thể dẫn tới bệnh tật khổ sầu, nhưng cũng có thể tạo ra khỏe vui lành mạnh. Đức Phật có dạy một trong những điều kiện dứt bỏ khổ đau là: “tri túc trong vật thực” (biết ăn vừa đủ) (4), “Khi thọ lãnh vật ăn uống nên xem như dùng thuốc, dù ngon dù dở chớ sinh lòng thêm bớt, miễn đủ nuôi thân để trừ bệnh đói khát… chứ không tham cầu mà hư hỏng lòng lành, giống như người trí biết lường sức trâu mà chuyên chở, không bắt làm quá độ đến đổi kiệt lực sinh hại” (5).

Có người suốt đời tu nhân tích đức bỗng phát bệnh ung thư, cứ tưởng là do những yếu tố ngoại lai như vi rút, ô nhiễm môi trường,.v.v., hoặc là quả báo của “nghiệp tiền kiếp”, mà không biết là tự mình, là kết quả của “nghiệp hiện tại” do thiếu tri túc và tham cầu. Lời dạy của đức Phật tuy lâu nhưng không cũ mới đây sau một cuộc nghiên cứu hơn 10 năm về những cơn dịch bệnh đang hoành hành, trong bản báo cáo kết quả, Ủy ban đặc biệt về dinh dưỡng và nhu cầu của con người thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định “Việc tiêu thụ quá mức những thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, thực phẩm tinh chế xử lý hóa học, đường, muối tinh lọc và rượu đi kèm với sự phát triển của 6 đến 10 chứng bệnh giết người hàng đầu: bệnh tim, ung thư, huyết áp cao và tai biến mạch máu não, tiểu đường, xơ cứng động mạch, xơ gan… Ăn uống sai lầm cộng với lối sống buông thả của chúng ta đã trở thành vấn đề đáng quan tâm chính cho sức khỏe cộng đồng”.


Đã là con người ai cũng muốn sung sướng tấm thân; và khi kinh tế thịnh vượng, tiện nghi vật chất dồi dào, người ta dễ nuông theo lối sống xa hoa lợi dưỡng, dễ sinh lòng hãnh tiến tham cầu, tìm đủ món ngon trò lạ để thỏa mãn nỗi thèm, hoặc chứng tỏ đẳng cấp, để rồi cuối cùng mắc vào bệnh tật, lâm cảnh ung thư.


Ung thư không chỉ xảy ra nơi thể chất, mà cả trong tâm hồn. Ung thư thể chất tàn hoại cá nhân, nhưng ung thư tâm hồn có thể lây hại xã hội, nhất là đến giai đoan “di căn” lan tràn khắp chốn. Người chồng của cô giáo trong phim “Mầm sống” đã rơi vào cảnh đó.


Trên đường cầu tìm hạnh phúc, chạm gặp những cảnh lợi quyền rực rỡ, người ấy cho mình “hạnh ngộ” chân lý nên mải mê đuổi bám. Thế là bản thân khởi sự “đột biến”, các chủng tử ác tính nảy sinh làm tâm trí đảo điên, xúi giục vào đường đấu tranh lừa lọc, nhưng giai đoạn đầu bệnh tiềm ẩn lặng yên, tướng hình phơi phới, nên ung dung thẳng tiến. Dần dần bệnh di căn một vài triệu chứng đớn đau bắt đầu lộ diện: vợ gần chết, con gái suýt hư, băng nhóm khống chế, dư luận phẫn nộ; cứ cho là bên ngoài tác động; nên chạy quanh tìm phương đối trị; đến khi bệnh bộc phát, thân bại danh liệt, tội tù ám ảnh mới biết mình sa cõi ung thư khó bề cứu giải, lúc đó tướng hình tàn tạ, ăn ngủ không yên như sống trong địa ngục.


Cõi ung thư hiện tiền không giới hạn trong vòng người lớn tuổi, mà trải rộng bao trùm cả giới trẻ. Tấm gương tiêu biểu trong phim “Mầm sống” là một cô học trò dễ thương mẫu mực choáng ngợp trước ánh sáng kim tiền, đã lao vào ngọn lửa phù hoa, để các chủng tử ác tính êm đềm đưa đẩy và cuối cùng thân xác rã rời, chỉ mong được chết cho thoát kiếp.


Tuy nhiên, trong cõi chết vẫn ẩn tàng mầm sống và giống như hạt giống vùi lấp dưới cát nóng sa mạc, chỉ cần một cơn mưa thuận hợp là đủ nẩy chồi phủ lên vùng đất chai cằn thảm hoa tươi đẹp. Mầm sống, những chủng tử thiện lành vốn có của những nhân vật trong phim đã nhờ thiện duyên mà bừng nở.


Dù sao, những mầm sống đó chưa bị thui chột; nếu không thì có tưới chăm cách mấy cũng không nứt mộng. Chỉ khi người ta biết tự lực quay mình hồi hướng thì mới có thể vượt qua bể khổ. Ăn gạo lứt muối mè cũng vậy, nếu người bệnh không chịu khó kiên trì, câu thúc thân, khầu, ý, tránh những cám dỗ thì không nào hiệu quả như đức Phật dạy:


“Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm;

Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta.

Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.

Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch hay ô nhiễm” (7)

“Phiền não tức bồ đề”; (6) trong sự bế tắc cùng cực, đôi khi người ta giật mình nhìn lại và tìm đến chốn giải thoát. Giáo sư Ohsawa có nói: “bệnh ung thư thật sự là đại ân nhân của nhân loại, vì chứng bệnh này kìm hãm tốc độ phát triển tai hại của nền văn minh hiện đại, cứu chúng ta thoát khỏi cảnh diệt vong do tư tưởng tôn sùng vật chất quá đáng đem lại, cái tư tưởng không biết đến Sự Sống và Trật Tự Vũ Trụ tức Pháp, Luật Thiên Nhiên”, chính bệnh ung thư giúp con người mở rộng tầm nhìn để thấy được nguyên nhân của bệnh cũng như những tai họa xảy đến cho mình; từ đó, người ta mới chịu khó nghĩ suy và tìm ra đầu mối dẫn tới một cuộc đời yên vui lành mạnh.

Chuyện phim nào cũng đến hồi kết thúc… Từ giã ông Thầy đưa vợ trở về, người chồng tươi cười hứa hẹn: “Tôi cũng phải ăn gạo lứt muối mè mới được”.

(1) (7) Ý từ kinh Pháp Cú.

(2) Ohsawa: tên người khởi xướng phương pháp gạo lứt muối mè (phương pháp thực dưỡng).

(3) Thơ Bùi Giáng.

(4) Kinh Sutta Nipàta.

(5) Kinh Phật Di Giáo.

(6) Kinh Pháp Bảo Đàn.

 

TG: Tịnh Tú - Theo TTM

Các tin tức khác

Back to top