Thói quen đổ lỗi

5/06/2016 1:09
Cứ mỗi lần một đứa trẻ do chạy nhanh mà vô tình ngã đập đầu gối xuống đất, đau và khóc ré lên thì bà hay mẹ chúng đều chạy đến đỡ dậy, đồng thời “đánh chừa” cái sàn nhà làm chúng đau.

Người biết dạy con thì đợi đứa bé nín khóc mới từ từ khuyên bảo lần sau phải đi đứng cẩn thận hơn. Gia đình nào chiều con chiều cháu thì lại hướng nó bằng một câu chuyện khác để cho quên cái đau đó. Dù với cách ứng xử như thế nào thì những người lớn đã ít nhiều reo rắc vào tâm trí mỗi đứa trẻ ngây thơ ý nghĩ rằng không phải nó tự gây ngã cho mình mà trước tiên là cái sàn nhà làm nó ngã. Để rồi đến khi lớn lên, con người ta hình thành thói quen luôn đổ lỗi cho người khác hay do ngoại cảnh, chứ mấy ai chịu nhìn nhận lỗi thuộc về mình.

Con người ta ai cũng có cái tôi thật lớn và có bao giới muốn hạ thấp nó xuống đâu. Vậy nên, ít nhiều gì thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ai cũng tìm ra cho mình một lí do nào đó để đùn đẩy thiếu sót, rủi ro ra khỏi mình. Chẳng bao giờ họ chịu nhận lỗi về mình ngay cả khi cái sai rành rành từ phía họ. Ví dụ, một người đi làm muộn thì chắc hẳn trong suy nghĩ anh ta cũng đổ cho rằng do tắc đường, gặp đèn đỏ, hỏng xe… khiến anh ta không thể đến sớm hơn. Trừ khi có một số người trong một số hoàn cảnh không thể chối cãi hơn được nữa, hay người đó là con người có tính khiêm nhường thì mới biết nhận lỗi về mình. Thế nhưng, cuộc sống thì thiên biến vạn hóa, biết bao câu chuyện diễn ra hàng ngày thì số người biết nhận lỗi hay số lỗi được nhận đó có đáng là bao.

Thói quen đổ lỗi thể hiện cho việc một người muốn che giấu sự mất kiểm soát của mình trước hoàn cảnh. Cũng tại bởi cái tôi quá lớn nên người đó không chấp nhận rằng mình đã không kiểm soát được tình hình và chỉ còn cách vin vào một lí do ngoại cảnh nào đó để đổ lỗi. Điều này khiến cho người đó nhận thấy rằng họ có thể kiểm soát tình hình tốt hơn.

Một số người thì muốn chối bỏ trách nhiệm của mình nên tìm cách đổ lỗi cho điều gì đó. Vì một nỗi lo lắng bên trong nên họ không dám nhận rằng mình đã sai hay có góp mặt vào nguyên nhân gây nên hoàn cảnh không may đó. Một cậu học sinh bị điểm kém, lo sợ bị bố mẹ mắng nên tìm cách đổ lỗi rằng do bài khó, do cô giáo giảng không tới nơi tới chốn… nên mới bị như vậy. Cậu bé đâu có dám nhận trách nhiệm rằng do mình lười học, không chịu nghe giảng hay đào sâu suy nghĩ để tìm ra đáp án.

Có những người do không dám đối diện với thất bại của bản thân nên không ngừng cho rằng những tác động bên ngoài gây nên hậu quả đó. Một người kinh doanh không thành công, anh ta cho rằng do thị trường đang bấp bênh, do khách hàng không biết tới sản phẩm chất lượng của anh ta, do nhân viên lười biếng… nên công ty mới làm ăn thất bát như vậy. Việc đổ lỗi để anh ta cứu vớt cái tôi của mình và sự bất lực của mình trước hoàn cảnh hiện tại.

Có những người thì không thể chấp nhận được những điều đã xảy ra nên họ cũng tìm một nguyên nhân nào đó bên ngoài để đổ lỗi cho nó. Bắt gặp ông chồng mình đi ngoại tình, bà vợ nào mà chẳng hoang mang và cảm thấy đó là một sự thật không thể chấp nhận được. Chính vì lẽ đó mà họ chỉ nghĩ được rằng là do “đứa mặt dày” nào đó quyến rũ chồng bà chứ đâu phải do mình suốt ngày cau có, soi mói, bắt nạt chồng khiến ông chồng không thể chịu nổi mình nữa.

Dù với bất kỳ lí do nào thì đều xoay quanh cái tôi của mỗi con người. Việc đổ lỗi đó sẽ khiến họ phủ nhận đi cái tôi yếu ớt trong mình, tìm cách bảo toàn vị trí của nó trước người khác. Từ đó họ tìm một sự “thanh thản” cho cái bản ngã không chịu khuất phục đó bằng cách vin vào lí do ngoại cảnh gây nên hoàn cảnh không như ý muốn này. Thực tế, mỗi lần làm như vậy thì nghĩa là con người ta đã nuông chiều và bồi thêm vào sự cao ngạo của cái tôi trong mình.

Vậy phải làm sao để từ bỏ được thói quen cố hữu đó? Đã là thói quen thì rất khó từ bỏ, nhưng nếu bạn là người đủ tỉnh táo, đủ nhận thức về cái đúng cái sai và luôn mong muốn hoàn thiện bản thân mình thì không khó để bạn có thể xóa bỏ thói quen không tốt này.

Trước tiên, bạn phải xây dựng thói quen mới cho mình. Đó là thói quen biết nhận lỗi về mình. Để thay đổi được thói quen này, bạn phải thay đổi cách nhìn về mọi vấn đề. Mọi việc không có điều gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, chỉ là sự đúng sai chênh lệch nhau ở mức độ nào. Do đó, khi gặp một vấn đề gì, trước khi đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác thì bạn hãy bình tĩnh suy xét lại xem là mình làm như vậy đã đúng chưa, trách nhiệm của mình trong chuyện này đã hoàn thành trọn vẹn chưa. Đừng cho rằng mình đủ hoàn hảo để làm tốt mọi việc bởi nếu mình đã hoàn toàn làm đúng rồi thì mọi việc sao vẫn không như ý muốn. Vậy nên, chắc chắn là bạn có nhầm lẫn, thiếu sót ở đâu đó nên mới thành ra như vậy. Hãy bình tĩnh nhìn nhận mọi vấn đề, để thấy rõ được mình sai ở đâu để mà hoàn thiện nó hơn.

Bạn cũng cần phải nâng cao ý thức hoàn thiện mình trong cuộc sống. Con người chúng ta chẳng ai hoàn hảo, vậy nên, chúng ta muốn sống cho ý nghĩa thì cũng phải luôn hướng tới việc hoàn thiện bản thân với những điều tốt đẹp. Vậy nên, hãy nhớ là mình không hoàn hảo như vậy thì chắc chắn là việc mình làm cũng không thể hoàn hảo. Do đó, đừng vội đổ lỗi cho người khác trước những khó khăn mà hãy nhìn lại do mình còn làm chưa tốt ở chỗ này, chỗ kia thì mới dẫn đến như vậy. Và mình cần phải thay đổi để hoàn thiện mình hơn nữa, chứ không phải một mặt thì cứ mong muốn mình tốt đẹp lên nhưng mặt khác lại khư khư cho rằng mình làm thế là đúng rồi, hoàn hảo nhất rồi. Vậy sao ta không thanh thản đón nhận mọi thứ, cả điều tốt, điều chưa tốt để biết rằng: “À, đúng là mình nhầm ở đây thật, đúng là lỗi của mình thật” để mình sửa đổi và hoàn thiện mình hơn trong những lần sau?

Một điều quan trọng nữa để thay đổi thói quen đổ lỗi là bạn cần phải sống có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Khi đổ lỗi cho một người khác, có thể lúc đó bạn thấy rất nhẹ nhàng, thanh thản khi đã bảo vệ cái tôi của mình thành công. Nhưng sự thanh thản đó liệu có thực sự là sự thanh thản bền lâu? Thực ra, những người đủ thông minh và sáng suốt sẽ nhận ra rằng việc đổ lỗi đó chỉ làm tạm thời, cứu nguy cho lúc đó nhưng rồi tự bản thân họ sẽ có phần nào đó ăn năn, tiếc nuối. Vì vậy, để đạt được sự thanh thản thực sự bền lâu trong mình, bạn phải dũng cảm đối diện với sai lầm của mình, tìm và nhận lỗi về mình. Như thế, bạn mới thực sự thấy được sự thanh thản và sống có trách nhiệm với bản thân vì bạn đang giúp nó hoàn thiện hơn chứ không phải một sự hèn nhát, xấu hổ như bạn đã từng nghĩ.

Nhận lỗi về mình trong mọi chuyện không có gì là sai mà ngược lại, nó chỉ càng cho thấy bạn là người khiêm nhường, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Đồng thời, nó sẽ làm tăng sự dũng cảm của bạn bởi bạn đã biết đối mặt với chính những yếu kém của mình. Đây cũng là cách để bạn gạt bỏ bớt cái tôi của mình đi, bởi nó chỉ là nguyên nhân của sự kiêu hãnh, cao ngạo trong bạn mà nếu không đạt được điều đó thì không gì khác là bạn sẽ nhận lấy đau khổ. Không còn cái tôi, lòng bạn sẽ có rất nhiều chỗ trống để chứa đựng sự an lạc và tình yêu thương đối với mọi người. Chỉ vì nó mà bạn nghĩ bạn không thể hạ thấp mình, không thể thất bại hay mất kiểm soát trong mọi chuyện được và luôn kỳ vọng vào những điều tốt đẹp để nuông chiều cho cái tôi tham lam đó. Chính vì vậy mà bạn mới bị gục ngã ít nhiều khi mọi việc xảy ra không như mong muốn và tìm cách đổ lỗi cho ngoại cảnh để mong cứu vớt cái tôi của mình. Hãy tỉnh táo và thành thật với chính mình cũng như không ngừng quên việc hoàn thiện mình mỗi ngày thì bạn sẽ có được niềm vui và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.

 

Chap Zen - Theo Hơi Thở

Các tin tức khác

Back to top