Nghịch cảnh phải nhẫn mà thuận cảnh cũng nhẫn

11/07/2016 10:41
Sở dĩ con người khởi tâm sân là do họ không thỏa mãn được ham muốn và tham ái; hoặc họ được rồi, lại sợ mất đi.

Cho nên chỉ cần thuận theo ý mình thì vui vẻ, nhưng ở thế gian hết tám, chín việc không như ý; do đó, trong tâm thường nổi giận, tức giận là sân. Như oán hận, phẫn nộ và căm thù đều là sân.

Sự thật tâm sân làm tổn hại người, chỉ cần chúng ta vừa tức giận thì tế bào trong thân chết không biết bao nhiêu mà kể, rất dễ đưa đến tinh thần bất an và thân thể bị bệnh tật; cho nên tâm sân làm tổn hại nặng nhất là chính mình.

Vả lại, khi nổi tức giận cũng không thể giải quyết vấn đề chính xác. Chúng ta dùng những phương thức tranh cãi, ỷ quyền lực, tức giận... để xử lý sự việc, chỉ làm cho người ta sợ bạn nhất thời, vốn chẳng được việc gì. Chỉ có đem tâm từ bi hoặc là trí tuệ để xử lý thì mới có thể giải quyết vấn đề chính xác. Do đó, chúng ta thấy người có tâm rộng lượng thì cơ hội thành công thường rất cao; nhưng người dễ nổi cáu gắt, làm cho mọi người sợ hãi, tất nhiên không được mọi người tôn kính. Cho nên, chúng ta phải nỗ lực tu dưỡng tính tình của mình thì mới có thể làm lợi người và lợi mình.

Vậy làm thế nào hóa giải được tâm sân? Phương pháp tốt nhất là giải quyết tận gốc, hiểu rõ tâm sân nổi lên là vô ích, chỉ cần không sân thì bản thân mình mới tốt. Vì khi việc không như ý xảy ra mà chúng ta có tức giận thế nào cũng vô ích, tức giận lên sẽ chửi bới lẫn nhau; hoặc xảy ra xung đột làm hại người lại không lợi cho mình. Vì thế, chúng ta phải lắng nghe ý kiến của người khác và phải hết lòng thông cảm nỗi đau khổ của đối phương; như vậy, tâm sân sẽ giảm bớt.

Có người vừa động một tí thì liền nổi tức giận, chúng ta biết rõ tức giận là điều không tốt, họ cũng không muốn nổi giận, nhưng tật xấu lâu ngày quả là khó sửa đổi.

Khi gặp người như thế, ngay cả quan niệm cũng không áp dụng được. Chúng tôi thường dùng phương pháp dạy mọi người, là khi chúng ta tức giận thì theo dõi hơi thở và suy nghĩ: “Ta còn thở được, thật là may mắn”. Như thế, bực bội cũng dần bớt đi. Khi chúng ta đối diện với người đang nổi tức giận thì nhẫn nhục là cách ngăn chặn được xảy ra việc không hay. Vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói công đức nhẫn nhục nhiều hơn công đức trì giới, tu khổ hạnh. Chúng ta nhẫn nhục không chỉ đối với nghịch cảnh hiện tại phải nhẫn mà đối với thuận cảnh cũng phải nhẫn. Bởi vì, khi chúng ta gặp thuận cảnh thường ngất ngây tự mãn, nếu như gặp chút thất bại thì tâm sân hận lập tức nổi lên; cho nên, chúng ta thường giữ tâm lý bình tĩnh, không nên thỏa mãn đắc ý; đây là nhẫn có trí tuệ.

Có rất nhiều người lầm cho rằng nhẫn là nhẫn nhục chịu đựng. Do đó, khi họ gặp việc gì không hợp lý đều nói: “Thôi kệ! Mình cố gắng chịu đựng!”. Thật ra, nhẫn không phải là nén giận, chịu oan ức mà là kiềm chế hành động nóng nảy của mình, không nên phản ứng ngay lập tức. Bởi vì trước tiên chúng ta phải biết vì sao sự việc xảy ra, rồi mới có thể theo thời cơ thích hợp, phản ứng việc đó đúng lúc; như thế, mới giải quyết vấn đề vẹn cả thì chấp ngã cũng nặng, họ luôn chấp ý kiến, được mất và sĩ diện của mình. Thật ra, có rất nhiều việc chẳng có gì ghê gớm, vì một chút vấn đề sĩ diện mà tranh giành điều tốt, xấu với người khác; thậm chí, còn liều mạng mày chết tao sống, quả thật là rất đáng tiếc.

Vì thế, chúng ta không nên áp đặt người khác, cho là mình đáng được vênh váo đắc ý mà phải suy nghĩ: “Khi ta nổi sân, có phải đối phương cũng nổi sân như mình?”.

Nếu như cả hai người đều tức giận thì chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề tranh cãi. Nếu chỉ tự mình nổi sân, còn đối phương vẫn bình thản thì chỉ có tự hại mình, bởi vì mình nổi giận, đối phương vẫn bình thản. Cho dù đối phương cũng bị hại, nhưng họ cũng ít phiền não hơn; cho nên mình bị tổn thương nặng, đối phương tổn thương nhẹ.

Chúng ta nghĩ thông suốt điều này, lần sau khi tâm sân nổi lên thì trước tiên kiềm chế lại cho mình một con đường rút lui, đồng thời cũng cho người khác một đường đi tới; như thế, hai bên sẽ thông suốt không bị chướng ngại.

 

HT. Thánh Nghiêm

Các tin tức khác

Back to top