Hạnh phúc và giác ngộ

28/07/2016 1:41
Hỏi: Nhiều người quan điểm rằng hạnh phúc và giác ngộ là những thứ xảy ra ở tương lai chỉ thiểu số mới được trải nghiệm. Giác ngộ có vẻ như là một điều rất khó đạt được…

Trả lời: Hạnh phúc và giác ngộ là những sinh vật có thể lớn lên. Bạn hoàn toàn có thể nuôi dưỡng chúng mỗi ngày. Nếu không nuôi dưỡng, sự giác ngộ của bạn sẽ chết. Nếu không nuôi dưỡng, tình yêu của bạn sẽ chết. Nếu bạn tiếp tục nuôi dưỡng giận dữ, hận thù, sợ hãi, chúng sẽ phát triển. Đức Phật dạy, không thứ gì sống được thiếu thức ăn. Điều đó áp dụng cả với giác ngộ, hạnh phúc, nỗi buồn, nỗi đau.

Trước hết, giác ngộ là giác ngộ về một cái gì đó. Giả sử, bạn đang uống trà và ý thức được mình đang uống trà. Chánh niệm về việc uống trà đó là một dạng giác ngộ. Có rất nhiều khi bạn uống mà không để ý vì đang đắm chìm trong lo lắng. Vì thế, chánh niệm về việc uống chính là một dạng giác ngộ.

Nếu tập trung tâm trí vào hành động, hạnh phúc có thể đến trong lúc bạn uống trà. Bạn có thể thưởng thức trà ở đây và ngay bây giờ. Nhưng nếu không biết uống trà bằng chánh niệm và tập trung, bạn không thực sự uống trà mà uống nỗi đau, nỗi sợ, cơn giận. Không chút hạnh phúc.

Thấu hiểu cũng là giác ngộ. Nhận ra mình vẫn đang sống, đang bước đi trên thế giới tươi đẹp này cũng là một dạng giác ngộ. Điều đó không tự dưng mà đến. Bạn phải đặt tâm trí để tận hưởng từng bước đi. Và, một lần nữa, bạn phải giữ gìn sự giác ngộ để hạnh phúc được tiếp tục. Nếu bạn bước đi như một người đang chạy, hạnh phúc sẽ chấm dứt.

Từng sự giác ngộ nhỏ phải đi liền với nhau. Chúng phải luôn luôn được nuôi dưỡng để trở thành sự giác ngộ tuyệt vời nhất có thể. Một khoảng khắc sống trong chánh niệm đã là một khoảng khắc giác ngộ. Nếu bạn luyện tập bản thân để sống như vậy mỗi ngày, hạnh phúc và giác ngộ sẽ tiếp tục lớn lên.

Nếu bạn biết cách duy trì giác ngộ và hạnh phúc, nỗi đau, nỗi sợ, nỗi khổ sẽ không còn cơ hội hiện hữu. Nếu không xuất hiện trong thời gian dài, chúng sẽ dần dần yếu đi. Rồi, khi ai đó chạm đến hạt giống đau khổ, sợ hãi, giận dữ trong bạn và những thứ đó bộc phát, bạn sẽ biết cách mang trở lại hơi thở chánh niệm và nụ cười chánh niệm. Bạn sẽ ôm lấy được nỗi đau khổ của chính mình.

*Theo John Malkin

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ với doanh nhân
Theo Nguyệt Minh/Trí thức trẻ/CafeF

Các tin tức khác

Back to top