Tham Thiền kiếp này chưa kiến tánh, khi chết rồi đi về đâu?

30/07/2016 12:46
Đức Phật nói: “Nếu người giữ được ngũ giới thì không mất thân người”, khỏi bị đọa vào Tam ác đạo(*). Kiếp này mình trì ngũ giới, mặc dầu chưa ngộ, kiếp sau đầu thai thành người, tiếp tục tham nữa, bởi cái nhân cách ấm cũng chẳng thể mất được, vì Trí Bát Nhã(**) của mình trong A lại da thức(***) được chứa trong kho không mất, đợi khi nào khởi lên vận hành rồi chủng tử mới mất, nếu chưa vận hành cứ giữ mãi trong kho Tạng thức, dù trải qua muôn ngàn kiếp cũng không mất.
Kiếp này tham Thiền ví như đi đường từ Chợ Lớn ra Sài Gòn gồm trăm bước, hễ đi được một bước thì còn lại chín mươi chín bước, đi hai bước còn chín mươi tám bước, đi ba bước còn chín mươi bảy bước… hễ đi được ba bước chết đi, kiếp sau bắt đầu từ bước thứ chín mươi bảy, hễ đi được năm mươi bước chết đi thì kiếp sau đi thêm năm mươi bước nữa, chứ không cần bắt đầu lại trăm bước. Nay chúng ta còn sống thì cứ tham mãi, khỏi cần lo cho việc chết, nếu cứ lo cho việc chết, chẳng những kiếp này không được tiến bộ, cũng khó được Kiến tánh(****).

Nhiều người cho rằng: “Mình nghiệp chướng nặng quá làm sao kiến tánh?" Kỳ thật nghiệp chướng cũng là do tâm tạo, chứ có ai cho mình đâu! Trong tác phẩm “證道歌 - Chứng Đạo Ca” của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) nói: “了即業障本來空- Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không”, Liễu tức liễu ngộ tự tánh. Trong lúc chiêm bao, phạm tội bị chính phủ trong chiêm bao bắt ở tù, chịu đủ thứ khổ, đến lúc thức tỉnh rồi tìm chính phủ trong chiêm bao ở đâu? Đủ thứ khổ trong chiêm bao, kể thân trong chiêm bao ở đâu?

Như tôi thường nói, hai thứ nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao; nhắm mắt chiêm bao ngủ đến sáng là hết, còn mở mắt chiêm bao phải đợi kiến tánh mới thức tỉnh được, mới hết. Chớ có nói do nghiệp chướng nặng, nói chẳng kiến tánh được, ấy là tâm mình tự bó buộc mình. Ví như trong kinh Phật nói người nữ kia… Cũng chính lời Phật phá năm thứ chướng này trong Kinh Diệu Pháp Liên Pháp Hoa, có phẩm kể về Long Nữ thành Phật, chẳng những là nữ còn thuộc hàng súc sinh nữa!

Nên biết, lời nói của Phật chẳng thể chấp thật, mà chỉ để phá chấp thật của mình thôi. Người nào cũng có thể thành Phật, chỉ cần quyết tử dụng công phu, bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ, thông minh hay ngu si v.v... đều có thể thành Phật. Chớ nói rằng “ngày nay tham thiền mai chết sẽ ra sao”, chớ có lo sẽ đi về đâu, hạt giống thành Phật đã gieo thì ắt có ngày thành Phật.

Thiền sư Thích Duy Lực

Chú thích:

(*) Tam Ác đạo: 三惡道

Tam ác đạo là ba đường dữ: Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh. Do chúng sinh tạo nhiều ác nghiệp nên lúc mạng chung chiêu cảm ác báo bị đọa trong ba đường dữ chịu nhiều thống khổ đớn đau.

1. Địa ngục: Địa ngục tiếng Phạn gọi là Ma-Lực-Ca, Trung Hoa dịch là Bất-Lạc, Khổ-cụ, Khổ-khí, Vô-hữu...nghĩa là cảnh giới hoàn toàn thống khổ không bao giờ có chút an vui, đáng ghê gớm sợ sệt đủ thứ cực hình, nơi tra tấn khốc liệt, tội nhân ở đó bị lửa đốt bị quăng vào vạc dầu sôi, bị cưa, bị kéo đau đớn vô cùng, chừng nào nghiệp báo hết thì mới thoát khỏi chốn này. Địa ngục này ở dưới đất nên gọi là Địa ngục. Tất cả các địa ngục đều có ba loại:

- Căn bản địa ngục: Bát hàn, Bát đại địa ngục

- Cận biên Địa ngục: 16 du tăng địa ngục...

Cô độc Địa ngục: Địa ngục ở trong núi, trong đồng nội, ở dưới cội cây... chúng sanh do tạo tội Thượng phẩm thập ác mà đọa địa ngục.

2. Ngạ quỉ: Là cảnh giới của loài quỉ đói khát, muốn ăn mà không được ăn, muốn uống mà không uống được, vì thế nên luôn bị sự đói khát bức bách lại bị đánh đập liên miên. Chúng sinh do tạo nghiệp phạm Trung phẩm thập ác và tham lam bỏn xẻn, keo kiệt mà cảm lấy quả báo làm ngạ quỉ  và có hình thù rất xấu xí.

3. Súc sinh: Là chốn đầu thai làm súc sinh như ngựa, lừa, heo, chó,... Súc sinh bị người ta đày đọa làm việc khổ cực như trâu, bò, lừa,... lại còn bị chém giết, ăn thịt và chính chúng nó giết hại lẫn nhau để ăn nuốt, nên rất là đau đớn khốn khổ. Chúng sinh do tạo nghiệp Hạ phẩm thập ác mà chiêu cảm quả báo đọa làm thú và chịu nhiều thống khổ.

Do các sự độc ác khổ não ấy, nên gọi ba đường luân hồi ấy là Tam ác đạo, Tam thú.

(**) – Bát Nhã trí: 般若智
Trí huệ của tự tánh (khác với trí huệ của bộ óc) sẵn đầy đủ khắp không gian thời gian, chẳng có thiếu sót, chẳng có chướng ngại, cái dụng tự động chẳng cần tác ý, tùy cơ ứng hiện chẳng sai mảy may.

(***) - A Lại Da thức: 阿賴耶識 Àlaya 
Là thức thứ tám, cũng gọi là Tạng thức, tức là tất cả chủng tử thiện, ác, vô ký, do thức thứ sáu lãnh đạo năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân) làm ra đều chứa trong đó.

(****) – Kiến tánh: 見性 
Tham thiền đến chỗ cùng tột, “Ồ” lên một tiếng, trong sát na tự tánh bỗng hiện, liễu chứng các pháp vô sinh, chẳng phải có Năng kiến Sở kiến.
 
Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top