Hạnh phúc và đau khổ ở đâu?

8/09/2016 1:36
Hạnh phúc và đau khổ ở đâu? Bất cứ điều gì, chúng ta cũng đừng nắm giữ, đừng bám víu, đừng dồn hết sự quan tâm vào đó như thể nó không có mặt ở đó. Khổ sẽ không còn nữa. Khổ phát sinh là từ hữu (bhava). Nếu có hữu, tức có sanh. Upādāna - nghĩa là bám víu hay tham chấp - đây là điều kiện tiên quyết tạo nên khổ. Nơi đâu khổ khởi dậy, hãy quan sát kỹ nó. Đừng nhìn đâu xa xôi, hãy nhìn ngay vào trong giờ phút hiện tại. Hãy quán sát ngay chính thân và tâm của mình. Khi khổ có mặt... “Tại sao có khổ?” Quán sát ngay đây. Khi hạnh phúc đến, nguyên nhân gì đưa đến hạnh phúc đó? Quán sát ngay đấy. Những cảm thọ này khởi sinh ở đâu, hãy chánh niệm. Cả hai hạnh phúc và khổ đau khởi lên từ tham chấp vậy.

Các hành giả dày dặn kinh nghiệm đã quán chiếu tâm của họ theo cách này. Tất cả chỉ là sinh rồi diệt. Không có một thực thể nào tồn tại cả. Họ quán chiếu từ mọi góc độ và nhận diện ra rằng không có gì nơi tâm này, không có gì bền vững. Chỉ có sinh và diệt, diệt và sinh, không có thực thể nào lâu bền cả. Trong lúc đi hay ngồi, họ nhận diện các pháp theo cách này. Nơi nào họ quán chiếu, chỉ có khổ, thế thôi. Giống như một trái banh to bằng sắt, nó chỉ bị nổ tung trong lò luyện kim. Toàn một khối nóng rực. Nếu bạn chạm vào đỉnh nó, sẽ thấy rất nóng, chạm xung quanh cũng thấy nóng, nóng mọi chỗ. Không chỗ nào trên nó mát lạnh cả.

Tại đây, nếu không cân nhắc những điều này chúng ta không biết gì về chúng. Chúng ta phải nhận diện chúng một cách rõ ràng. Đừng lệ thuộc vào sự vật hay sự việc gì, đừng rơi vào “sanh” nữa. Hãy nhận biết dòng diễn biến của sanh. Những suy nghĩ như “Ồ, ta không thể đồng ý với người ấy, anh ta làm mọi việc đều sái quấy,...” sẽ không còn khởi lên. Hay nghĩ, “Tôi rất thích như thế, như thế...”, những tư tưởng này cũng không khởi lên nữa. Chỉ một điều duy nhất còn sót lại, lời nói tùy duyên theo những tiêu chuẩn thế gian quy ước rằng thích hay không thích, còn trong tâm nghĩ theo hướng khác. Lời nói bên ngoài và tâm riêng biệt nhau. Chúng ta cần phải dùng những quy ước thế gian để truyền thông với nhau nhưng bên trong tâm chúng ta hoàn toàn trống rỗng. Tâm vượt lên trên những thói quen quy ước ấy. Chúng ta phải mang tâm siêu vượt lên giống như vậy. Đây là chỗ an trú của bậc Thánh. Chúng ta phải thực tập với mục tiêu này. Đừng rơi vào lưới nghi.

Trước khi bắt đầu thực tập, tôi tự nghĩ, “Đạo Phật là đây, dành cho tất cả, nhưng tại sao có người thực tập, có người không? Có người thực tập nhưng chỉ trong một thời gian ngắn rồi từ bỏ. Có người kiên trì thực tập, không bỏ nửa chừng, không đầu hàng? Tại sao vậy?” Rồi tôi tự giải đáp cho mình, “Ồ... Tôi sẽ quên đi thân và tâm này trong mọi hoàn cảnh và cố tu theo từng đường tơ kẻ tóc trong lời dạy của Đức Thế Tôn. Tôi sẽ đạt đuợc trí tuệ trong đời sống này... bởi vì nếu không đạt được tôi vẫn sẽ bị chìm trong biển khổ. Tôi sẽ buông bỏ tất cả và quyết định thực tập tinh tấn, khó khăn gian khổ không còn có ý nghĩa gì nữa, tôi sẽ kham nhẫn, tôi sẽ kiên trì. Nếu không thực tập như thế tôi sẽ chỉ cưu mang hoài nghi mà thôi.

Suy nghĩ như vậy, tôi tập trung thân tâm vào thực tập. Tôi không quan tâm hạnh phúc, khổ đau hay khó khăn gì nữa cả, tôi phải kham nhẫn, tôi phải thực tập. Tôi quán chiếu cả cuộc đời mình như chỉ một ngày đêm. Tôi từ bỏ hết. Tôi tự nhủ: “Mình sẽ hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, sẽ hành theo giáo pháp để hiểu rõ - Tại sao thế giới huyễn hoặc này quá khốn khổ vậy?” Tôi muốn biết, tôi muốn thông suốt giáo pháp, nên tôi đã trở lại thực tập Pháp.

Đi xuất gia, chúng ta đã gạt bỏ bao nhiêu lạc thú thế gian? Xuất gia vì mục đích tốt đẹp nên chúng ta từ bỏ tất cả, không gì chúng ta không từ bỏ. Mọi thứ trên thế gian này như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc dễ chịu... , con người ta đắm chìm hưởng thụ, chúng ta đều dẹp sang một bên, đều quăng bỏ hết. Chúng ta biết rõ chúng. Thế nên các hành giả phải bằng lòng điều kiện cuộc sống vừa đủ và không tham luyến. Dù nói hay ăn hay bất cứ việc gì, chúng ta đều biết đủ: ăn đơn giản, ngủ đơn giản, sống đơn giản. Giống như họ thường nói “một người bình thường”, một người sống đơn giản. Càng thực tập bạn càng biết sống vừa đủ trong cuộc sống tu tập của mình. Bạn sẽ nhận diện rõ nội tâm mình.

Giáo pháp là paccattam, bạn phải nhận chân giáo pháp ở nơi chính mình. Nhận biết nơi chính mình có nghĩa là thực tập nơi chính mình. Bạn có thể dựa vào vị thầy chỉ năm mươi phần trăm trên con đường tu tập của mình mà thôi. Ngay cả lời dạy hôm nay tôi nói với bạn, tự thân nó hoàn toàn vô dụng, dù là nó có giá trị nhưng chỉ trong việc nghe. Nhưng nếu bạn tin tưởng nó bởi vì từ miệng tôi nói, vậy bạn đã không áp dụng lời Phật dạy một cách đúng đắn rồi.

Nếu bạn hoàn toàn tin tưởng tôi thì ra bạn ngờ nghệch quá. Nghe lời dạy thấy lợi ích của nó, vận dụng nó vào việc thực tập chính mình, nhận chân nó từ chính mình, tự mình thực hành, ... đây mới là hữu dụng hơn nhiều vậy. Bạn sẽ nhận chân vị ngọt của giáo pháp nơi chính bạn.

 

Trích Cội Nguồn Trí Tuệ

Nguyên tác: Food for the Heart

Chuyển ngữ: Thường Huyễn

Nguồn: TVHS

Các tin tức khác

Back to top