Tuy thời gian ấy rất ngắn, nhưng ta có làm chủ. Người không biết tu, niệm dấy lên cứ chạy theo hoài, đến lúc nằm xuống ngủ cũng không yên, hết nhớ chuyện này tới nhớ chuyện kia. Chúng ta biết chận đứng ngay khi niệm vừa dấy lên là làm chủ được nó. Thường ta làm chủ người ngoài dễ hơn làm chủ mình. Đối với người ngoài mình có thế lực mạnh hơn thì làm chủ được họ. Còn tâm dù ta là ông lớn cở nào, làm chủ cũng không được. Vì vậy phải làm chủ mình trước. Phật dạy: “Thắng một vạn quân không bằng thắng mình. Thắng mình mới là chiến công oanh liệt”. Thắng mình là thắng những tâm niệm lăng xăng dấy khởi. Còn thắng người ngoài thấy như mạnh, nhưng rốt cuộc không hơn ai. Đọc truyện Tàu, ta thấy Từ Hải rất mạnh, vậy mà thua Thúy Kiều. Cho nên thắng được mình mới là người làm chủ tất cả. Làm chủ như vậy mới xứng đáng là người hoàn toàn sáng suốt trên thế gian.
Chúng ta tu thiền là tập làm chủ mình từ từ. Ban đầu không thể lặng được các vọng tưởng, nhưng ta biết chận nó, không theo nó, lần lần ta sẽ làm chủ được phần nào. Đó là chỗ thiết yếu. Khi ngồi thiền, vọng tưởng khởi lên ta biết có vọng tưởng, vọng tưởng lặng xuống ta biết vọng tưởng lặng. Vậy cái gì biết vọng tưởng? Vọng tưởng không phải mình, là cái bị mình biết.
Trong mười mục chăn trâu, mục thứ nhất tìm trâu, thằng chăn với con trâu là hai. Khi bắt được trâu rồi, dằn co với nó là nói lên hình ảnh khi chúng ta biết nhìn lại nội tâm, những thứ lâu nay ta cho là tâm mình, bây giờ nó bị ta biết hết. Vậy ai biết? Chính cái hay biết luôn nằm sẵn bên trong mà ta quên, chỉ nhớ những nghĩ suy nổi trôi thôi. Đó là vì chúng ta quên gốc chạy theo ngọn.
Phút giây nào ngồi thấy được niệm khởi, phút giây đó ta thấy rõ ràng có hai bên: một bên bị thấy và một bên hay thấy. Bị thấy là khách, hay thấy là chủ. Khách, chủ rõ ràng mà ta chỉ nhớ khách quên chủ, có phải si mê không? Như vậy để thấy việc tu thiền đem lại một sự thức tỉnh mạnh mẽ cho mọi người.
Trong lúc ngồi phản quan nhìn lại mình, đã có cái hiện tiền nên mới thấy được cái giả. Cái giả hết nổi lên lại lặng xuống. Nổi lên là sanh, lặng xuống là diệt, cứ sanh diệt liên miên. Nhưng thấy được cái sanh diệt đó, cái thấy này không có sanh diệt. Như vậy chúng ta có một cái chân thật mà mình bỏ quên hoàn toàn. Bây giờ có thời gian nghiệm lại, chúng ta mới biết lâu nay mình mê muội.
Khi biết rõ vọng tưởng hư dối, từ từ ta bớt say mê theo nó, như mục đồng chăn trâu, cầm roi đánh vào mông nó vậy. Ở đây làm sao đánh vào tâm được, nên ta chỉ quở: “Vọng tưởng không thật”. Quở vậy để mình đừng lầm theo nó nữa. Khi vọng tưởng từ từ thưa dần, ông chủ sẽ hiện ra từ từ. Như vậy muốn thấy mặt thật của chủ, phải đuổi hết khách. Ví dụ tôi ngồi trong thất, có hai ba chục vị khách tới thăm. Khi tiếp khách thì chủ khách nói chuyện lộn xộn khó phân. Nhưng một lát khách về hết, còn người ngồi lại là chủ chớ ai.
Cũng thế, chúng ta điều phục được vọng tưởng lặng hết thì ông chủ hiện ra, đâu còn nghi ngờ gì. Như vậy có một cái thật ở trong mà ta quên, cứ chạy theo cái giả nên rồi điên đảo suốt đời. Dùng trí tuệ thấy đúng như thật, thì trên đường tu không khó. Nếu người uyển chuyển khéo tu, những vọng tưởng hư dối từ từ tạm thưa, bấy giờ cái chân thật lóe ra từ từ. Ta không tìm kiếm cái gì khác, cũng không mượn pháp nào. Đó là trực chỉ nhân tâm. Khi thấy cái thật của mình rồi, các thứ giả tan hết, gọi là nhận ra bản tánh sẵn có từ muôn đời, gọi là kiến tánh thành Phật. Đơn giản, thật là đơn giản. Bởi thế đường lối tu này gọi là đốn giáo. Tức đi thẳng, không qua thứ tự phương tiện. Đi thẳng thì ban đầu rất khó, nhưng tiến vô được rồi mới thấy việc làm không còn ngờ nữa, mà tin chắc.
Tin ta có cái thật sẵn nơi mình là tin ở khả năng giác ngộ của mình. Thế mà Phật tử có ai dám nói tôi tu để giác ngộ thành Phật đâu. Chỉ nghĩ tu để đời này có phước, đời sau sanh ra đẹp hơn, sung sướng hơn. Hài lòng ngang đó chớ không mong tu giác ngộ thành Phật. Đó là quí vị tự đánh mất khả năng giác ngộ của mình rồi.
Biết mình có khả năng giác ngộ là một lẽ, nhưng phải làm sao mới giác ngộ? Chỗ này nhiều người hay nghi, sợ tu lâu trở thành người ngu. Vì các Thiền sư thường hay nói “như ngu như ngơ”. Một Thiền sư Việt Nam đã nói:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư.
Đến nay tưởng lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trong đầu một chữ Như.
Quên hết, chỉ còn một chữ “Như”, thế thì tu hay hay tu dở? Khi buông hết suy nghĩ vọng tưởng, thấy mình như ngu như ngơ, tưởng là ngu nhưng đó như như lặng lẽ, chớ không phải ngu.
Trích NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT TRONG SỰ TU HÀNH
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Khởi hoặc tác nghiệp, tạo vô lượng bệnh khổ ( 9/09/2016 12:44)
- Hạnh phúc và đau khổ ở đâu? ( 8/09/2016 1:36)
- Bất ly bổn tông, chuyên tâm tín lại ( 6/09/2016 10:56)
- Lại như một tuồng kịch, đời người vốn là mộng huyễn ( 6/09/2016 10:48)
- Lớn lên trong mê lầm ( 6/09/2016 10:36)
- Bởi chấp tâm suy nghĩ là mình, nên phiền não phát sinh ( 5/09/2016 9:50)
- Châu Ma Ni ( 5/09/2016 9:41)
- Thử thách dạy ta điều gì? ( 4/09/2016 10:01)
- Đả Thiền thất là pháp khắc kỳ thủ chứng ( 4/09/2016 9:37)
- Bậc chân tu đạo cao đức trọng quỷ thần kính sợ ( 3/09/2016 10:38)