Có tuệ giác bất nhị khi niệm Bụt, khi quán tưởng hay khi lạy Bụt

22/10/2016 1:45
Phương pháp niệm Bụt là một phương pháp rất sâu.Mỗi khi lạy xuống, mình đọc bài:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riệng biệt nhau. The one who bows and the one who is bowed to are both empty of separate self. Trong Bụt có mình và trong mình có Bụt. Trước khi lạy xuống mình phải quán chiếu: Bụt ơi, con biết Ngài không ở ngoài con, Ngài đang ở trong con và con đang ở trong Ngài. Phải thấy được điều đó thì khi lạy xuống mình mới tiếp xúc được với Phật tánh trong mình. Nếu nghĩ Bụt là một cái gì hoàn toàn khác với mình và mình là một cái gì hoàn toàn khác với Bụt thì mình sẽ không có sự liên hệ (connnection) đó. Có được tuệ giác bất nhị “Bụt và chúng sanh không phải là hai thực thể riêng biệt, Bụt có trong chúng anh và chúng sanh có trong Bụt“ thì khi niệm Bụt hay lạy Bụt mới có kết quả. Nếu nghĩ Bụt là một vị thần linh hoàn toàn không phải là mình, mình chỉ toàn là xấu xa, yếu đuối, hèn kém còn Bụt là tất cả những cái gì tốt đẹp, giống như đêm với ngày không thể đi đôi với nhau thì đó là có sự kỳ thị, mình có cái thấy nhị nguyên giữa mình và Bụt. Trong kinh Kim Cương có nói: Phải lấy đi ý niệm chúng sanh là một cái gì ngược lại với Bụt. Đó là nguyên tắc đầu để phương pháp niệm Bụt được thành công. Khi gọi tên Bụt, quán tưởng Bụt, hay lạy Bụt thì mình phải có tuệ giác,phải có cái thấy là giữa Bụt và chúng sanh có sự liên hệ rất mật thiết. Ngoài chúng sanh không có Bụt và ngoài Bụt không có chúng sanh.

Là người thực tập mình phải thấy được trong mình có hạt giống của bồ đề, trong mình có hạt giống của niệm, định và tuệ. Đó là Bụt, vì vậy khi niệm Bụt hay khi lạy Bụt là mình phải làm thế nào cho hạt giống đó biểu hiện trong mình, hạt giống đó được tưới tẩm thì mình mới thành công. Chúng ta không gọi tên một vị thần linh để thần linh đó tới bảo vệ cho mình. Đọc cuốn“ Đường xưa mây trắng“, mình phải đọc mấy ngày mới xong. Theo hình thức thì đó không phải là niệm Bụt. Nhưng thật ra khi đọc“Đường xưa mây trắng“ thì mình tưới tấm hạt giống của trí tuệ, thương yêu và hạnh phúc. Như vậy đọc mình“ Đường xưa mây trắng“ là mình đang niệm Bụt mà mình không biết. Trong quá trình đọc thì niệm-định-tuệ và Bụt đã hiện ra rõ ràng trong mình, vì vậy đọc“Đường xưa mây trắng“ là một hình thái niệm Bụt. Nghe một bài pháp thoại, tuy mình không niệm“Nam mô A Di Đà Phật hay nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni“, nhưng những hạt giống của niệm, của định và của tuệ trong người mình được tưới tẩm thì đó là niệm Bụt. Mình phải hiểu niệm Bụt theo tinh thần đó chứ không phải niệm Bụt là gọi tên Bụt.

 

Trích pháp thoại ngày 09 tháng 02 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012.

Sư ông Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top