Khi bị phê bình

3/05/2013 3:28
Người dám nói sự thật và phê bình ta, nếu ta thật sự có lỗi đó là thầy ta, ta hảy cám ơn người đó và vô cùng biết ơn. Kẻ khen ta khi ta sai và luôn dùng những lời dua dối nịnh bợ để làm vừa lòng ta đó là kẻ sẽ giết chết ta trong từng giây phút. Ta cảm thấy hạnh phúc khi có người góp ý xây dựng và chỉ ra những lỗi lầm cho ta, vì ta biết ta đang có cơ hội gặp được thầy lành bạn tốt. Ta hãy nên biết trân trọng quý kính và vô cùng biết ơn, vì những người đó đã thật sự cho ta một trái tim hiểu biết và yêu thương.

Có một nhà lãnh đạo cấp dưới rất thành công trên trường đời danh lợi hay nói cho đúng là công thành danh toại. Một hôm ông ta cảm thấy mình bị xúc chạm nặng nề vì lời phê bình quá khắc khe của cấp trên, ông ta mất hết lòng tự tin của chính mình nên phiền muộn khổ đau vô cùng. Trong cơn khủng hoảng ông được một người bạn khuyên nhủ, hiện nay ở phương Nam có một nhà tâm linh đang ẩn dật, ông hãy đến đó để xin một lời khuyên chân thành. Ông nghe lời người bạn sắp xếp ổn định việc làm rồi tìm đến nhà tâm linh. Phải mất một ngày trời đường xe ông ta mới tìm được chỗ ở của nhà tâm linh. Ông ta vội vàng trình bày hết những nỗi khổ niềm đau do bị xúc chạm qúa nặng nề. Nhà tâm linh vẫn im lặng chẳng nói chẳng rằng để cho ông ta có cơ hội trút cạn bầu tâm sự. Trước khi tiếp tục câu chuyện chúng tôi xin phép các bạn tạm dừng lại để lắng nghe và biết về một tập tục thời xa xưa.

Ngày xưa có một bộ lạc nọ, có một tập tục hết sức kỳ lạ hể ai được sinh ra và sống ở đó thì mỗi người phải mang hai cái túi. Một cái túi được mang ở phía trước để chứa đựng những lỗi lầm của người khác và cái túi còn lại lớn hơn rất nhiều nằm ở phía sau, để chứa cho được hết những lỗi lầm của chính mình. Chính những tập tục này đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người, nên chúng ta dễ dàng thấy hết những lỗi lầm của người khác, mà khó bao giờ thấy được lỗi lầm của chính mình. Chúng ta tiếp tục lắng nghe nhà tâm linh và vị lãnh đạo kia sẽ nói gì!

Nhà tâm linh nói, trong chúng ta ai cũng có một trái tim hiểu biết luôn biết lắng nghe với một tâm hồn trong sáng, nghe thật kỹ và rõ ràng từng lời phê bình của người khác. Khi ta biết lắng nghe và sẵn sàng nghe một cách chăm chú những gì người khác đang chỉ trích hay phê bình ta. Thì ta biết, ta còn đầy đủ phúc duyên tốt đẹp nên mới có người dám nói lên sự thật, để cho ta nhận diện được lỗi lầm của chính mình mà sửa sai. Khi đó ta phải biết cảm ơn quý kính, trân trọng người đó vì ta đang có một thiện hữu tri thức đã vì ta mà giúp cho ta nhận diện được lỗi lầm, biết được chính mình. Khi phán xét hay phê bình một ai ta có thể thấy biết lầm lẫn, từ sự chủ quan của mình, nó có thể là một lưỡi gươm sắc bén cắt đứt tình nghĩa của ta từ bấy lâu nay. Ngược lại nếu ta phê bình một vị Thánh nhân, ta sẽ được lưỡi gươm trí tuệ của người ấy chặt đứt các dây mơ rễ má, mà để cùng nhau soi sáng lại chính mình. Nhưng dù sao, sự tổn thất rất lớn sẽ đến với chúng ta khi phê bình người khác vì người thật thì hay bị mất lòng, ai cũng thích được khen hơn là bị chê. Sự thật lúc nào cũng phũ phàng vì bản ngã con người ngày càng bành trướng và phình to hơn, nếu đụng phải xếp lớn thì tiền mất tật mang, đụng phải xếp vừa vừa thì lãnh lương hưu non và cứ như thế mà trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Ai rồi cũng sợ, cũng nể nang nên rồi đạo đức càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, người trên có quyền phán xét kẻ dưới như là một ân sủng, kẻ dưới chỉ chấp tay vâng lời mà không biết nói gì hơn. Ai cãi lệnh sẽ bị bề trên trừng phạt và cứ như thế để cho thời gian qua nhanh cuốn con người bay theo chiều gió.

Ta có đôi mắt sáng để nhìn thấy mọi sự vật một cách rõ ràng không lầm lẫn, nhưng nếu ta nhìn với tâm thiên lệch thì mọi việc có thể khác đi. Thầy trò nhà tâm linh trên đường đi chu du khắp các nước, một hôm trong lúc nghỉ ngơi nằm đọc sách gần đến giờ cơm trưa vị thầy vô tình nhìn xuống bếp thì thấy người đệ tử của mình đang nấu cơm. Nhưng thật bất ngờ Ngài thấy chú ta tay bốc cơm đưa vào miệng ăn có vẻ ngon lành. Mắt thấy rõ ràng như thế, Ngài liền thở dài mà thầm trách trong lòng, đệ tử lớn của ta mà tệ hại đến thế ư? Nhưng Ngài đã thấy như vậy mà có chắc là như thế chăng? Cảm xúc bực bội khó chịu là phản ứng thường tình của một con người, khi thấy đệ tử thân tín nhất của mình hành động như thế. Nhưng nếu không phải là nhà tâm linh đích thực thì sự việc chắc có lẽ sẽ nặng nề và trầm trọng hơn, tuy Ngài cảm thấy không hài lòng khi thấy như thế. Bằng sự kinh nghiệm của chính mình, Ngài đã khéo léo nói với các học trò như sau, ta cùng các con vân du nhiều nước, tình thầy trò sống chết có nhau, hôm nay ta nhớ về quê hương, nhớ về ông bà cha mẹ, bữa cơm hôm nay ta muốn cúng dường cho cha mẹ mà không biết có được trong sạch hay không? Các học trò ai nấy đều ngạc nhiên, tại sao bữa ni thầy mình lại nói thế không biết có chyện gì xảy ra đây. Các trò khác đều im lặng, riêng thầy bốc cơm ăn nói rằng và kính bạch thầy bữa cơm hôm nay không được trong sạch ạ. Trong khi con mở nắp nồi cơm ra để xới cơm, thì một cơn gió mạnh thổi đến làm vấy bẩn một lớp trên mặt, con sợ quá vớt cơm dơ ra định bỏ nhưng lại nghĩ rằng, nếu bỏ thì sẽ thiếu phần ăn chung của mọi người, con phải cam lòng ăn hết lớp cơm dơ đó đi, bây giờ con khỏi ăn cơm chỉ xin ăn rau thôi. Coi như nồi cơm này không được trong sạch xin thầy để khi khác cúng dường thì tốt hơn. Nghe đệ tử mình trình bày như thế, nhà tâm linh cảm thấy hổ thẹn trong lòng mà nói với các học trò của mình như sau: Này các đệ tử, ngày hôm nay ta thấy một sự việc rõ ràng trước mắt, mà vẫn không thể thấu hiểu hết sự thật. Nếu ta không biết xét nét kỹ lưỡng, thì ta sẽ trở thành người không có trái tim hiểu biết mà làm tổn thương cho người khác rồi.

Khi ta phán xét một điều gì dù đúng sự thật hoàn toàn, nhưng vẫn làm cho người ta tổn thương rất lớn vì mất đi tình nghĩa từ bấy lâu nay. Thay vì ta phán xét phê bình thì đổi lại bằng những lời góp ý chân thành, để ta và người cùng cảm thông cho nhau, mà hòa hợp cùng nhau để mọi người tự hoàn thiện chính mình. Sự việc trên là một bằng chứng thiết thực trong cuộc đời, ta học chuyện xưa để mọi người biết nhìn lại chính mình mà sống với trái tim thương yêu và hiểu biết, thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc. Cho nên phán xét dù đúng hay sai đều làm cho ta và người bất hòa với nhau, hiểu lầm nhau, làm tổn thương cho nhau mà không cảm thông cho nhau, để có tình người trong cuộc sống.

Xưa có một nhà tâm linh sống trên trăm tuổi, mỗi khi có vua là Phật tử đến thăm thì Ngài chỉ nằm tiếp vua vì sức yếu tuổi già. Vậy mà ông vua vẫn thường xuyên vui vẻ đến để học đạo với nhà tâm linh, lại còn cúng dường, bố thí mở hội giúp đỡ cho người nghèo khổ. Nhưng một hôm được tin có một vị tướng đến thăm, nhà tâm linh phải đích thân ra tận ngoài cổng để đón tiếp vị tướng kia. Ở đây chúng tôi đưa ra hai câu chuyện trên mà chỉ nói về quan điểm sống thôi, cũng là một điều rất khó làm trong đối nhân xử thế, gặp vua đến thì nằm tiếp, tướng đến thì ra cổng tiếp? Vì vua là Phật tử thuần thành biết tôn sư trọng đạo nên ngài nằm tiếp, còn tướng kia chưa hiểu đạo nếu tiếp đón không khéo sẽ mang họa vào thân. Vậy khi ta trung thực phán xét người có quyền cao chức trọng thì hậu quả sẽ xảy ra như thế nào? Một xã hội nếu không có những con người dám nói dám làm bằng sự trung thực của chính mình, thì thế gian này sẽ rơi vào thể chế độc tôn hay còn gọi là phong kiến cấp tiến. Do đó càng làm cho con người càng ngày càng mất đi nhân cách đạo đức, bởi cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan. Đúng, khi chúng ta phán xét một điều gì để làm sao có ích cho con người, thì ta vẫn phải chấp nhận chịu những hậu quả đau thương do sự trả thù của người vô liêm sĩ. Trong cuộc sống này ta có quyền nói lên tiếng nói của riêng ta, không ai có thể kết tội ta khi lời nói ấy nhằm để phục vụ cho cái chung. Nếu ai cũng sống theo mệnh lệnh và giáo điều của một ai đó, thì thử hỏi người ấy có còn là mình nữa hay không?

Ta suy nghĩ, ta nói năng, ta hành động, chính ta làm chủ bản thân, tại sao ta chẳng dám thừa nhận để rồi phó mặc cho đấng bề trên mà tự mình gánh lấy hậu quả khổ đau. Trong tình thương yêu nhân loại không có chỗ để chúng ta tự ái, dù người kia có đối xử thậm tệ với ta như thế nào, thì ta vẫn tìm cách cứu giúp họ, khi họ bị sa cơ thất thế. Tại sao ta cứ phải đòi hỏi họ có một cái gì đó thì con tim ta mới rung động chân thành, có phải vậy không? Ta cần phải xét lại chính mình, coi ta có còn đủ năng lực không, nếu ta cảm thấy đủ thì ta có thể chia bớt cho họ một phần.

Và ta cũng đừng nên thất chí nản lòng mà không mở rộng lòng từ khi ta đang giúp đỡ, đang nâng đỡ một ai đó mà người ấy vẫn không thay đổi, vẫn không chuyển mình để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ta hãy học cách lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm mà kiên nhẫn bền bỉ chờ đợi, để rồi sau cơn mưa trời lại sáng và ta không cảm thấy bơ vơ lạc loài, khi cơn giông bão đời người đã đi qua. Góp ý chân thành để giúp nhau cùng tiến bộ, làm cho cuộc đời càng thêm tươi đẹp hơn, giúp cho chúng ta dễ gần gũi với nhau hơn trong tình thương yêu chân thành.

Cuộc sống vô cùng những điều mầu nhiệm, chỉ vì ta mãi đam mê chạy theo những thứ thấp hèn mà lời phán xét của ta trở thành ích kỷ vì quyền lợi của mình mà thôi. Đứng ở vai trò chỉ đạo của một số người nắm cán cân công lý, soạn thảo pháp luật mà phán xét thì bắt buộc họ phải có tầm nhìn xa hơn để phán xét đúng sai. Một cá nhân người đó phán xét đúng mà không có nhiều người cùng làm, thì lời phán xét đó cũng trở nên vô nghĩa. Một vị luật sư đứng ra bào chữa để giúp cho nạn nhân bị lường gạt được lấy lại những gì đã mất mà không có lương tâm và đạo đức, thì kẻ bị hại vẫn bị tiền mất tật mang. Cho nên làm một nhà lãnh đạo, một chánh án, một luật sư, một bác sĩ, một thầy giáo, mà không phán xét trung thực thì thử hỏi đất nước đó, xã hội đó, con người đó, có được nhân cách để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tốt cho mọi người hay không?

Cuộc sống của chúng ta nếu không có nhiều người dám phán xét trung thực, thì thế gian này chỉ dành riêng cho đấng bề trên mà thôi. Sống như vậy ta cảm thấy bị mất giá trị nhiều, vì mình chỉ là cái máy hoạt động do người khác điều khiển, tốt xấu, đúng sai, mình cũng chả biết phân biệt. Ta chẳng khác nào loài vô tri vô giác mặc tình ai muốn làm gì thì làm. Góp ý chân thành, cùng nhau hòa hợp sống để loại bỏ bớt những gì không được tốt đẹp, phá hủy lợi ích chung. Tóm lại, ít phê phán, khen ngợi nhiều là phương pháp hay tránh tạo ra các khẩu nghiệp do miệng nói. Nên phán xét là sát thủ thầm lặng khiến ta bị khốn đốn trong cuộc đời, vì ai cũng có sĩ diện và bản ngã. Nhưng nếu vì lợi ích chung, đôi khi chúng ta vẫn phải chấp nhận chịu hy sinh để giúp cho nhiều người được an lạc và hạnh phúc.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác (nguồn: www.quangduc.com)

Các tin tức khác

Back to top