Khi cho đi, chúng ta cho đi điều gì?

31/10/2016 1:04
Người già có thể nhìn thấy vô thường, khổ, và vô ngã (cái tôi này không có thật). Họ sống trên cuộc đời này đủ lâu để trải qua các thăng trầm của cuộc sống, gặp phải nhiều sự đổ vỡ, có kinh nghiệm hơn và bình tĩnh hơn. Tôi cho rằng đó là điều tốt.

Có sự nhạy cảm trong tâm hồn; nghĩa là là luôn luôn nhận thức được đúng, sai được gọi là Phật tánh (hay còn gọi là tánh giác - Buddho). Ta không cần phải liên tục lặp đi lặp lại "Phật tánh, Phật tánh". Giống như bạn đã đếm số trái cây trong giỏ của bạn. Bạn đã biết rồi và trái cây vẫn ở trong giỏ, Phật tánh luôn ở trong chúng ta. Một người bám chấp sẽ cứ đếm đi đếm lại mãi. Anh ta sẽ dừng lại dưới gốc cây, đổ giỏ trái cây ra đếm, rồi lại cho trở lại vào trong giỏ. Sau đó, anh ta sẽ đi đến nơi dừng chân tiếp theo và lại đếm nữa. Nhưng thật ra anh ấy chỉ đếm những quả tương tự. Đây chính là sự tham ái, bám chấp. Anh ta sợ rằng nếu không đếm, sẽ có sai lầm hoặc trái cây sẽ mất đi. Làm sao có thể nhầm lẫn được nhỉ? Chỉ có những người chưa biết số trái cây là bao nhiêu mới cần phải đếm. Một khi bạn biết rồi, bạn chỉ cần để chúng trong giỏ và mang nó đi dễ dàng. Khi tâm bạn đã đạt được chánh niệm tỉnh giác, luôn ở trong trạng thái thiền định, thì khi bạn đang ngồi, bạn chỉ cần ngồi. Khi bạn nằm xuống, bạn chỉ cần nằm xuống. Phật tánh luôn hiện tiền.


Khi thực hành đức hạnh và tạo công đức, chúng ta nói, "xin hồi hướng công đức để đạt Niết Bàn". Cúng dường, thực hành hạnh bố thí là rất tốt để ta đạt đến cảnh giới Niết bàn. Giữ giới, thực hành thiền định, học Phật pháp là những điều kiện tốt đưa ta đạt cảnh giới Niết bàn. Xin hồi hướng công đức để đạt cảnh giới Niết Bàn.


Nhưng suy cho cùng Niết Bàn là gì? Niết Bàn có nghĩa là không tham lam, không bám chấp. Niết Bàn có nghĩa là tâm Không, là buông xả. Khi ta tu học theo Lục Độ Ba La Mật như cúng dường và làm việc thiện, tuân theo giới luật đạo đức, thiền định, và trau dồi lòng từ bi, tất cả đều là công cụ giúp ta thoát khỏi ô uế, phiền não và tham ái, để làm cho tâm trí trống rỗng. Trống rỗng để không còn yêu cái tôi này, không còn khái niệm tôi và họ, không mong cầu bất cứ điều gì, không mong cầu được là điều gì hoặc trở thành bất cứ điều gì.


“Xin hồi hướng công đức để đạt được Niết Bàn”. Thực hiện sự rộng lượng là cho đi, buông xả. Nghe pháp để có được kiến ​​thức và trí tuệ, biết được chân giá trị của sự việc, nhờ đó ta có thể cho đi và buông xả dễ dàng, nhổ tận gốc sự bám chấp vào cái tâm phân biệt với đây là tốt, kia là xấu… Đầu tiên, chúng ta thực hành thiền định để nhận thức được những điều sai lầm và cái xấu. Rồi chúng ta nhận thức rằng lúc cho đi và buông xả, chúng ta đang thực hành điều tốt. Sau đó, khi đã đạt được một số thành tựu của điều tốt, đừng bám chấp vào cái tốt đó mãi mà là vượt lên trên cả cái tốt đó, đừng ở dưới hay ở lại trong cái tốt đó. Nếu không, thành tựu mà bạn gọi là điều tốt đẹp nhỏ nhoi đó sẽ đẩy cái tôi tự mãn của ta đi vòng vòng và khiến ta ngủ yên trên vòng nguyệt quế, ta sẽ trở thành nô lệ cho nó. Cái thành tựu tốt đẹp đó sẽ khiến chúng ta tạo ra tất cả các loại nghiệp chướng và làm tổn giảm công đức mà ta đã tích lũy. Rồi kết cục ta nhận được là trở về, trôi lăn trong tình trạng bất hạnh và đau khổ trước đây.


Hãy từ bỏ điều ác và phát triển công đức; bỏ những gì là tiêu cực và phát triển những điều tích cực. Phát triển các công đức, rồi vượt qua các công đức đó lẫn lỗi lầm, thiện và ác; đừng bám chấp vào đó. Tiếp tục thực hành với cái tâm trí cho đi, buông xả và ta đạt được sự tự do, giải thoát; giải thoát khỏi những bám chấp vào cả điều xấu lẫn điều tốt (Đức Phật gọi là Trung Đạo). Khi đó, với cái tâm cho đi, buông xả, không bám chấp, cho dù bạn đang làm gì thì kết quả vẫn đến cùng 1 đích: đó là cảnh giới Niết Bàn. Khi tâm trí của bạn không còn ham muốn, phiền não, hay tham ái, đó chính là Đạo, là sự thật cao quý, là saccadhamma (ultimate reality), là chánh pháp, là chân lý tối thượng. Đó là Tứ Diệu Đế, là trí huệ; biết rằng ái dục là nguồn gốc của khổ. Lòng tham cầu dục lạc, tham cầu hiện sinh và tham cầu vô sinh (Kamatanha, bhavatanha, và vibhavatanha) là nguồn gốc, là cội rễ của đau khổ. Nếu bạn đi về hướng tham ái, mong cầu, tức là bạn đang nuôi dưỡng dukkha, đau khổ, mang sự khổ vào thân này, bởi vì tham ái chính là nguồn gốc, là nguyên nhân sinh ra khổ. Nếu chúng ta tạo ra nguyên nhân của khổ, ta sẽ hái quả khổ. Một người trở thành nô lệ cho ái dục sẽ tạo ra tất cả các loại nghiệp chướng và việc làm sai trái vì ái dục, vì thế đau khổ được sinh ra. Nói một cách đơn giản, khổ là con của dục vọng; dục vọng là cha mẹ của đau khổ. Vì thế khi không có cha mẹ mang tên dục vọng, đứa con dukkha – đau khổ không được sinh ra.


Đây là điểm mà thiền định nên được tập trung vào. Chúng ta nên nhận biết tất cả các hình thức ái dục tạo nên ham muốn của chúng ta. Tuy nhiên cũng nên phân biệt rõ giữa ham muốn và mong muốn. Đôi khi chúng ta có thể nhầm lẫn. Một số người nghĩ rằng bất kỳ loại ham muốn, mong muốn nào cũng tạo ra đau khổ, cho dù đó là mong muốn có đủ cơm ăn, áo mặc để sống, cho đó là ái dục. Nhưng chúng ta có thể có loại mong muốn hay ham muốn này vì đó là lẽ tự nhiên để sống còn. Khi bạn đang đói và rất muốn ăn, rồi bạn ăn một bữa. Điều đó hoàn toàn bình thường và chấp nhận được. Chúng không tạo ra tác động xấu hay nhục dục. Nếu đó là nhục dục, thì nó sẽ nhiều hơn, đi xa hơn sự mong muốn có một bữa ăn cho no bụng, như là muốn ăn nhiều hơn, ăn những món thơm ngon hơn để hưởng thụ, bất chấp tất cả; kể cả tạo ra đau khổ và rắc rối, chẳng hạn như uống rượu và bia.


Một số du khách nói với tôi về việc người ta ăn óc khỉ sống. Họ cho con khỉ ngồi ở dưới bàn và cắt mở hộp sọ của nó. Sau đó, lấy muỗng múc óc khỉ mà ăn trong khi con khỉ còn đang sống. Đó là ăn như quỷ hay ma đói, không phải là ăn một cách tự nhiên hoặc thông thường. Khi làm những việc như thế này, ăn uống trở nên tham ái và tạo nghiệp xấu. Họ nói rằng máu của con khỉ làm cho họ mạnh mẽ. Vì vậy, họ cố gắng để có được chúng. Khi ăn, họ cũng uống rượu, bia nữa. Đây không phải là ăn uống bình thường. Đó là cách của những con ma và quỷ sa lầy trong sự thèm muốn nhục dục. Nó ăn than, ăn lửa, ăn tất cả mọi thứ ở khắp mọi nơi. Đây là loại mong muốn được gọi là ái dục và không có điều độ. Những người có ái dục thì cho dù khi nói, suy nghĩ, ăn mặc, họ đều đi quá mức cần thiết và không chấp nhận được. Ta nên ăn uống, ngủ, và làm các hoạt động cần thiết khác ở mức độ vừa phải; nghĩa là không gây hại cho ai. Bạn cần phải tỉnh giác đối với bản thân để không tạo ra gốc của sự khổ. Nếu chúng ta biết sống vừa phải, tiết kiệm trong các nhu cầu của bản thân, chúng ta sẽ có được an lạc.


Thực hành thiền định và tạo công đức thực ra không phải là điều khó khăn, miễn là chúng ta hiểu được chúng. Hành vi sai trái là gì? Công đức là gì? Công đức là những gì tốt đẹp, không làm tổn hại đến bản thân hoặc người khác thông qua thân khẩu ý, và rồi ta sẽ có hạnh phúc. Không tạo ra những điều tiêu cực. Công đức là đây. Sự khôn ngoan là đây.


Cũng giống như vậy khi ta cúng dường và bố thí. Khi cho đi, chúng ta cho đi điều gì? Mục đích của việc cho đi là để tiêu diệt sự bám chấp, yêu mến cái tôi này, cùng với sự ích kỷ. Tính ích kỷ rất mạnh mẽ và khiến ta cực kỳ đau khổ. Những người ích kỷ luôn muốn mình tốt hơn và nhận được nhiều hơn so với những người khác. Một ví dụ đơn giản là sau khi ăn, họ không muốn rửa chén bát của họ. Họ để cho người khác làm điều đó. Nếu ăn trong một nhóm, họ sẽ để cho nhóm làm việc đó. Sau khi ăn, họ biến đi. Đây là sự ích kỷ, không có tinh thần trách nhiệm và đặt gánh nặng lên vai người khác. Trong việc thực hành lòng quảng đại, chúng ta cố gắng thanh lọc tâm hồn khỏi sự ích kỷ để có tâm từ bi và sự quan tâm chăm sóc đối với tất cả chúng sanh không trừ một ai. Điều này được gọi là tạo công đức bằng cách cho đi.


Trích Niết Bàn là buông xả, cho đi và tự do

Việt Dịch : Diệu Liên Hoa

Ajahn Chah – Lion’s Roar

Các tin tức khác

Back to top