Mallikà rất khéo léo trong vai trò một một người vợ và một hoàng hậu. Bà rất thương yêu chồng, biết chia sẻ nhiều nỗi ưu tư của chồng và thường giúp nhiều ý kiến hay cho nhà vua trong đường lối trị vì đất nước. Bà cũng là người bạn tâm giao của nhà vua trong đời sống thực nghiệm tâm linh [1]. Đáp lại, vua Pasenadi rất thương quý và tôn trọng bà. Mllikà rất tin giáo lý nhân quả; sau khi được Đức Thế Tôn khai thị về lý nhân quả nghiệp báo, bà phát nguyện:
“Bạch Thế Tôn, trong nội cung này, có những thiếu nữ hoàng tộc, có những thiếu nữ Bà-la-môn, có những thiếu nữ gia chủ, con có chủ quyền thủ lãnh. Và bạch Thế Tôn, bắt đầu từ nay, con sẽ không phẫn nộ, không có nhiều não hại, dầu cho bị nói nhiều, con sẽ không nổi giận, nổi nóng, nổi sân, sừng sộ, gây hấn. Con sẽ không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Con sẽ bố thí cho Sa-môn, hay Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; con sẽ không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con sẽ không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ”[2].
Tâm nguyện của hoàng hậu Mallikà và câu chuyện vấn đạo sau đây giữa bà và bậc Giác ngộ có thể xem là bài học hiền thiện lợi lạc cho những ai tin tưởng vào phẩm hạnh đạo đức của chính mình:
“Rồi hoàng hậu Mallikà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, hoàng hậu Mallikà bạch Thế Tôn:
– Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?
Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn?
Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân, dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, tuy vậy nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?
Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân, dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn?
– Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị nói ít, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này không bố thí cho Sa-môn, hay Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tị. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh hạ liệt, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít. Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc xấu… ảnh hưởng uy tín ít.
Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân phẫn nộ, nhiều não hại, dầu bị nói ít, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này bố thí cho Sa-môn, hay Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này tại đấy, tái sanh, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn. Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc xấu… ảnh hưởng uy tín lớn.
Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi giận, nổi nóng, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn. Người này không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, nhưng nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít. Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc đẹp… ảnh hưởng uy tín ít.
Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi giận, nổi nóng, nổi sân, không có biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này bố thí cho Sa-môn, hay Bà-la-môn món ăn… đèn đuốc; tánh tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản nhiều, sở hữu lớn, ảnh hưởng uy tín lớn. Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc đẹp… ảnh hưởng uy tín lớn.
Khi được nói như vậy, hoàng hậu Mallikà bạch Thế Tôn:
– Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, con phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị nói ít, nhưng nổi giận, nổi nóng, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Và bạch Thế Tôn, con nay dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt. Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, con có bố thí cho Sa-môn, hay Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Và bạch Thế Tôn, con nay được giàu sang, có tài sản lớn, có sở hữu lớn. Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, tánh tình không keo kiệt; thấy người được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Và bạch Thế Tôn, nay con được có ảnh hưởng uy tín lớn.
Bạch Thế Tôn, trong nội cung này, có những thiếu nữ hoàng tộc, có những thiếu nữ Bà-la-môn, có những thiếu nữ gia chủ, con có chủ quyền thủ lãnh. Và bạch Thế Tôn, bắt đầu từ nay, con sẽ không phẫn nộ, không có nhiều não hại, dầu cho bị nói nhiều, con sẽ không nổi giận, nổi nóng, nổi sân, sừng sộ, gây hấn. Con sẽ không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Con sẽ bố thí cho Sa-môn, hay Bà-la- môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; con sẽ không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con sẽ không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn… mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử nữ cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!”[3]
Những lời giảng giải của bậc Giác ngộ cho hoàng hậu Mallikà hẳn là bài học đầy khích lệ cho những ai tin tưởng vào lý nhân quả nghiệp báo, tin tưởng phẩm hạnh đạo đức quyết định vận mệnh tương lai của con người. Cứ theo lời Phật thì không gì khác chính thái độ tâm thức hiền thiện hay phẩm hạnh đạo đức của mỗi cá nhân nói rõ đời sống tươi sáng của người ấy. Người mà có tâm lý thường hay bực tức và phẫn nộ thì theo đó sẽ không có được dung sắc khả ái. Người mà có tính tình keo kiệt, lòng dạ ích kỷ hẹp hòi, không sẵn sàng chia sẻ hay bố thí cho người khác thì theo đó sẽ có đời sống nghèo hèn, không giàu sang phú quý. Người mà có tâm hay ganh tỵ tật đố với người khác thì theo đó sẽ không được người khác quý mến và tin tưởng, không nhận được sự tín nhiệm phục tùng từ người khác. Nói khác đi, con người ta sẽ đẹp ra khi có tâm thức luôn hoan hỷ vui vẻ, trở nên giàu sang khi mở lòng ra với người khác, được mến mộ và phục tùng khi thể hiện lòng từ ái bao dung đối với mọi người.
Nhìn chung, Đức Phật nói đến nhân quả nghiệp báo để nhắc nhở mọi người về ý nghĩa và giá trị của sự sống, nhấn mạnh đến tâm thức hiền thiện hay phẩm hạnh đạo đức của con người như là nền tảng của đời sống hạnh phúc an lạc hiện tại và tương lai. Với Thiên nhãn thuần tịnh, Phật thấy rõ sự sống tương tục của hết thảy chúng sanh hiện hữu trong các cảnh ngộ khác nhau – chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ [4]; vì vậy Ngài nêu rõ đạo lý nhân quả và chủ trương cải thiện đời sống an lạc của chúng sanh bằng phương pháp cải thiện các hạnh nghiệp, quyết tâm dứt trừ các ác nghiệp, nỗ lực thực hành các thiện nghiệp. Ngài cho rằng đời sống của chúng sanh không gì khác là sản phẩm của nghiệp; đời sống hiện tại là hệ quả của các nghiệp quá khứ, đến lượt cuộc sống tương lai sẽ do các nghiệp hiện tại quyết định. “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt, có ưu”[5]. Chính vì thế mà Phật khuyên mọi người cần phải biết thương quý bản thân mình, phải biết tạo dựng hạnh phúc cho chính mình bằng lối sống chân chính hiền thiện, quyết tâm từ bỏ điều ác, nỗ lực làm các việc lành. Nói cách khác, con người cần nuôi dưỡng tâm thức hiền thiện, nỗ lực tu nhân tích đức, gieo trồng thiện nghiệp để bảo đảm hạnh phúc tương lai của chính mình. Ngài khuyên nhắc mọi người:
“Nếu người làm điều ác, chớ tiếp tục làm thêm; chớ ước muốn điều ác, chứa ác tất chịu khổ.
Nếu người làm điều thiện, nên tiếp tục làm thêm; hãy ước muốn điều thiện, chứa thiện được an lạc”[6].
Phật khuyên mọi người nói không với điều ác và nỗ lực làm điều thiện, vì theo tuệ nhãn của Phật thì khổ đau hay hạnh phúc của mỗi cá nhân là hoàn toàn do ác nghiệp hay thiện nghiệp của người ấy quyêt định. Do nghiệp duyên tích tập mà khi đến với cõi đời này con người có thể mang lấy nhiều thân phận khác nhau, hoặc tốt hoặc không tốt. Tất cả đều do nghiệp lực tạo nên. Tuy nhiên sự sống là dòng chảy tương tục, vì thế mà con người có thể làm thay đổi số phận hiện hữu bằng cách thay đổi hành vi của chính mình, chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp. Bậc Giác ngộ xác nhận: “Ai dùng các hạnh lành xóa mờ các nghiệp ác, người ấy chói sáng cõi đời này, như trăng thoát mây che” [7]. Khi hiểu ra rằng không ai khác chính nghiệp quyết định và làm thay đổi vận mệnh cá nhân, hẳn nhiên con người sẽ có đủ niềm tin và đức kiên nhẫn để sửa soạn tốt cho hạnh phúc của chính mình. Tương lai ở trong tầm tay của mỗi người. Dù đời sống hiện tại có gian khó thế nào thì con người cũng không đánh mất lòng tin vào tương lai, do hiểu ra rằng chính tâm thức hiền thiện và phẩm hạnh đạo đức là nền tảng của hạnh phúc chân thực.
Chú thích:
1 Kinh Ai sanh, Trung Bộ; Kinh Mallikà, Tương Ưng Bộ.
2 Kinh Mallikà, Tăng Chi Bộ.
3 Kinh Mallikà, Tăng Chi Bộ.
4 Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Trung Bộ.
5 Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung Bộ.
6 Pháp Cú, kệ số 117-118.
7 Pháp Cú, kệ số 173.
Nguồn: Văn Hoá Phật Giáo số 209
Các tin tức khác
- Mơ hoang (28/10/2016 12:54)
- Hãy cứ để như thế (28/10/2016 12:22)
- Chúng ta là những việc mình làm (28/10/2016 12:15)
- Chiêm nghiệm về vô thường (27/10/2016 1:04)
- Đường tu khó hay dễ (27/10/2016 12:54)
- Thái Lan: Ngôi cổ tự và cuộc đời sự nghiệp các vị Quốc vương (26/10/2016 12:54)
- Dập tắt mồi lửa trong tâm (26/10/2016 12:51)
- Vô minh là cội nguồn của muôn kiếp khổ đau (26/10/2016 12:46)
- Tìm sự giác ngộ (25/10/2016 2:04)
- Trở lại với lối sống nề nếp (25/10/2016 1:47)