“Tất cả, này các Tỳ-kheo, đều bị bốc cháy. Và này các Tỳ-kheo, tất cả cái gì đều bị bốc cháy?
Mắt, này các Tỳ-kheo, bị bốc cháy. Các sắc bị bốc cháy. Nhãn thức bị bốc cháy. Nhãn xúc bị bốc cháy. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não… Tai… Mũi…Lưỡi… Thân…Ý bị bốc cháy. Các pháp bị bốc cháy. Ý thức bị bốc cháy. Ý xúc bị bốc cháy. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Thấy vậy, này các Tỳ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy… đối với tai… đối với mũi… đối với lưỡi… đối với thân… nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui với trạng thái này nữa”. [1]
Đức Phật gọi tham-sân-si là lửa vì chúng có khả năng thiêu cháy con người và cuộc đời này; chúng là nguyên nhân đưa đẩy loài người rơi vào các việc làm sai trái, xấu ác, đưa đến tranh chấp, tranh đoạt, chiến tranh, cướp bóc, giành giật, xâu xé, xâm lăng, tàn hại lẫn nhau, khiến cho nhân loại rơi vào bất hạnh khổ đau, thế giới lâm vào cảnh tai họa nghiêm trọng chẳng khác gì hỏa ngục2. Tham-sân-si khiến cho loài người trở nên rối rắm, thế giới biến thành phức tạp, thực tại yên ổn thành ra bất ổn. Chúng giam cầm chúng sanh trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới, ba cảnh giới bị chi phối bởi quy luật sinh tử khổ đau gọi chung là ngôi nhà lửa. Tham-sân-si cũng được xem như các độc tố làm mê mờ tâm trí con người; khi chúng dính vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý thì các giác quan này trở nên ô uế, mù lòa, quờ quạng, bệnh hoạn, không còn sáng suốt, tỉnh táo, không nhận rõ thực tại, mê theo các đối tượng khả ái và oán ghét các đối tượng không khả ái, hành hoạt không trung thực, khiến tâm thức rơi vào các đối cực, không ngừng quay cuồng và vùng vẫy trong thế giới đối đãi, trở nên căng thẳng và mệt mỏi, không giải thoát, không thanh thản, không tự do, không an lạc. Cái tâm mà bị tham-sân-si trói buộc, rơi vào quay cuồng, vùng vẫy trong thế giới hơn thua, được mất, thắng bại thì theo đó mọi lời nói và việc làm của con người sẽ trở nên mê lầm, bất thiện, không chính đáng, chỉ đưa đến phiền muộn khổ đau, không đưa đến hạnh phúc an lạc. Tôn giả Ànanda nêu rõ lý do vì sao đạo Phật chủ trương đoạn diệt tham-sân-si:
“Người có tham, thưa Hiền giả Channa, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi tham được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi tham được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi tham được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình… như thật rõ biết lợi cả hai.
Sân, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình… Khi si được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình… không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Người có si, thưa Hiền giả bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, làm ác hạnh với thân… làm ác hạnh với ý. Khi si được đoạn tận, không làm ác hạnh với thân… với ý.
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, … không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi si được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình… như thật rõ biết lợi cả hai.
Si, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Thấy sự nguy hại này của tham, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận tham. Thấy sự nguy hại này của sân, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận sân. Thấy sự nguy hại này của si, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận si”.[3]
Về giải pháp khắc phục và đoạn trừ tham-sân-si, gốc rễ của mọi phiền não khổ đau, Đức Thế Tôn đưa ra rất nhiều lời khuyên bổ ích. Trước hết, phải thấy rõ tham- sân-si là nguyên nhân của mọi hành vi bất thiện đưa đến khổ đau, ý thức rõ sự đoạn tận tham-sân-si chính là cách thức đi ra khỏi khổ đau, như lời giải thích của Tôn giả Ànanda cho du sĩ Channa. Tuy nhiên, chỉ nhận thức không thôi thì chưa đủ để loại trừ tham-sân-si, mà cần phải thực tập chuyển hóa nội tâm thông qua pháp môn giới-định-tuệ thì tham-sân-si mới dần dần được khắc phục và loại trừ. Đó chính là sự quyết tâm buông bỏ dục vọng, rời xa các ham muốn dục lạc hay các thú vui thế gian, nỗ lực thực hành thiền định để chuyển hóa lòng đam mê dục lạc thành tâm yêu mến Thiền lạc. Gia chủ Mahànàma từng bộc bạch với Đức Thế Tôn về sự khó khăn của sự rời bỏ tham-sân-si và bậc Giác ngộ chia sẻ về một kinh nghiệm khắc phục:
– Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con đã hiểu như thế này lời dạy của Thế Tôn: “Tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si là cấu uế của tâm”. Tuy vậy, đôi lúc các tham pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các sân pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các si pháp chiếm cứ tâm con và an trú. Bạch Thế Tôn, con tự suy nghĩ: “Pháp nào tự trong ta không đoạn trừ được, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các si pháp xâm nhập tâm ta và an trú?”
– Này Mahànàma, có một pháp trong Ông chưa được đoạn trừ, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm Ông và an trú… các si pháp xâm nhập tâm Ông và an trú. Và này Mahànàma, pháp ấy trong Ông có thể đoạn trừ được, nếu Ông không sống trong gia đình, nếu Ông không thụ hưởng các dục vọng. Và này Mahànàma, vì pháp ấy trong Ông chưa được đoạn trừ, nên Ông sống trong gia đình và thụ hưởng các dục vọng.
Các dục vọng, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn. Này Mahànàma, nếu một vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ, nhưng nếu vị này chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy vị ấy chưa khỏi bị các dục chi phối. Này Mahànàma, khi nào vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”, và vị này chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị ấy không bị các dục chi phối.
Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh đẳng Chánh giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”, dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối”.[4]
Lời dạy của đấng Giác ngộ xác nhận rất rõ rằng tham dục (nói rộng ra là tham-sân-si) chỉ có thể được khắc phục nhờ công phu hành Thiền, tức sự thực tập chuyển hóa và thanh lọc nội tâm thông qua thiền định hay pháp môn giới-định-tuệ. Sở dĩ Thiền có công năng chế ngự tham dục ấy là bởi Thiền là phương pháp chuyển hóa và thanh lọc tâm, thanh lọc cảm thọ đạt đến thuần tịnh và thanh lương – từ tâm dục giới thăng tiến lên sắc giới, vô sắc và siêu thế; từ cảm giác dục lạc sang kinh nghiệm Thiền lạc thuộc sắc giới, vô sắc và siêu thế. Đó chính là sự thăng hoa tâm thức hay tiến trình thực chứng Tăng thượng tâm (Adhicitta), nhờ loại bỏ năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi) và thành tựu năm Thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm). Đó cũng chính là tiến trình rời xa dục lạc, tức những thú vui vật chất làm ô uế tâm thức (mìlhasukha), mang tính phàm tục (puthujjanasukha), không đưa đến thanh cao (anariyasukha); thay vào đó là sự thực nghiệm Thiền lạc, tức nội tâm thanh thản an lạc nhờ rời bỏ dục vọng thế gian (nekkhammasukha), bặt dứt các vọng niệm (upamasukha), buông bỏ mọi vọng tưởng (pavivekasukha), hướng đến giác ngộ (samboddhasukha). Nói cách khác, hành Thiền có công năng khắc phục và loại trừ tham-sân-si, vì Thiền dứt trừ năm triền cái, những pháp làm ô uế tâm thức, được xem là thức ăn của vô minh và vì bản chất của Thiền là thức tỉnh, sáng suốt, giác ngộ, không mê đắm, là buông xả, ly tham, không bám chấp, giải thoát.
Sau cùng, trên cơ sở của việc hành sâu pháp quán niệm, tham-sân-si được nhận biết là pháp duyên sinh, do duyên các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) gặp gỡ các trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà phát sinh và tăng trưởng; vì vậy mà tham-sân-si có thể được chặn đứng và diệt trừ nhờ vào sự loại trừ hay dứt bặt các duyên. Đây là phương pháp trực tiếp chặn đứng và dập tắt tham-sân-si, không để cho chúng có cơ hội sinh khởi và tăng trưởng, nhờ thực hành pháp môn phòng hộ các căn, cụ thể là sự chú tâm nhận biết về cảm thọ, không để cho tham-sân-si duyên theo các cảm thọ – lạc, khổ hay bất khổ bất lạc – mà tùy tăng. Đức Phật xác chứng khả năng đoạn tận tham-sân-si, cũng đồng nghĩa là đoạn tận khổ đau, nhờ thực tập pháp môn quán niệm về tính chất duyên sinh và duyên diệt của các pháp:
“Này các Tỳ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các Tỳ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng… do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỳ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
Nhưng này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỳ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra. Này các Tỳ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng… do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên cảm xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỳ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy có xảy ra”. [5]
Nhìn chung, tham-sân-si là các mồi lửa đáng sợ đối với đời sống của con người nhưng chúng cũng chỉ là các pháp do duyên mà sinh khởi, tự tánh là chuyển biến, vô thường, không thực thể, không thường hằng, không tồn tại mãi, có thể được chế ngự và giập tắt nhờ ứng dụng các phương pháp tu tập thích hợp. Cái gì có sanh khởi thì cái ấy có đoạn diệt. Tham-sân-si do duyên sanh thì cũng do duyên mà diệt. Có nhiều pháp môn tu tập nhằm khắc phục và đoạn diệt tham-sân-si, gốc rễ của phiền não khổ đau, được nói đến trong kinh Phật; căn bản nhất là thực hành Bát chánh đạo hay nếp sống giới-định-tuệ để khắc phục dần các thói quen tham- sân-si, khiến cho chúng được chế ngự và bào mòn cho đến lúc không còn đủ sức để chi phối đời sống cá nhân. Chỉ với tâm kiên trì thực hành lời Phật dạy thì tham-sân-si, gốc rễ của phiền não khổ đau, mới dần dần được khắc phục và đoạn trừ; lúc bấy giờ đời sống mới thực sự nhẹ gánh và thảnh thơi, mới trở nên đáng yêu và đáng quý, vì con người sẽ “không làm mọi điều ác; chỉ làm các hạnh lành”.
Chú thích:
1 Kinh Bốc cháy, Tương Ưng Bộ.
2 Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
3 Kinh Channa, Tăng Chi Bộ.
4 Tiểu kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
5 Kinh Sáu sáu, Trung Bộ.
Nguồn: Văn Hoá Phật Giáo số 208
Các tin tức khác
- Vô minh là cội nguồn của muôn kiếp khổ đau (26/10/2016 12:46)
- Tìm sự giác ngộ (25/10/2016 2:04)
- Trở lại với lối sống nề nếp (25/10/2016 1:47)
- 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ (24/10/2016 12:53)
- Tinh tấn là thiết yếu (24/10/2016 12:42)
- 5 phương pháp nuôi dưỡng hạnh phúc (23/10/2016 1:36)
- Tận hưởng hạnh phúc trong hiện tại (23/10/2016 1:21)
- Có tuệ giác bất nhị khi niệm Bụt, khi quán tưởng hay khi lạy Bụt (22/10/2016 1:45)
- Ý nghĩa cúng dường Tam Bảo (22/10/2016 1:36)
- "Buông bỏ tất cả" để làm gì? (21/10/2016 2:01)